Ảnh minh họa. |
Lâu nay, tính từ "quá tải" đã trở thành nhàm và không còn sức nặng khi nói về các bệnh viện. Nhàm bởi dư luận đã cảm thấy chán khi nó trở thành chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" và không còn sức nặng khi nói mãi, kêu mãi thì đó vẫn là thực trạng. Cũng chưa có ai đưa ra con số thống kê về những thiệt hại do bệnh viện quá tải. Trong khi đó, từng giờ, từng phút, hạ tầng y tế tuyến trọng điểm vẫn đang phải rướn sức mình để phục vụ người bệnh, còn nơi gầm giường, hành lang bệnh viện - bệnh nhân và người nhà của họ chỉ biết cầu mong cho nhanh qua tình cảnh tồi tệ này...
Quay trở lại với tiếng kêu cứu ở Viện Nhi Trung ương: "Công suất điều trị luôn ở mức 130%, thường xuyên 1.600-1.700/1.200 giường bệnh. Số bệnh nhân thở máy chưa từng cao như hiện nay với trung bình 120 bệnh nhân cần thở máy/ngày". Các khoa truyền nhiễm, cấp cứu, sơ sinh, hô hấp quá tải trầm trọng, bệnh nhân nằm ghép hai, ba, thậm chí bốn bệnh nhi/giường bệnh". Hẳn những người bố, người mẹ đỏ mắt chen chúc, vạ vật chăm con trong những phòng bệnh chật chội, bí bách của Viện Nhi chẳng có tâm trí nào để nghĩ đến những chuyện xa vời, cao siêu như chuyện Việt Nam có nên đăng cai ASIAD hay không. Họ chỉ cầu mong những đứa con nhỏ bé đang chen nhau nằm thoi thóp trên một chiếc giường bệnh kia có được điều kiện chăm sóc, điều trị với trang thiết bị y tế cơ bản để sau đó sẽ lành lặn, khỏe mạnh xuất viện... chứ hẳn không dám mơ đến việc sinh linh bé nhỏ ấy sau này được cường tráng như những vận động viên tham gia ASIAD. Và, đặc biệt là khi mà rất nhiều trong số họ đang lo lắng về những khoản tiền để trả viện phí thì họ càng không hình dung nổi 150 triệu USD quy ra tiền Việt thì có bao nhiêu con số không...
Đèn nhà ai, nhà nấy rạng. Việc ngành nào, ngành ấy lo. Có thể, tiếng kêu cứu của Viện Nhi chỉ có tác động tới quyết sách của những người có trách nhiệm trực tiếp với ngành y và tương tự, những ngành khác cũng có những cơ sở riêng để đưa ra những quyết sách của mình. Nhưng, dù là việc gì, ở đâu thì mục tiêu chung vẫn phải nhằm đảm bảo quyền được hưởng một cuộc sống ấm no, khỏe mạnh và an toàn của người dân trong một đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kêu gọi đồng bào cả nước hăng hái luyện tập thể dục, thể thao để có sức khỏe xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và, Người cũng là một trong những Lãnh tụ hiếm hoi trên thế giới dành nhiều thời gian, tình cảm và sự chăm lo cho các cháu thiếu niên, nhi đồng: "Trẻ em như búp trên cành /Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan /Chẳng may vận nước gian nan /Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng"... Ngày nay, "vận nước gian nan" mà Bác luôn đau đáu ấy đã lùi sâu vào lịch sử. Chỉ có điều, chẳng cần đi đâu xa, hãy vào Viện Nhi để nghe - thấy và cảm nhận sự cơ cực của bệnh nhi tại đây.
Và, khi bàn về ASIAD 18 - hiện vẫn đang được dư luận đánh giá như một canh bạc vài trăm triệu USD, thiết nghĩ, những người đưa ra quyết sách cũng nên nhìn vào một nơi như thế để bàn.
Ngô Thiên Anh (Bắc Từ Liêm - Hà Nội)