Thỏa thuận được ký kết tại Seoul cho phép hai nước chia sẻ thông tin trực tiếp và nhanh chóng hơn về những động thái phát triển quân sự của Triều Tiên. Trước đó, Mỹ là nước trung gian trao đổi thông tin tình báo giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc (trái) và Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc ký kết thỏa thuận. (Nguồn: AP) |
Thực tế, quan hệ hai nước vẫn chịu ảnh hưởng của nhiều vấn đề trong thế kỷ trước. Tuy nhiên, việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa vào vùng biển Nhật Bản vào tháng 8 và tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vào tháng 9 vừa qua đã thúc đẩy Tokyo tăng cường hợp tác với Seoul.
Về phía Hàn Quốc, Bộ trưởng quốc phòng nước này cũng khẳng định, Hàn Quốc phải đối mặt với tình hình an ninh mới nhiều nguy cơ từ phía Triều Tiên. Do vậy, nếu Hàn Quốc và Nhật Bản có thể chia sẻ những thông tin quân sự về các chương trình hạt nhân, Seoul có khả năng chống lại những hành động khiêu khích từ phía Bình Nhưỡng.
Thỏa thuận cho phép Hàn Quốc hưởng lợi từ nhiều thiết bị tiên tiến, hiện đại của Nhật Bản, bao gồm 5 vệ tinh, 4 hệ thống radar, 6 tàu khu trục Aegis và 77 máy bay tuần tra.
Thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia lo ngại về địa chính trị thay đổi trong khu vực sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ hôm 8/11. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần nói rằng, ông sẽ rút lực lượng quân đội của Mỹ khỏi bán đảo nếu như Hàn Quốc không chia sẻ kinh phí hoạt động đối với Mỹ. Liên minh quân sự 63 năm qua giữa Seoul và Washington vốn được coi như là “bức tường thành quan trọng” chống lại những âm mưu của Triều Tiên.