Chủ tịch UBND Tp. HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị ngày 15/8/2019. |
Đây là nội dung được nhiều sở, ngành và doanh nghiệp khẳng định tại Hội nghị tổng kết Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 15/8.
Tạo lực hút đầu tư
Chương trình kích cầu đầu tư trong từng lĩnh vực riêng lẻ đã được Tp. Hồ Chí Minh thực hiện từ nhiều năm trước, nhưng đến năm 2015 mới trở thành chương trình mang tính tổng thể bằng Quyết định 50/2015/QĐ-UBND với mục tiêu trở thành hạt nhân thúc đẩy xã hội hóa trong các lĩnh vực đầu tư mà các thành phần kinh tế ngoài nhà nước có thể thực hiện trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp.
Theo đó, thành phố hỗ trợ mức lãi suất theo thực tế nhưng tối đa không quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn cộng thêm phí quản lý 2%/năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục vụ đổi mới công nghệ, thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường…
Đối tượng tham gia chương trình kích cầu đầu tư là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể trong nước (100% vốn trong nước) và các đơn vị sự nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn thành phố thuộc nhiều lĩnh vực như công nghệ cao, công nghiệp, khởi nghiệp, thương mại, phục vụ sản xuất nông nghiệp, y tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng và môi trường…
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chương trình kích cầu đầu tư đã huy động và khơi dậy được các nguồn lực đầu tư trong xã hội; đặc biệt, là từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước đẩy mạnh đầu tư vào các ngành, lĩnh vực thành phố khuyến khích đầu tư theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo đúng định hướng, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố.
Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, UBND thành phố đã phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư là 23.798 tỷ đồng, trong đó, vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 11.209 tỷ đồng, bình quân số vốn đầu tư một dự án là 84,6 tỷ đồng; bao gồm 17 dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, 15 dự án công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng 188 dự án, môi trường 8 dự án, giáo dục đào tạo 26 dự án, y tế 25 dự án và 1 dự án nông nghiệp.
Đến nay, ngân sách thành phố đã chi ra 3.885 tỷ đồng cho các dự án tham gia chương trình kích cầu đầu tư và thu hút được 53.259 tỷ đồng từ các nguồn lực bên ngoài, bình quân 1 đồng ngân sách bỏ ra đã thu thút được khoảng 13,45 đồng từ xã hội.
Theo ông Trần Anh Tuấn, nhờ sự hỗ trợ lãi vay của thành phố, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào trang thiết bị công nghệ mới phục vụ sản xuất, nhiều dự án đầu tư đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ được hỗ trợ và đưa vào triển khai mang lại hiệu quả cao.
Các dự án trong lĩnh vực công nghiệp đã bắt đầu phát triển theo hướng chuyên sâu, máy móc, thiết bị sản xuất được đầu tư mới tập trung vào công nghệ cao, sản xuất vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ. Lĩnh vực môi trường đã có dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải tại cá khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bệnh viện. Về hạ tầng, nguồn vốn từ chương trình kích cầu đã hỗ trợ nhiều dự án đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội như ngầm hóa lưới điện, xây dựng nhà xưởng cao tầng và dự án cấp nước...
Đánh giá tác động của chương trình kích cầu đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, giảm giá thành và tạo ra giá trị gia tăng để ngành công nghiệp phát triển mạnh hơn.
Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố thời gian qua đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh cực mà thành phố đang khuyến khích phát triển như cơ khí, hóa chất – nhựa – cao su, lương thực thực phẩm, điện tử, công nghệ thông tin, dệt may và da giày. Chương trình cũng tạo cơ hội để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố đặc biệt là doanh nghiệp nhr và vừa tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng để chủ động phát triển sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đến nay, đã có 19 doanh nghiệp tham gia 20 dự án được phê duyệt hỗ trợ lãi suất khoản vay hơn 933 tỷ đồng. Như vậy, ngân sách thành phố sẽ chi gần 322 tỷ đồng để thu hút hơn 1.542 tỷ đồng, tương đương 1 đồng ngân sách chi ra thu hút được khoảng 4 đồng từ nguồn lực xã hội vào các dự án công nghiệp hỗ trợ.
Chương trình kích cầu đầu tư là chương trình độc đáo, riêng có của Tp. Hồ Chí Minh và đã phát huy được hiệu quả tích cực. |
Tháo gỡ điểm nghẽn thủ tục
Hiệu quả thu hút đầu tư xã hội vào doanh nghiệp của chương trình kích cầu đầu tư đã rõ nhưng quá trình triển khai thực hiện vẫn bộc lộ nhiều bất cập cần được khắc phục sớm. Ông Nguyễn Dương Hiệu, Tổng Giám đốc Công ty thương mại và công nghiệp Lidovit cho rằng, quy trình, thủ tục tham gia chương trình vẫn còn phức tạp. Việc thẩm tra, thẩm định năng lực doanh nghiệp, dự án chưa được rõ ràng khiến thời gian thực hiện bị kéo dài. Trung bình từ khi thẩm định đến lúc dự án được triển khai phải mất hơn 1 năm và thời gian để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ còn kéo dài hơn nữa. Điều này không chỉ làm mất cơ hội tiếp cận thị trường mà còn khiến các doanh nghiệp ngại tham gia chương trình.
Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia sẻ, đầu tư vào y tế đòi hỏi nguồn vốn rất lớn và thời gian thu hồn vốn chậm hơn các lĩnh vực khác, nhưng hiện nay khung hỗ trợ lãi suất vốn vay của thành phố chỉ hỗ trợ tối đa cho khoản vay 100 tỷ đồng. Chưa kể, ngoài trang thiết bị, các khoản đầu tư khác phục vụ hoạt động của bệnh viện chưa được xem xét để hỗ trợ.
Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình kích cầu đầu tư là “phao cứu sinh” cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi ngoài việc giúp doanh nghiệp giảm được chi phí lãi suất vay vốn, giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm thì đã tạo được nền tảng để doanh nghiệp kêu gọi nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Đây sẽ là giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Tuy nhiên thời gian qua chương trình mới chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn khiến sức lan tỏa và ý nghĩa xã hội của chương trình chưa cao.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chương trình kích cầu đầu tư là chương trình độc đáo, riêng có của Tp. Hồ Chí Minh và đã phát huy được hiệu quả tích cực. Để giải quyết nhưng bất cập trên, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các thành viên tổ công tác liên ngành tham gia chương trình kích cầu đầu tư nhanh chóng xác định lại quy trình thẩm định doanh nghiệp, dự án một cách rõ ràng và trả lời sớm cho doanh nghiệp. Các sở ngành xây dựng ngay quy trình một cửa liên thông đối với việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tham gia chương trình kích cầu đầu tư, tránh tình trạng câu kéo, chậm trễ làm mất thời gian và cơ hội của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố tham mưu điều chỉnh bổ sung hoặc lược bỏ những lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp trên địa bàn. Trong giai đoạn tới, thành phố cũng nâng mức vay được hỗ trợ lãi suất từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng cho một dự án.
Bên cạnh đó, để chương trình kích cầu đầu tư đến được với những doanh nghiệp thật sự cần hỗ trợ, các cơ quan chức năng và hiệp hội doanh nghiệp cần phối hợp trong việc tăng cường thông tin tuyên truyền về chương trình đến cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, lan tỏa và phát huy những giá trị mà chương trình đã đạt được./.