NSS mới của Hàn Quốc xem Nhật Bản là láng giềng quan trọng và tìm kiếm hợp tác trong những lĩnh vực như an ninh quốc gia và kinh tế. (Nguồn: Văn phòng Quan hệ công chúng Nội các Nhật Bản) |
Tuần qua, Hàn Quốc đã công bố Chiến lược An ninh quốc gia (NSS) đầu tiên dưới thời Tổng thống Yoon Suk Yeol. Khác với láng giềng Nhật Bản và đồng minh Mỹ, đây không phải là tài liệu thường niên và chỉ xuất hiện một lần trong mỗi nhiệm kỳ tổng thống như ông Lee Myung Bak (2008), bà Park Geun Hye (2014), ông Moon Jae In (2018) và giờ là ông Yoon Suk Yeol (2023).
Khoảng cách từ 4-5 năm giữa các phiên bản và thường xuất hiện ở giai đoạn đầu nhiệm kỳ đồng nghĩa rằng, tài liệu này mang tính xuyên suốt, hướng tới xác định các vấn đề, mục tiêu trong nhiệm kỳ duy nhất của Tổng thống Hàn Quốc.
Trong số đó, một vấn đề, mục tiêu tồn tại xuyên suốt các phiên bản NSS là tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Giờ đây, câu chuyện ấy vẫn quan trọng hơn bao giờ hết. Song NSS năm 2023 của Hàn Quốc không chỉ có vậy.
Dư âm cũ, cách tiếp cận mới
Trước hết, tiêu đề của tài liệu này là “Quốc gia quan trọng toàn cầu vì tự do, hòa bình và thịnh vượng”, gợi nhớ tên gọi bản NSS của xứ sở kim chi dưới thời của cố Tổng thống Lee Myung Bak, “Một Hàn Quốc toàn cầu”. Tài liệu năm 2009 này chỉ dày 39 trang, ngắn hơn nhiều so với văn bản dài 107 trang được công bố vừa qua. Tuy nhiên, văn bản này đã trở thành kim chỉ nam để Seoul đóng một vai trò tích cực, có ảnh hưởng hơn trên trường quốc tế trong các vấn đề như tự do thương mại, chủ nghĩa đa phương, gìn giữ hòa bình và biến đổi khí hậu.
Trên khía cạnh đó, bản NSS mới mong muốn làm điều tương tự, phản ánh rõ thông qua những ưu tiên nêu trong phần đánh giá về môi trường an ninh. Thay vì đi theo phong cách truyền thống và khởi đầu với tình hình bán đảo Triều Tiên, chương Hai của NSS đề cập vấn đề này cuối cùng.
Thay vào đó, phần này khởi đầu với đánh giá sơ bộ về an ninh toàn cầu, lưu ý rằng “các cuộc khủng hoảng, vốn chỉ xuất hiện vài trăm năm một lần, giờ lại diễn ra cùng một lúc”. Nhận định về ranh giới ngày càng mờ nhạt giữa “quốc gia” và “quốc tế”, cùng mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa an ninh và phát triển, tài liệu này đã dẫn chứng một số thách thức then chốt từ bên ngoài như cạnh tranh Mỹ - Trung, gián đoạn chuỗi cung ứng – vốn đóng vai trò then chốt đối với quốc gia thương mại như Hàn Quốc và các thách thức an ninh phi truyền thống.
Trong khi đó, chương Ba, Bốn và Năm vạch ra kế hoạch của Seoul nhằm giải quyết các thách thức này thông qua củng cố quan hệ đồng minh với Washington và đối tác chiến lược; củng cố trật tự quốc tế và nâng cao năng lực quốc phòng.
Những phần này có nhiều điểm tương đồng với nội dung đã được đề cập trong các văn bản chính sách được công bố vài tháng trước, bao gồm Chiến lược vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng (tháng 12/2022) và Sách Trắng Quốc phòng năm 2022 (tháng 2/2023). Từ bán dẫn tới quốc phòng và sản xuất năng lượng phát thải thấp, vai trò của Hàn Quốc đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cân bằng quyền lực toàn cầu đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, chương Bảy và Tám về an ninh kinh tế và đối phó thách thức an ninh mới nổi thừa nhận rằng, những vụ việc liên quan tới hành vi “cưỡng ép kinh tế” và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng gần đây cho thấy sự trỗi dậy của Hàn Quốc có thể bị cản trở. Điều này buộc Seoul nỗ lực xây dựng quan hệ với đối tác mới, song song việc duy trì quan hệ với các đối tác truyền thống.
Ngoại giao dựa trên giá trị
Đặc biệt, bản NSS mới của Hàn Quốc nhận định, trọng tâm của ngoại giao thời gian tới sẽ là “triển khai đồng thời ngoại giao dựa trên giá trị (value - based diplomacy) và ngoại giao thực tế (pragmatic diplomacy) vì lợi ích quốc gia”.
Tuy nhiên, không khó để thấy sự tương phản giữa hai mục tiêu này và chương Sáu về mối quan hệ liên Triều là minh chứng rõ nét hơn cả. Chiến thắng của ông Yoon Suk Yeol trong cuộc bầu cử Tổng thống một năm về trước phần nào đó đến từ nỗ lực không thành của chính quyền tiền nhiệm trong hòa giải hai miền. Trên cơ sở đó, chương này có đề cập những biện pháp răn đe quân sự và vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, phần còn lại của chương này chủ yếu nhắc tới nỗ lực chưa được hồi đáp của Hàn Quốc nhằm tiếp cận thực chất hơn với Triều Tiên.
Tương tự là lập trường của Seoul trong quan hệ với Bắc Kinh và Moscow. Như thường lệ, NSS này nhiều lần nhắc đến sự đoàn kết giữa Hàn Quốc với các đối tác, đồng minh chia sẻ cùng hệ giá trị như Mỹ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng, Seoul phủ nhận quan hệ với Bắc Kinh và Moscow. Tài liệu nhấn mạnh quan hệ Trung - Hàn có thể phát triển thông qua “sự tôn trọng và tương hỗ”, dù Nhà Xanh sẽ “ngăn cản sự phụ thuộc quá mức vào một số quốc gia về những khoáng sản than chốt”. Một mặt, Hàn Quốc “chỉ trích mạnh mẽ” Nga vì cuộc xung đột tại Ukraine. Mặt khác, Seoul muốn “duy trì quan hệ ổn định” với Moscow.
Tìm kiếm điểm cân bằng giữa theo đuổi thực tế lợi ích quốc gia và hành xử tương ứng với các hệ giá trị của mình là bài toán khó đối với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là với một quốc gia tầm trung tại khu vực láng giềng phức tạp như Hàn Quốc.
Dù vậy, chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol vẫn vạch ra tầm nhìn tham vọng, hướng tới xác lập vị trí của Seoul trên bản đồ thế giới, thay vì chỉ tập trung vào những gì đang diễn ra tại Đông Bắc Á. Song trước một thế giới đầy biến động, với các cuộc khủng hoảng “trăm năm có một… đang diễn ra cùng một lúc” như NSS đã nêu, hiện thực hóa giấc mơ ấy chắc chắn không hề đơn giản.