📞

Hậu dịch Covid-19: Thái Lan nới lỏng hạn chế nhập cảnh, thận trọng dò đường vực dậy ngành du lịch

Lan Phương 16:29 | 30/06/2020
TGVN. Sau 5 tuần không ghi nhận trường hợp lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, Thái Lan đã quyết định mở cửa đón du khách nước ngoài nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh lên ngành du lịch nước này.
Bệnh viện Bumrungrad - một cơ sở chữa bệnh nổi tiếng ở Thái Lan. (Nguồn: Facebook)

Quyết định mở cửa đón khách được đưa ra sau khi đề xuất về bong bóng du lịch được thảo luận tại cuộc họp Chính phủ do Thủ tướng Prayuth Chanocha chủ trì ngày 29/6.

Nỗ lực vực dậy

Thái Lan đã cấm các chuyến bay quốc tế kể từ tháng 4 do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Tuy nhiên, mới đây, Bangkok dự định cho phép 50.000 người nước ngoài, bao gồm cả những người có giấy phép lao động, cư trú và gia đình, nhập cảnh và bắt buộc cách ly 14 ngày.

Taweesilp Visanuyothin, người phát ngôn của Trung tâm quản lý tình hình Covid-19 của Thái Lan cho biết, khoảng 30.000 người nước ngoài được phép nhập cảnh trong đợt này là khách du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe, ví dụ như phẫu thuật thẩm mỹ hoặc điều trị vấn đề về sinh sản. Ngoài ra, những người nhập cảnh từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) vì mục đích kinh doanh cũng có thể được miễn cách ly hai tuần nếu có giấy chứng nhận không mắc Covid-19 và đã được kiểm tra trước khi nhập cảnh Thái Lan.

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan du lịch quốc gia Thái Lan Yuthasak Supasorn nêu rõ, các quy định được áp dụng phụ thuộc vào thời gian lưu trú của du khách. Địa điểm, thời gian cách ly, lịch trình di chuyển và bảo hiểm y tế phải được khai báo và giám sát chặt chẽ. Chính quyền Thái Lan cũng cho phép các quán rượu, quán bar và địa điểm karaoke mở cửa trở lại cho đến nửa đêm kể từ ngày 1/7 nhưng phải tuân theo các hướng dẫn về duy trì khoảng cách 2 mét giữa các bàn.

Ông Yuthasak cho rằng, Chính phủ Thái Lan luôn đặt an toàn là ưu tiên hàng đầu, song bên cạnh cách biện pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả đại dịch Covid-19, cũng phải tính đến lợi ích kinh tế. Xứ sở chùa Vàng đang tìm cách khởi động lại ngành công nghiệp du lịch và thúc đẩy nền kinh tế bị đình trệ sau khoảng thời gian giãn cách xã hội và các lệnh cấm du lịch.

Ngân hàng Thái Lan tuần trước đã điều chỉnh tăng trưởng xuống mức âm 8,1%, thấp hơn mức giảm 7,6% trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Du lịch chiếm khoảng 18% GDP của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, thu về 2,9 nghìn tỷ Baht (tương đương 93,8 tỷ USD) doanh thu. Con số này dự kiến sẽ giảm 60% trong năm nay. Theo số liệu từ cơ quan du lịch, năm 2019, quốc gia này đón khoảng 39,7 triệu lượt khách nước ngoài, trong đó có khoảng 10,9 triệu du khách Trung Quốc, đóng góp khoảng 28% doanh thu cho ngành công nghiệp không khói của Bangkok.

Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ khởi động chính sách bong bóng du lịch vào tháng 8. Đối với Trung Quốc, Bangkok sẽ xác định trên cơ sở của từng tỉnh. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tỉnh Hà Bắc của quốc gia 1,4 tỷ dân bị phong toả sau khi ghi nhận 13 trường hợp nhiễm Covid-19 liên quan đến cụm chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh.

Thận trọng dò đường

Ngành công nghiệp du lịch y tế Thái Lan đứng thứ tư trên thế giới, sau Mỹ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 2 năm tới, xứ sở chùa tháp dự kiến sẽ đón khoảng 1 triệu khách đi du lịch kết hợp chữa bệnh mỗi năm.

Nattapon Wuttirakajorn - chuyên gia phân tích kinh tế tại GSB Research cho biết, du lịch y tế hiện đang thâm nhập vào thị trường Trung Quốc sau khi số người muốn thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ngày càng tăng, chiếm 80% số người nước ngoài tìm kiếm dịch vụ IVF ở Thái Lan. Chi phí để thực hiện biện pháp hỗ trợ sinh sản tại Thái Lan là 4.100 USD - mức phí cực kì phải chăng so với con số 7.900 USD tại Hàn Quốc và 14.900 USD tại Singapore.

Trong suốt thập kỷ qua, Thái Lan chủ yếu cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân từ Trung Đông do sự hỗ trợ từ chính phủ các quốc gia này. Tuy nhiên, hiện trạng đã thay đổi trong những năm gần đây khi một số quốc gia vùng Vịnh như Kuwait dần trở thành những trung tâm y tế.

Poster chỉ dẫn về các triệu chứng của bệnh Covid-19 tại một bệnh viện ở Bangkok. (Nguồn: EPA-EFE)

Từ năm 2019, Thái Lan bắt đầu tiếp nhận nhiều hơn những bệnh nhân từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc). Ông Nattapon khẳng định: “Thái Lan có lợi thế cạnh tranh là chi phí y tế và chi phí sinh hoạt phải chăng. Một số bệnh nhân có lộ trình điều trị kéo dài thường chọn Thái Lan vì chi phí tương đối rẻ và điều kiện thăm nom gia đình và người thân thuận tiện hơn”.

Việc các bệnh viện tư nhân hàng đầu Thái Lan cung cấp các gói nội trú cho người nhà bệnh nhân với mức giá phải chăng đã trở thành một “điểm cộng” cho ngành du lịch y tế nước này. Hiện nay, tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe của Thái Lan đứng vị trí thứ sáu trong Bảng xếp hạng chỉ số an ninh y tế toàn cầu năm 2019, trở thành một trong hai quốc gia châu Á lọt top 10.

Trải qua thời gian kinh tế bị đình trệ vì dịch bệnh, Thái Lan cũng đang đẩy mạnh quá trình mở rộng sân bay quốc tế U-Tapao ở tỉnh Rayong trị giá 290 tỷ Baht (tương đương 9,4 tỷ USD) nhằm thúc đẩy du lịch và sản xuất. Dự kiến, sân bay U-Tapao có thể đón 60 triệu hành khách và 3 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, trở thành một trong 3 sân bay lớn nhất đất nước chùa Vàng.

Thái Lan đang chuẩn bị từng bước để tái khởi động ngành du lịch, các lệnh hạn chế đi lại được nới lỏng. Mặc dù vậy, Thira Woratanarat - chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Chulalongkorn cho rằng, du lịch nội địa nên được khuyến khích để đảm bảo tình hình ổn định, và nếu tình hình đại dịch Covid-19 còn diễn biến nghiêm trọng, có thể quá trình này sẽ phải tạm dừng.

(theo Reuters)