Khởi đầu của mọi chương trình
Năm 1953, để đánh lạc hướng sự lo ngại của dư luận trong và ngoài nước về bụi phóng xạ xuất phát từ các vụ thử hạt nhân của Mỹ, Tổng thống Dwight Eisenhower đã đưa ra chương trình Hạt nhân vì Hòa bình như là một cử chỉ nhân đạo của chính quyền Mỹ nhằm chia sẻ với thế giới năng lực phát triển năng lượng hạt nhân của mình. Nhờ chương trình này, hàng ngàn nhà khoa học hạt nhân từ các nước đã đến Mỹ học tập, nghiên cứu. Sau khi về nước, rất nhiều người đã tham gia tích cực vào các chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của quốc gia mình. Trong số đó phải kể đến các nhà khoa học của Israel, Nam Phi, Pakistan và Ấn Độ.
Cha đẻ vũ khí hạt nhân của Pakistan
Năm 1972, sau khi trở thành Thủ tướng Pakistan, ông Ali Bhuto đã chính thức phát động chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, là một nước nghèo, lạc hậu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ yếu kém, chương trình hạt nhân của Pakistan chẳng tiến triển gì mấy cho tới năm 1975, khi một người tên là Abdul Qadeer Khan (A Q Khan) xuất hiện.
Sinh ra tại Bhopal thuộc Ấn Độ, năm 1950, chàng trai trẻ Khan rời bỏ quê hương sang định cư tại Pakistan. Sau khi vào học đại học tại đó, A Q Khan sớm thấy không hài lòng với chương trình học tập nghèo nàn ở đây và đã quyết định chuyển sang châu Âu học tiếp đại học và trên đại học. Sau khi học xong, vào đầu năm 1972, A Q Khan xin được vào làm việc tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu vật lý động tại Amsterdam, một cơ sở có tên viết tắt là FDO. Đây là một cơ sở nghiên cứu bí mật của Hà Lan chuyên làm việc cho hãng Urenco, một tập đoàn được Chính phủ Anh, Tây Đức và Hà Lan thành lập nhằm thiết kế và chế tạo các máy ly tâm riêng cho các nước này trong bối cảnh Mỹ cấm vận xuất khẩu thiết bị kỹ thuật hạt nhân đối với các nước, kể cả đồng minh ở Tây Âu.
Tại cơ sở thí nghiệm này, nhà khoa học trẻ A Q Khan có điều kiện tiếp cận công nghệ làm giàu uranium khá dễ dàng. Chỉ trong vòng 3 năm, A Q Khan đã nắm được những kế hoạch sản xuất các máy ly tâm tiên tiến nhất của châu Âu và danh sách những nhà sản xuất thiết bị liên quan, các chuyên gia có thể thuê mướn và nguồn cung ứng nguyên liệu cần thiết để làm giàu uranium. Với bí quyết đó trong tay, nhà khoa học A Q Khan đã rời Amsterdam về nước và chủ động đề xuất với Thủ tướng Bhuto kế hoạch lập phòng thí nghiệm làm giàu uranium riêng của Pakistan để tiến đến sản xuất bom hạt nhân.
Ngoài Abdul Qadeer Khan, người nay được mệnh danh là cha đẻ bom hạt nhân của Pakistan, còn có một Khan khác, người cũng đóng một vai trò khá đặc biệt trong quá trình phát triển hạt nhân của nước này. Đó là Aziz Khan, một một kỹ sư người Canada gốc Pakistan, đối tượng mà A Q Khan đã tuyển mộ. Tuy từ chối tham gia đầy đủ vào dự án này, nhưng Aziz đồng ý cung cấp cho A Q Khan những tài liệu khoa học và hỗ trợ đào tạo các kỹ sư trẻ và giám sát chuyên môn cho dự án này.
Sản phẩm có tính quốc tế hóa cao
Quá trình làm việc tại FDO chỉ là sự khởi đầu để A Q Khan tìm kiếm sự trợ giúp của bên ngoài nhằm thực hiện chương trình làm bom hạt nhân của mình. Với sự trợ giúp của các nhà khoa học Pakistan và các sỹ quan quân đội làm việc với vỏ bọc nhà ngoại giao tại các phái đoàn ngoại giao của Pakistan ở khắp nơi trên thế giới, A Q Khan đã thiết lập được một mạng lưới cung cấp cho mình những máy móc, thiết bị cao cấp trong lĩnh vực này từ cả trăm công ty khác nhau thuộc trên 20 nước trên thế giới. Qua những bức thư trao đổi giữa A Q Khan với Aziz trong suốt 2 năm 1978-1979 được phát hiện sau này khi Aziz Khan bị bắt, đã cho thấy những nước có đóng góp gián tiếp cho chương trình hạt nhân của Pakistan chính là Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan, Anh, Nhật và thậm chí cả Liên Xô cũ.
