Ông Mahmoud al-Aloul (trái), đại diện Fatah, Ngoại trưởng Vương Nghị (giữa) và ông Mussa Abu Marzuk, thành viên cấp cao của Hamas tại Bắc Kinh ngày 23/7. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu sau khi ký thỏa thuận với sự hiện diện của Ngoại trưởng nước chủ nhà Vương Nghị, phái viên của Fatah Mahmud al-Aloul cùng đại diện 12 nhóm Palestine khác tại Bắc Kinh, ông Mussa Abu Marzuk, quan chức cấp cao của Hamas cho biết: "Hôm nay, chúng tôi ký thỏa thuận về đoàn kết dân tộc và khẳng định con đường để hoàn tất hành trình này chính là đoàn kết dân tộc. Chúng tôi cam kết đoàn kết dân tộc và kêu gọi các bên khác cũng làm như vậy".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị cho hay, mặc dù còn nhiều điểm khác biệt, nhưng đại diện các nhóm đã đồng ý thành lập "chính phủ hòa giải dân tộc lâm thời". Ông Vương Nghị cho biết, các cuộc đàm phán diễn ra tại Bắc Kinh còn có đặc phái viên của Ai Cập, Algeria và Nga.
Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, "điểm nổi bật nhất của Tuyên bố Bắc Kinh là thỏa thuận thành lập chính phủ hòa giải dân tộc lâm thời xoay quanh việc quản lý Dải Gaza sau chiến sự". Ông Vương Nghị nhấn mạnh, "hòa giải là vấn đề nội bộ của các phong trào Palestine, nhưng không thể đạt được mục tiêu này nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế".
Trong bối cảnh đó, theo Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc mong muốn "đóng vai trò xây dựng trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở Trung Đông". Ông cho biết, Bắc Kinh kêu gọi các bên đạt "lệnh ngừng bắn toàn diện, lâu dài và bền vững", cũng như những nỗ lực thúc đẩy quyền tự quản của người Palestine và sự công nhận hoàn toàn đối với nhà nước Palestine tại Liên hợp quốc. Trung Quốc luôn duy trì quan điểm ủng hộ sự nghiệp của người Palestine, ủng hộ giải pháp hai nhà nước trong xung đột giữa Israel và Palestine, đồng thời giữ mối quan hệ tốt đẹp với Israel.
Hamas và Fatah là hai phong trào có vai trò chủ đạo ở Palestine. Fatah từng kiểm soát cả Bờ Tây và Dải Gaza, nhưng rút khỏi Dải Gaza năm 2007 khi Hamas trỗi dậy sau cuộc bầu cử Quốc hội năm đó. Trong khi hai nhóm này hướng đến mục tiêu chung là xây dựng một nhà nước Palestine trên các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng năm 1967, bao gồm Đông Jerusalem, dải Gaza và Bờ Tây thì có một vài khác biệt lớn giữa hai bên. Trong khi Fatah chủ trương đấu tranh chủ yếu bằng đàm phán hòa bình và được quốc tế công nhận, Hamas lại theo đuổi đấu tranh vũ lực, có quan điểm cứng rắn với Israel nên được đông đảo người dân nơi đây ủng hộ.
Theo cơ quan y tế Gaza, cho đến nay, hơn 39.000 người, chủ yếu là dân thường, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng và hơn 90.000 người bị thương vì các cuộc xung đột. Chiến sự diễn ra khốc liệt trong thời gian qua đẩy Gaza vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.
Cho đến nay, đối đầu giữa Hamas và Israel vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, bất chấp nhiều nỗ lực trung gian hòa giải của các nước. Hiện Trung Quốc nổi lên như một nhà trung gian hòa giải có tiếng nói. Phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, Mỹ hoan nghênh bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc giúp ổn định và an ninh khu vực, đảm bảo thỏa thuận phóng thích con tin.
Trong bối cảnh đó, thỏa thuận hòa giải Hamas - Fatah là một bước đi rất ý nghĩa. Nó không chỉ giúp cho tiến trình hòa giải ở Palestine mà còn tạo động lực cho nỗ lực tìm kiếm và đạt được hòa bình bền vững ở Dải Gaza và khu vực.