📞

Hàn Quốc: Đưa quan hệ với Mỹ, Trung Quốc 'lên bàn cân' và lựa chọn của Tổng thống đắc cử

Phương Hà 14:40 | 16/03/2022
Những quan điểm về chính sách của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ đang đặt mối quan hệ Seoul-Bắc Kinh trước nhiều thử thách.
Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã nói rõ trong chiến dịch tranh cử rằng ông có kế hoạch tăng cường quan hệ thương mại và an ninh với Mỹ. (Nguồn: AP)

Không còn "quan trọng như nhau"

Việc ông Yoon Suk-yeol được bầu làm Tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc đã đặt ra câu hỏi về tương lai của mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh, đặc biệt là khi vị cựu Tổng công tố đã nói rõ trong chiến dịch tranh cử rằng, ông có kế hoạch tăng cường quan hệ thương mại và an ninh với Mỹ.

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc so với người tiền nhiệm Moon Jae-in, người luôn coi trọng mối quan hệ với nền kinh tế số 2 thế giới cả về thương mại và khả năng giúp đàm phán với Triều Tiên.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2021, giúp đẩy thương mại song phương lên mức cao kỷ lục 301,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, chính sự cạnh tranh ngày càng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington đã đặt ra tình thế khó xử đối với Seoul, vốn phải cân bằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc và mối quan hệ an ninh truyền thống với Mỹ.

Các nhà phân tích nhận định, dưới thời chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc lựa chọn giải pháp coi cả Mỹ và Trung Quốc là "quan trọng như nhau". Song điều này có thể sẽ thay đổi sau khi ông Yoon Suk-yeol nhậm chức.

Nhà nghiên cứu Moon Jong-chol tại Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KIIET) đánh giá: "Xét thấy lập trường trung lập của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in không mang lại lợi ích thiết thực và có tính đến mức độ chống Trung Quốc ở Hàn Quốc, nhiều khả năng chính quyền mới sẽ giữ khoảng cách với Trung Quốc so với chính quyền hiện tại và có những động thái ngả về phía Mỹ".

Chính quyền sắp tới ở Hàn Quốc có thể là thử thách lớn nhất đối với mối quan hệ Seoul-Bắc Kinh kể từ năm 2017, thời điểm quan hệ song phương trở nên xấu đi sau quyết định triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Hàn Quốc để tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công tên lửa có thể xảy ra từ Triều Tiên.

Việc triển khai này đã khiến Trung Quốc đáp trả bằng những đòn trừng phạt kinh tế nhanh chóng đối với Seoul. Bắc Kinh cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ cho phép Washington do thám lãnh thổ Trung Quốc.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Yoon Suk-yeol cam kết sẽ triển khai thêm THAAD để chống lại các cuộc tấn công tiềm tàng từ Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, ông Yoon Suk-yeol cũng đề cập việc Hàn Quốc tham gia nhóm Bộ tứ (Quad) bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản, được thành lập trong bối cảnh chung lo ngại về sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Giảm sự phụ thuộc về kinh tế

Nhà Trắng đã và đang tăng cường các nỗ lực nhằm kiềm chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, đưa các công ty công nghệ khổng lồ của nền kinh tế số 2 thế giới như Huawei Technologies Co. và Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) vào "danh sách đen".

Bên cạnh đó, Washington được cho là cũng đang chuẩn bị khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) và nỗ lực để định hướng lại chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Tất cả những điều này có thể khiến Bắc Kinh gặp khó khăn hơn trong việc sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình trong khu vực.

Sau khi ông Yoon Suk-yeol nhậm chức vào ngày 10/5 tới, Hàn Quốc dự kiến tham gia khuôn khổ thương mại và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng mới tập trung vào Mỹ nhờ thế mạnh về sản xuất chất bán dẫn và pin xe ô tô điện.

Nhà nghiên cứu Moon Jong-chol nhận định: "Với việc các nhà sản xuất chip Hàn Quốc tiếp cận tài sản trí tuệ và thiết bị của Mỹ trong sản xuất chất bán dẫn (vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực), Hàn Quốc không thể coi thường các động thái của Mỹ nhằm kiềm chế lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc".

Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cũng đã báo hiệu chính quyền của ông sẽ tìm cách giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và mở rộng quan hệ với khu vực Đông Nam Á.

Andrew Yeo, Chủ tịch Quỹ SK (Hàn Quốc) về nghiên cứu Hàn Quốc và là thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Á tại Viện Brookings đánh giá, chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đã làm việc với Mỹ để cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng nhưng chủ yếu là ở cấp độ song phương trong khuôn khổ liên minh Mỹ-Hàn Quốc.

Ông Andrew Yeo bày tỏ: "Tôi kỳ vọng chính phủ của ông Yoon Suk-yeol sẽ tiếp tục hợp tác kinh tế với Mỹ nhưng cũng mở rộng hợp tác ở cấp độ đa phương với các đồng minh và đối tác khác của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vốn đang đối mặt với các vấn đề tương tự về chuỗi cung ứng.

Khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, quản trị kỹ thuật số và các vấn đề công nghệ mới nổi có thể sẽ được nêu bật trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (mà tôi dự đoán Hàn Quốc sẽ tham gia) ngay cả khi nước này theo đuổi các hiệp định thương mại đa phương khác".

Trong khi đó, Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì mối quan hệ vững chắc với Hàn Quốc, đặc biệt khi hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay.

Trong thông điệp chúc mừng gửi tới Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol ngày 11/3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông sẵn sàng "kiên quyết bảo vệ ý định ban đầu về việc thiết lập quan hệ ngoại giao và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước".

(theo The Korea Times)