📞

Hàng triệu người Nhật phụ thuộc vào khẩu trang do yếu tố tâm lý

20:47 | 10/04/2017
Đeo khẩu trang y tế là cách bảo vệ sức khỏe ở Nhật Bản, nhưng cũng là một thói quen gây nghiện đối với không ít người.

Mùa Xuân là mùa kinh doanh khẩu trang y tế cao điểm ở Nhật, khi nhiều người mắc chứng cảm lạnh hay dị ứng phấn hoa. Bất cứ ai đến Nhật vào thời điểm này đều thấy người dân đeo khẩu trang khi đi đường.

Theo Straits Times, nếu ở Nhật Bản đủ lâu, người ta sẽ nhận ra việc thích đeo khẩu trang y tế không đơn thuần vì lý do sức khỏe mà còn liên quan đến yếu tố tâm lý, thậm chí cả bệnh lý. Trong khi nhiều người đeo khẩu trang để chống dị ứng thì một số khác lại sử dụng nó như “lá chắn” để tránh các tình huống xã hội khó xử.

Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Vệ sinh Công nghiệp Nhật Bản, sản lượng khẩu trang hiện nay tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015, đạt mức kỷ lục là 4,9 tỷ chiếc.

Khẩu trang y tế trở thành mặt hàng bán chạy ở Nhật trong nhiều năm trở lại đây. (Nguồn: Reuters)

Công ty tư vấn marketing Fuji Keizai cho biết, tổng doanh thu bán khẩu trang trên toàn quốc đạt 23,2 tỷ Yen (294 triệu USD) vào năm 2014. Vào thời điểm dịch cúm gia cầm H1N1 bùng phát năm 2009, doanh thu từ mặt hàng này đạt đỉnh điểm, khoảng 34 tỷ Yen (hơn 307 triệu USD).

Khẩu trang dùng một lần với giá thành rẻ được coi là biện pháp hữu hiệu chống các tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe ở Nhật. Theo khảo sát của công ty dược phẩm Kobayashi, gần 1/3 người Nhật đeo khẩu trang mỗi ngày vào năm 2011, so với tỷ lệ 1/5 vào năm 2008.

Nhiều người Nhật, đặc biệt là phụ nữ, thường đeo khẩu trang khi cảm thấy không tự tin về vẻ bề ngoài. “Tôi đeo khẩu trang ra ngoài khi không kịp trang điểm”, Mai Hashimoto, một nhân viên tiếp thị 30 tuổi, cho hay. Người phụ nữ này dùng khoảng 12 cái khẩu trang trong 2 tuần. Cô nói rằng nhiều loại khẩu trang được bán trên thị trường với đủ màu sắc. Nhiều loại còn khiến khuôn mặt trông nhỏ hơn.

Ông Tokomida, làm việc tại Unicharm, cho hay công ty ông có 11 loại khẩu trang, từ loại thiết kế dạng 3D, phù hợp với kết cấu khuôn mặt của người đeo đến những loại có mùi thơm.

Từ năm 2012, một số công ty mai mối khuyến khích người tham gia hẹn hò đeo khẩu trang y tế, để tìm hiểu đối phương mà không cần quan tâm đến hình thức của họ.

Người Nhật đeo khẩu trang trong buổi hẹn hò sắp đặt tại Tokyo tháng 11/2016. (Nguồn: Reuters)

Ông Yuzo Kikumoto, người sáng lập công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý Kikiwell, là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “phụ thuộc khẩu trang” vào năm 2009. Ông cho rằng nhiều người đeo khẩu trang không vì những mục đích mà họ dự định mà đeo vì thói quen thích ẩn mình.

Số người hay sử dụng khẩu trang tìm đến công ty của Kikumoto tăng 50% kể từ năm 2009, phần lớn nằm trong độ tuổi từ 30 đến 40. Phụ nữ chiếm 60% trong số này.

Ông cho hay người nghiện có thể tiến tới giai đoạn không thể thiếu khẩu trang mỗi khi ra đường. Hiện tượng “phụ thuộc khẩu trang” bắt nguồn từ cảm giác thiếu an toàn ở nơi công cộng, trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ.

“Khẩu trang như một tấm chắn an toàn, người nghiện đeo khẩu trang và người để mặt lộ diện sẽ không thể nói chuyện với nhau. Việc xã hội chấp nhận những tương tác qua lớp khẩu trang góp phần lan rộng hiện tượng phụ thuộc vào khẩu trang”, ông Kikumoto nhận định.

Giống như mọi quá trình cai nghiện khác, việc điều trị người nghiện khẩu trang cần bắt đầu từ việc tự nhận thức về tình trạng của bản thân. Bên cạnh đó, người nghiện đeo khẩu trang cần được tương tác nhiều hơn với những người xung quanh và tích cực tiếp xúc với các tình huống xã hội.

(theo Zing.vn)