Việc đẩy mạnh liên kết thương mại khu vực là lựa chọn mà nhiều nước mong muốn, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành như hiện tại. (Nguồn: Vietnam Finance) |
Chuyên gia Wang Jinbin cho rằng, có 4 yếu tố lý giải cho nhận định trên.
Thứ nhất, tiến trình khu vực hóa đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong những năm gần đây. Do ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế và chủ nghĩa trọng thương, các nước phát triển phương Tây gần đây nhanh chóng phát triển và triển khai các chiến lược thương mại khu vực, như Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) thay thế Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn, Mỹ - Nhật và Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật Bản - Liên minh châu Âu (EU).
Có thể nói, các nền kinh tế càng phát triển thì càng có thiên hướng sử dụng các thỏa thuận thương mại khu vực (RTA) hoặc các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) được nâng cấp để thay thế cho các thỏa thuận thương mại đa phương toàn cầu với nhiều đặc trưng địa chính trị rõ ràng.
Thứ hai, khi các RTA và FTA ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn khu vực, sẽ xuất hiện rủi ro của việc các chuỗi công nghiệp toàn cầu sẽ bị cắt ngắn đi và làm thu hẹp lại. Điều này được thể hiện trong các điều khoản được quy định trong các thỏa thuận, ví dụ như quy định giới hạn về khu vực sản xuất các linh kiện ô tô trong thỏa thuận USMCA.
Thứ ba, các nền kinh tế châu Á vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh của nhau. Trình độ phát triển kinh tế của các nước trong khu vực là khác nhau; bên cạnh các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, phần lớn các nước còn lại là các nước đang phát triển. Sự khác nhau về chi phí và công nghệ tạo cơ hội và không gian cho hợp tác giữa các nước này; đồng thời cũng tạo sự cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong khu vực với nhau.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kể cả giữa những nước có cùng trình độ công nghệ và chi phí thì vẫn tồn tại quan hệ có tính bổ trợ lẫn nhau, theo đó tạo nền tảng cho hợp tác kinh tế giữa các nước đang phát triển trong khu vực châu Á.
Thứ tư, thị trường dưới tác động của đại dịch đã để lộ nguy cơ và rủi ro về sự đảo ngược nội sinh của toàn cầu hóa. Khi sự lây nhiễm liên tục tác động tiêu cực lên nền kinh tế, các quốc gia và khu vực khác nhau đều áp dụng các chiến lược phân tán rủi ro. Và kể cả khi dịch bệnh chấm dứt, nhu cầu sẽ suy yếu trong một giai đoạn nhất định do sự sụt giảm trong thu nhập, dẫn đến sự thu hẹp của thương mại và toàn cầu hóa một cách tự thân.
Để giảm nguy cơ này của thị trường, các RTA cần phải được triệt để khai thác để tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh trong khu vực và khai thác tiềm năng của nhu cầu ở tất cả các cấp độ. Do đó, việc thiết lập khu vực mậu dịch tự do trên quy mô lớn hơn sẽ giúp phát triển kinh tế hậu dịch và khắc phục các thiệt hại kinh tế gây ra bởi dịch bệnh.
Trên nền tảng của Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc thành lập năm 2010, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ là tầng nấc cao hơn của hợp tác khu vực thương mại tự do tuân thủ các nguyên tắc của WTO, có ý nghĩa quan trọng đối với liên kết kinh tế ở khu vực châu Á. RCEP khi được ký kết sẽ có tổng dung lượng kinh tế ngang với Liên minh châu Âu (EU28), và cùng với USMCA trở thành 3 khu vực mậu dịch lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã hội nhập chuỗi công nghiệp của 3 nước với nhau ở trình độ khá cao. Việc Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nền kinh tế phát triển có nhiều công nghệ và sản phẩm trình độ cao trên nhiều lĩnh vực đã góp phần quan trọng vào sự phát triển công nghệ và thương mại của Trung Quốc.
Theo một nghiên cứu mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vị trí của Trung Quốc trong chuỗi công nghiệp ở châu Á còn quan trọng hơn vị trí trung bình của Trung Quốc trong các chuỗi công nghiệp toàn cầu. Khu vực thương mại tự do Trung - Nhật - Hàn và RCEP có ý nghĩa quan trọng giúp Trung Quốc phát huy vai trò của mình trong thương mại khu vực châu Á. Chuỗi công nghiệp hoàn thiện của mỗi nền kinh tế sẽ bị giới hạn bởi nguồn lực, công nghệ và chi phí trong khi toàn cầu hóa đang vận động đảo ngược một cách tự thân.
Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh liên kết thương mại khu vực là lựa chọn mà nhiều nước mong muốn, giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Do đó, FTA Trung - Nhật - Hàn và RCEP nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy nhanh và sớm được ký kết trong năm 2020.