TIN LIÊN QUAN | |
Hội nhập AEC: Chẳng học đâu xa, hãy học người Thái | |
Ngoại giao kinh tế vì đoàn kết ASEAN |
Sự ra đời của cộng đồng kinh tế ASEAN đã cho phép sự di chuyển tự do của các luồng hàng hóa, dịch vụ, lực lượng lao động có tay nghề giữa các nước Đông Nam Á. Và “các vị hàng xóm” của Việt Nam đều đã rất nhanh chân trong tiến trình hội nhập.
Đại sứ Philippines Noel Servigon (giữa) thăm người lao động Philippines tại Khu công nghiệp Việt Trì. |
Thua ngay trên sân nhà
Ở mảnh đất Phú Thọ, sự ra đời và đi vào hoạt động của Big C, Vincom…không chỉ làm thay đổi diện mạo đô thị Việt Trì mà còn góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Cung cách quản lý, cung ứng, bán hàng theo quy chuẩn thế giới đã thúc đẩy các nhà buôn đưa hàng ngoại đến Việt Trì.
Đến thời điểm này, ngoài hàng Việt, hàng ngoại với mẫu mã khác biệt, giá cả cạnh tranh cũng được không ít người lựa chọn. Tại Big C Việt Trì, các loại gạo thông thường của Thái Lan không đắt hơn gạo Việt (gạo Hải Hậu 17.300 đồng/kg, gạo Thái 16.800 đồng/kg). Cùng bao 5kg gạo tám thơm, của Thái Lan 130.000 đồng, của Nhật Bản 140.000 đồng. Chưa kể các mặt hàng công nghiệp, dịch vụ hoặc đặc sản, chỉ riêng câu chuyện hạt gạo Thái len lỏi, cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt ngay trên sân nhà, đã đủ thấy người Thái có chiến lược rõ ràng trong hội nhập kinh tế khu vực. Bên cạnh Thái Lan, hàng của một số nước cũng đã cạnh tranh ngang ngửa với những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Cách đây chưa lâu, Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã mua lại Big C Việt Nam với giá hơn 1 tỉ USD. Trong tương lai không xa, chắc chắn họ sẽ tăng tỷ trọng hàng Thái trong các siêu thị.
Đương nhiên, có nhiều nhà cung ứng, có thêm sự cạnh tranh là có thêm lựa chọn, là có lợi cho người tiêu dùng. Nhưng với các nhà sản xuất, kinh doanh Việt, đây sẽ là một thách thức. Nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” đang hiện hữu.
Người lao động cần trang bị kỹ năng
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Phú Thọ gần đây, Đại sứ Philippines tại Việt Nam Noel Servigon đã tới thăm những người đồng hương đang làm việc tại Nhà máy Yakjin Việt Nam, Khu công nghiệp Thụy Vân, TP. Việt Trì. Trong nhà máy Yakjin Việt Trì, do có tay nghề cao và nghe nói thạo tiếng Anh, 9 người Philippines đều được phụ trách các khâu trọng yếu như điều phối sản xuất, thiết kế công nghiệp, quản lý chất lượng và bảo vệ thương hiệu.
Rất ít lao động Việt tại nhà máy biết giao dịch tiếng Anh, nên chỉ một số ít ỏi được bố trí làm ở bộ phận thiết kế công nghiệp. Còn lại, đại đa số công nhân Việt Nam làm các công việc giản đơn hơn trong các dây chuyền may, vì vậy, thu nhập cũng thấp hơn. Công ty Yakjin có 7 nhà máy (1 ở Indonesia, 2 ở Campuchia và 4 ở Việt Nam).
Điều kiện, môi trường lao động mà chính quyền và doanh nghiệp tạo ra cho người lao động như nhau, nhưng ai có khả năng hơn, người ấy có việc làm tốt hơn. Người lao động Phú Thọ nếu không trang bị cho mình những khả năng, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, tiến bộ, sẽ khó đáp ứng yêu cầu và có thể bị tuột khỏi dây chuyền sản xuất.
Cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép lao động có tay nghề được tự do tìm việc trong các nước thành viên. Và sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu một ngày đẹp trời, có thể người Philippines, Indonesia hay Campuchia sẽ thay thế nhiều người Phú Thọ trong các nhà máy ở Việt Trì. Hội nhập kinh tế ASEAN là sân chơi bình đẳng, ai xuất phát sớm, duy trì được thực lực, người đó sẽ thành công.
Mở cánh cửa hội nhập
Bản chất của hội nhập là hội nhập về chất lượng và giá cả, đây là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Phú Thọ. Ông Thản kể, khi đi Mỹ, lúc đầu ông định chọn một hãng hàng không trong nước, nhưng sau đó, so với nhiều hãng hàng không nước ngoài, không chỉ vé rẻ hơn mà phục vụ của họ cũng chu đáo hơn. Các tour du lịch xuất ngoại như Thái Lan, Singapore thường rẻ hơn đi Sài Gòn, Phú Quốc.
Một khía cạnh khác, muốn hội nhập đi vào thực chất, ông Thản kiến nghị, chúng ta phải có chế tài đủ mạnh với sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái để quyền lợi và danh dự của người sản xuất chân chính được bảo vệ.
Chia sẻ ý kiến trên, ông Trần Anh Tuấn - Ban chỉ đạo TW cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” khẳng định hội nhập có thành công hay không phụ thuộc vào xử lý hàng giả, hàng nhái. Đây là một cuộc chiến mà chúng ta không thể nương tay.
Những ý kiến tâm huyết vì hàng Việt và lòng tự tôn của người Việt đều gặp nhau ở điểm này. Nhưng đã đến lúc chúng ta không thể vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt kém chất lượng. Trong thời hội nhập khu vực và toàn cầu, đang xuất hiện một câu ca dao cải biên: “Ta về ta tắm ao ta, phải trong không đục ao nhà mới hơn”.
Quả vậy, chúng ta phải vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tốt và rẻ. Muốn vậy, cùng với khẩu hiệu vận động khách hàng “dùng hàng Việt là yêu nước”, các doanh nghiệp, doanh nhân cũng nên đồng thanh: “sản xuất hàng Việt chất lượng cao, giá cạnh tranh là yêu nước”. Đó mới là vấn đề cốt tử của hội nhập và phát triển.
Một vài suy nghĩ về AEC sau một năm hình thành Nhân dịp Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) kỷ niệm một năm thành lập (31/12), tờ Korea Times đã lấy ý kiến của một số ... |
Muốn cạnh tranh tốt trong AEC, phải đổi mới, sáng tạo Trao đổi bên lề Hội thảo “Việt Nam và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) diễn ra ngày 28/12 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị ... |