Những trải nghiệm đặc biệt
Th.S, Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng Khoa Nội Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. |
Mỗi người đều phải mặc quần áo bảo hộ kín mít trong nhiều giờ đồng hồ dưới thời tiết nóng nực, không uống nước, cũng không được đi vệ sinh. Ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có đến 70% nhân viên là nữ, đa phần là các điều dưỡng viên, ở độ tuổi trung bình 26, hầu hết còn rất trẻ, vừa lập gia đình, và có một đến hai con. Trong năm qua, họ phải nhiều lần phải ở lại bệnh viện hoàn toàn trong vài tháng trời, không được về nhà, xa gia đình, xa con nhỏ.
“Nhiều người đã hỏi tôi, trải qua những ngày tháng chống dịch, trong cả ngày thì thời điểm nào tôi cảm thấy khó khăn nhất. Và tôi đã chia sẻ rằng, đó là buổi tối, khi tôi nói chuyện với con trước giờ đi ngủ, bao giờ cũng là câu hỏi thường trực: Sao mẹ đi lâu thế? Bao giờ mẹ về? Thực sự lúc đó không trả lời được, vì chỉ sợ nói ra lại là một lời hứa với con mà không thực hiện được. Mà không trả lời thì con trẻ ngày nào cũng lặp lại câu hỏi”, chị xúc động nói.
Một trường hợp khác được bác sĩ Hải Ninh chia sẻ là cặp vợ chồng làm điều dưỡng. Họ đang ở trọ, có con nhỏ, công việc bộn bề và có nguy cơ bị chủ nhà từ chối cho thuê vì trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
“Khó khăn thật, nhưng cũng không thể trách chủ nhà, vì họ cũng chỉ muốn an toàn cho những người khác ở trong khu trọ. Cuối cùng, hai vợ chồng điều dưỡng đã phải thu xếp cho con về quê và ở luôn trong bệnh viện”, bác sĩ Ninh cho biết.
Trong những ngày “trực chiến” điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, không khí trong bệnh viện càng trở nên căng thẳng khi có đồng nghiệp của bác sĩ Hải Ninh bị lây nhiễm. “Tinh thần của hơn 300 cán bộ y tế chùng xuống. Ban lãnh đạo bệnh viện rất trăn trở. Cả bệnh viện tiến hành họp rất nhiều để rút kinh nghiệm ở các khâu, xem sai ở đâu, không tốt ở điểm nào, cần làm gì tốt hơn để có thể tránh được tình trạng này”, bác sĩ Hải Ninh nhớ lại.
Khi được hỏi về cảm giác hằng ngày tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm Covid-19, bác sĩ Hải Ninh cho biết: “Nếu nói không lo thì không đúng, bởi ngay đầu dịch nhiều y bác sĩ ở Trung Quốc đã bị nhiễm, nhiều người trẻ không có bệnh lý nền vẫn tử vong vì Covid-19. Bản thân tôi đã nhiều lần tự hỏi sẽ bước tiếp trên con đường này hay dừng lại. Nhưng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là bệnh viện chuyên ngành về bệnh truyền nhiễm, các bác sĩ được đào tạo bài bản. Nếu như chúng tôi lùi bước thì ai có thể gánh vác trọng trách này. Vì thế, anh chị em động viên nhau cùng cố gắng, sáng tạo ra các phương tiện phòng hộ tốt hơn”.
Bác sĩ Hải Ninh tại một Hội thảo về vai trò của phụ nữ, tháng 12/2020. |
Những khoảnh khắc khó quên
Khó khăn, vất vả là thế, nữ bác sĩ trẻ cũng chia sẻ về quãng thời gian có nhiều trải nghiệm ý nghĩa, với những khoảnh khắc cảm động khó quên.
“Ngày đi học, tôi đã được nghe kể nhiều chuyện về lòng yêu nước, về tinh thần đoàn kết, về nghĩa đồng bào. Trải qua đợt dịch Covid-19, tôi mới thực sự cảm nhận được điều đó. Như Thủ tướng đã nói ‘Chống dịch như chống giặc’, chúng tôi là đơn vị tuyến đầu chống dịch và đã trải qua cảm giác được ‘nuôi quân’ như thế nào.
Chúng tôi đã được nhân dân, từ cụ già tới các cháu nhỏ, liên tục quan tâm hỏi han. Các em bé thì gửi cả bim bim! Nhưng cảm động nhất là các cháu còn vẽ tranh, gửi những lời yêu thương tới các y bác sĩ”.
Trong số các chuyến bay ra nước ngoài để đón công dân Việt Nam về nước, chị cũng nhớ mãi chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước mà chị là một trong những thành viên Ban tổ chức chuyến bay. “Chúng tôi nhận được thông tin là có hơn 200 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Với không gian máy bay chật hẹp mà Covid-19 lại dễ dàng lây qua đường hô hấp, nguy cơ lây nhiễm rất cao nên đó giống như “chuyến bay cảm tử”. Cả phi công và nhân viên y tế có nguy cơ mắc bệnh đến 80%. Thế nhưng vào thời điểm ấy, tại hãng hàng không Việt Nam Airline cũng như ở bệnh viện đã có nhiều người xung phong tình nguyện tham gia”.