Trong các bức thư nói trên, ông Khan đã kể nhiều về những phi vụ thành công trong việc mua sắm, kiếm tìm máy móc, nguyên vật liệu cần thiết cho dự án từ khắp nơi trên thế giới. Trong một bức thư, A Q Khan nói với Aziz như sau: “Đại tá Majeed đã từ Nhật trở về và nhờ trời, ông ấy đã giải quyết được mọi việc liên quan. Tháng tới, người Nhật sẽ tới và công việc sẽ được tiến hành dưới dự giám sát của họ”. Trong một bức thư khác, Khan thông báo cho Aziz rằng “Tiến sỹ Mirza cũng mới từ Mỹ trở về, nơi ông đã thực tập tại bộ phận kiểm soát thiết bị làm lạnh cho lò phản ứng”. Trong một thư khác, A Q Khan thông báo: “Máy móc từ Thụy Sĩ cũng đã được đưa đến” - đó chính là hệ thống bơm đặc biệt để đưa khí uranium tới và ra khỏi máy ly tâm trong quá trình làm giàu. Trong một bức thư tiếp theo gửi Aziz, A Q Khan thông báo rằng “Đại tá Majeed cũng lại mới lên đường sang Đức, Anh và Thụy Sĩ nhằm tìm kiếm một số phụ kiện cần thiết. Còn bạn bè của chúng tôi ở Kuwait cũng sẽ sang đây. Và như thế, chúng tôi sẽ không còn phải lo lắng về các máy phát điện và hệ thống đảm bảo cung cấp điện năng trong trường hợp khẩn cấp nữa”. Và tiếp nữa, một lần khác A Q Khan đã viết “một nhóm người Đức cũng đã đến đây và mới trở về nước. Công việc hiện đang rất bận rộn”.
Bản thân A Q Khan cũng tự mình đi tìm kiếm những kỹ thuật và thiết bị cần thiết. Trong một lá thư gửi Aziz, A Q Khan thông báo “vào mùa thu 1978, tôi sẽ sang California để tìm mua một số máy móc quan trọng và nhân dịp đó, chúng ta có thể gặp nhau”. Sau đó, A Q Khan đã mua được từ một công ty của Mỹ không được nêu tên những máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ. Tiếp nữa, A Q Khan cho biết: “Tiến sĩ Alam, tiến sĩ Hashmi và bản thân ông sẽ đi Đức và Thụy Sĩ để mua thêm một số nguyên vật liệu cần thiết, trên đường về sẽ ghé qua London”.
Dự án bí mật của ông Khan được bên ngoài nhìn nhận là có tiềm năng thương mại lớn. Vì thế, ngay cả người Nga cũng tham gia vào. Trong một thư gửi Aziz, A Q Khan đã nói lóng rằng “vào mùa đông tới, chúng ta sẽ nhận được ngỗng từ nước Nga. Đây là một công việc lớn. Bây giờ, các máy phát điện cho trường hợp khẩn cấp sẽ được lắp sớm”.
Những đêm không ngủ
Tuy nhiên, những hoạt động của A Q Khan trong việc tìm kiếm công nghệ và thiết bị cho dự án hạt nhân của Pakistan không phải không được phía Mỹ nhận biết. Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã từng công khai cảnh báo việc này và trong một bức thư gửi Aziz, A Q Khan từng nói: “Rõ ràng là những hành động đó khiến anh em chúng tôi ở đây mất ăn, mất ngủ”. Trong năm 1979, A Q Khan tiếp tục phàn nàn với Aziz về khó khăn trong việc tìm kiếm thiết bị nói trên ở cả Canada.
Nhưng cuối cùng, nhóm của A Q Khan cũng đã khắc phục được những khó khăn đó nhờ quan hệ được với các đối tác khác. Sau khi thành công với việc sản xuất ra bom hạt nhân cho nước mình, Abdul Qadeer Khan gần đây đã bị cáo buộc là đem kinh nghiệm và tài năng của mình “chia sẻ, giúp đỡ” một số bạn bè ở châu Âu, châu Á và Nam Phi.
Di Lân (theo Atimes)