Nếu đánh bại ứng viên Donald Trump vào ngày 5/11 tới, đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. (Nguồn: the White House) |
Là nhân vật có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong chính trường Mỹ, Phó Tổng thống Kamala Harris trải qua hành trình sự nghiệp khá ngoạn mục. Bà luôn nuôi dưỡng khát vọng sâu sắc được cống hiến vì công bằng xã hội và lợi ích quốc gia, với niềm tin rằng "khách hàng lớn nhất của cuộc đời bà chính là người dân Mỹ”.
Với những đóng góp to lớn, bà là biểu tượng của sự đa dạng và hội nhập, mang lại hy vọng về một tương lai bình đẳng, công bằng hơn cho người dân Mỹ. Vì lẽ đó, chân dung của nữ Phó Tổng thống, và rất có thể sẽ là Tổng thống thứ 47 nếu đánh bại cựu Tổng thống Donald Trump vào ngày 5/11 tới, dần trở thành minh chứng sống động cho giấc mơ Mỹ và là nguồn cảm hứng lớn lao cho thế hệ tương lai ở xứ cờ hoa.
Xuất thân bình dị
Bà Kamala Harris sinh ngày 20/10/1964 tại Oakland, bang California (Mỹ) trong gia đình có nguồn gốc nhập cư. Mẹ bà là người Ấn Độ và chuyên nghiên cứu về ung thư, trong khi bố là giáo sư kinh tế có gốc Jamaica. Từ nhỏ, bà Harris đã được nuôi dưỡng trong môi trường đa văn hóa và chịu ảnh hưởng từ tập quán dân tộc phong phú.
Năm 1986, bà tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị và kinh tế tại Đại học Howard, một trường đại học dành cho người da màu nổi tiếng tại Washington, D.C. Sau khi tốt nghiệp, bà tiếp tục con đường học vấn tại trường Luật Hastings thuộc Đại học California và hoàn thành tấm bằng luật năm 1989.
Sau khi trở thành trợ lý luật sư tại văn phòng công tố quận Alameda ở Oakland năm 1990, bà dần được biết đến với phong cách làm việc cương trực, cứng rắn trong đấu tranh với vấn nạn bạo lực băng đảng, buôn bán ma túy và xâm hại tình dục. Năm 2003 đánh dấu bước ngoặt lớn đầu tiên trong sự nghiệp chính trị khi bà tranh cử chức công tố viên thành phố San Francisco.
Bà Kamala Harris (bên phải ngoài cùng) khi đang theo học Đại học Howard năm 1983. (Nguồn: Daily Mail) |
Sự nghiệp của bà tiếp tục thăng tiến khi được tín nhiệm bầu làm Tổng chưởng lý của California năm 2010, trở thành người da màu đầu tiên giữ chức vụ này của bang California - tiểu bang có số dân đông nhất nước Mỹ. Trong vai trò này, bà đối mặt nhiều thách thức, bao gồm việc giải quyết các vấn đề nhức nhối như tội phạm ma túy, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cải cách hệ thống tư pháp.
Năm 2014, bà kết hôn với ông Doug Emhoff, một người đàn ông Do Thái sinh ra ở Brooklyn, New York, và cùng nhau nuôi dưỡng 2 con riêng của ông Douglas là Cole và Ella.
Sự thành công trong cương vị Tổng chưởng lý ở California mở ra cho bà Kamala Harris con đường thuận lợi trên chính trường. Năm 2016, bà trúng cử vào Thượng viện Mỹ, trở thành nữ thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi đầu tiên đại diện cho bang California.
Trong Thượng viện, bà Harris nổi bật qua những cuộc chất vấn mạnh mẽ và sắc sảo trong các phiên điều trần Quốc hội, trong đó có nhiều lần chất vấn các nhân vật quan trọng trong chính quyền. Bà tham gia nhiều ủy ban quan trọng của Thượng viện, bao gồm Ủy ban tư pháp và Uỷ ban tình báo.
Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm việc với Ủy ban tư pháp ngày 6/9/2018 tại Washington, D.C. (Nguồn: Getty Images) |
Bước ngoặt lịch sử mới
Năm 2019, bà Harris quyết định ra tranh cử Tổng thống trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Bà đưa ra chính sách tranh cử với những cam kết mạnh mẽ về cải cách y tế, biến đổi khí hậu và quyền lợi người lao động. Mặc dù không giành được đề cử của Đảng Dân chủ, bà Harris đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cử tri.
Sau đó, khi trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ, ông Joe Biden đã chọn bà Harris làm người đồng hành tranh cử chức Phó Tổng thống, từ đó mở ra chương mới trong lịch sử chính trị Mỹ và đặt ra bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của bà Harris.
Tháng 11/2020, bà Kamala Harris tạo nên thời khắc đặc biệt khi đắc cử Phó Tổng thống Mỹ, trở thành người phụ nữ đầu tiên, người gốc Phi đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên giữ chức vụ này. Vị trí Phó Tổng thống không chỉ là dấu ấn quan trọng đối với cá nhân bà Harris, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc với hàng triệu phụ nữ và các cộng đồng thiểu số tại xứ cờ hoa.
Bà Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống ngày 20/1/2021 tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Nguồn: AFP) |
Trong quá trình làm việc, bà thể hiện vai trò tích cực trong giải quyết nhiều vấn đề đối nội như đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, biến đổi khí hậu, tình trạng nhập cư, cũng như xử lý tốt tình hình đối ngoại với các nước lớn và tăng cường vị thế Mỹ trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, với tư cách là Chủ tịch Thượng viện, bà Harris đã phá vỡ thế hòa phiếu về đạo luật cắt giảm lạm phát tại Thượng viện Mỹ vốn kéo dài gần 200 năm qua và chủ trì lễ nhậm chức thẩm phán tòa án tối cao cho bà Ketanji Brown Jackson, người phụ nữ da màu đầu tiên giữ vị trí này trong lịch sử Tòa án Tối cao Mỹ.
Một bước ngoặt mới lại đến với bà Harris khi vào tháng 7/2024, Tổng thống Joe Biden, ứng viên đã được Đảng Dân chủ lựa chọn bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng. Điều gây chú ý hơn nữa là Tổng thống Biden quyết định ủng hộ "phó tướng" Kamala Harris trở thành ứng viên mới của Đảng Dân chủ. Động thái trên của Tổng thống Biden và đảng Dân chủ đã tạo ra bước ngoặt mới đầy hứa hẹn với bà Harris. Nếu đánh bại ứng cử viên Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào ngày 5/11, bà Kamala Harris sẽ là người phụ nữ đầu tiên giữ chức Tổng thống Mỹ.
Có thể nói, bà Kamala Harris không chỉ là nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng sâu rộng, mà còn là một người phụ nữ tiên phong, phá bỏ những rào cản và định kiến giới trong chính trường Mỹ. Với cương vị Phó Tổng thống, bà Kamala Harris tiếp tục tạo dựng một di sản bền vững. Đằng sau sự kiên cường, trí tuệ và ý thức trách nhiệm xã hội, sự nghiệp của bà Harris góp phần khẳng định rằng, bất kể nguồn gốc hay giới tính, con người đều có thể đạt được những thành tựu vĩ đại.
Ứng viên Kamala Harris đang có cơ hội lớn trên con đường hiện thực hóa mục tiêu trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. (Nguồn: Getty Images) |