“Khi sang đến nơi, các bạn đã gửi về những hình ảnh rất cảm động. Đó là lúc máy bay sắp hạ cánh, toàn bộ hơn 300 công dân Việt Nam đứng vẫy cờ, ôm nhau và khóc. Khi đó, nhìn từ trên máy bay xuống, cả đoàn đã ứa nước mắt. Giây phút đó, chúng tôi mới hiểu thế nào là nghĩa đồng bào, thế nào là Chính phủ không bỏ rơi công dân của mình”.
Bên cạnh nỗi lo lắng, áp lực công việc thường trực, bác sĩ Hải Ninh cũng kể về những “niềm vui nho nhỏ” khi nghe tiếng khóc của em bé chào đời trong khu cách ly. “Khi hình ảnh các em bé chào đời từ các bà mẹ dương tính với Covid-19 được gửi ra, từ Ban Giám đốc bệnh viện, cán bộ, nhân viên, điều dưỡng đến các bác bảo vệ, cô nhân viên dọn vệ sinh cũng đều vỡ òa vui sướng, có người còn khóc vì cảm động, như chính đứa con đẻ của mình được sinh ra”, chị nói.
Hay như lúc đón đoàn công dân đầu tiên của Việt Nam trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Rất may lúc đó đoàn không có ai dương tính với Covid-19 nhưng mọi người vẫn phải cách ly tại bệnh viện trong 21 ngày. Bên cạnh chăm sóc, theo dõi y tế cho người cách ly thì bệnh viện vẫn phải điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc Covid-19. Giữa lúc căng thẳng đó, các thành viên trong đoàn trở về từ Vũ Hán y bác sĩ bằng cách hát, sáng tác nhạc. Ngày nào các anh cũng đánh đàn qua hệ thống loa của bệnh viện để mọi người nghe.
“Chúng tôi rất trân trọng những khoảnh khắc như vậy. Đó là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn để mỗi cán bộ, nhân viên y tế cố gắng từng ngày”, chị Ninh chia sẻ.
Bản thân tôi đã nhiều lần tự hỏi sẽ bước tiếp trên con đường này hay dừng lại. Nhưng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là bệnh viện chuyên ngành về bệnh truyền nhiễm, các bác sĩ được đào tạo bài bản. Nếu như chúng tôi lùi bước thì ai có thể gánh vác trọng trách này. |
Trân trọng sự bình yên
“Điều động viên lớn nhất với các nhân viên ngành y vượt qua khó khăn là nỗ lực để mang đến cuộc sống bình yên cho mọi người. Để chúng tôi cũng được trở về bên gia đình như những ngày bình thường, được đi ăn sáng, ngồi uống cà phê hay đi dạo cùng cả nhà…”, chị nói.
Xuất hiện khá nhiều trên báo chí với tư cách người được xã hội tri ân những đóng góp vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, nhưng ngay từ đầu cuộc gặp, bác sĩ Hải Ninh đã nói: “Để có thành công ngày hôm nay là sức mạnh đoàn kết của cả tập thể. Từ hệ thống y tế dự phòng, rồi lực lượng bộ đội, công an đã tạo nên lá chắn rất lớn trong quá trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Còn trong bệnh viện, không chỉ có bác sĩ, điều dưỡng mà cả những cô chú bảo vệ, nhân viên vệ sinh cũng góp phần vào thành công chống dịch”.
“Nếu nói đó là hành động anh hùng, là thành tích thì chúng tôi không dám nhận, bởi khi đã lựa chọn nghề y thì đó là trách nhiệm. Điều may mắn là cho đến thời điểm này, hầu như toàn thể nhân dân đã ghi nhận những đóng góp nhỏ bé đó của chúng tôi”.
Nữ bác sĩ khẳng định, “vẫn tinh thần làm việc như thế, chứ không phải chờ đến lúc có Covid-19”, bởi đã có thời gian làm việc với những đợt dịch bệnh cũng lây nhiễm qua đường hô hấp như SARS, H5N1 và H1N1 trước đây. Bên cạnh việc điều trị bệnh nhân như thông thường, chị cho biết, bệnh viện vẫn đang tiến hành song song công việc nghiên cứu những phương pháp điều trị tối ưu hơn.
“Qua đây tôi cũng xin cảm ơn các phương tiện truyền thông đã làm cho người dân hiểu hơn về ngành y, đặc biệt là ngành truyền nhiễm. Bảo vệ, chăm sóc, điều trị khỏi cho những bệnh nhân Covid-19 là phần thưởng xứng đáng, ý nghĩa nhất đối với mỗi chúng tôi”, chị nói.