📞

Hiến kế phát huy giá trị cầu Long Biên – công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô

Hà Anh 18:22 | 27/10/2023
Baoquocte.vn. Việc bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên trong bối cảnh hiện nay không chỉ phát huy giá trị văn hóa, lịch sử - điểm nhấn trong cấu trúc không gian đô thị mà còn gìn giữ một công trình mang tính biểu tượng của thủ đô Hà Nội.

Hội thảo khoa học "Đổi mới, sáng tạo trong công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên” vừa được Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Công ty Cổ phần Bảo tàng Cầu Long Biên tổ chức tại Hà Nội.

Tại đây nhiều chuyên gia, trí thức, nhà quản lý... đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho cây cầu lịch sử.

Hội thảo được tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội thu hút nhiều chuyên gia, trí thức, nhà quản lý. (Nguồn: BTC)

Những trăn trở trước bài toán bảo tồn

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết với hơn 120 năm đưa vào khai thác sử dụng, cầu Long Biên đã trải qua 3 lần cải tạo lớn và nhiều lần cải tạo trùng tu khác. Tuy nhiên, do đã bị tàn phá trong chiến tranh cũng như tuổi thọ quá lớn, cây cầu vẫn không tránh khỏi sự xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông.

Theo ông Trần Ngọc Chính, chiều cao tĩnh không của cây cầu đã trở nên lạc hậu, khó đáp ứng nhu cầu giao thông đường thủy. Khu vực cảnh quan hai bên bờ sông nơi có cầu bắc qua vẫn chưa được quy hoạch làm đẹp cho cửa ngõ vào phố cổ Hà Nội; khu vực bãi giữa sông Hồng chưa được khai thác hiệu quả để phục vụ người dân thành phố và khai thác phục vụ du lịch.

Ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh: "Vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử của cầu Long Biên rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra định hướng bảo tồn cầu Long Biên, bởi biểu tượng kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Thủ đô, luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi thời kỳ.

Quá trình bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên phải đứng trên góc độ coi cầu Long Biên như là một di sản đô thị của Hà Nội, phải tuân thủ các tiêu chí về bảo tồn. Do đó, cần tính toán làm sao để có thể giảm bớt công năng giao thông, đồng thời tăng dần công năng văn hóa của cây cầu này để vừa bảo tồn, tôn tạo và phát huy được giá trị lịch sử của cây cầu di sản này".

Với nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, cây cầu Long Biên không chỉ đơn giản nối liền hai bờ sông Hồng mà là cấu nối nước Pháp với Việt Nam, nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Cây cầu là một chứng nhân lịch sử qua bao thăng trầm trong hơn 120 năm qua.

Ông Nguyễn Dy Niên chia sẻ: “Có lẽ trong chúng ta không ai có thể đứng nhìn một cây cầu Long Biên trong tình trạng như vậy kéo dài từ năm này qua năm khác, trong khi chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỷ. Hà Nội đã và sẽ có nhiều cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng nhưng không thể có một cây cầu nào thay thế được vai trò lịch sử của cầu Long Biên.

Chính vì thế, nếu chậm khôi phục lại cầu Long Biên ngày nào là chúng ta đánh mất giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của cây cầu ngày đó. Trước tình hình như vậy, chúng ta cần phải có hành động càng sớm càng tốt để cứu cây cầu Long Biên".

Cho rằng công tác duy tu bảo dưỡng có hạn đang làm cho cây cầu Long Biên chưa được quan tâm đúng mức, TS. KTS. Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam cho rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc và cảnh quan của cầu Long Biên, công tác tổ chức, quản lý và khai thác hiệu quả không gian kiến trúc cảnh quan sẽ là thách thức không nhỏ cho Hà Nội.

Phục hồi nguyên bản hay sáng tạo?

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất các ý kiến, giải pháp tập trung vào một số nội dung: Công nhận cầu Long Biên là di sản đô thị, di sản kiến trúc cầu duy nhất của Thủ đô, biểu tượng của Hà Nội để có được cơ chế chính sách, tài chính phù hợp cho công tác bảo tồn, tạo cơ hội huy động các nguồn lực và trách nhiệm của các bên trong quá trình cải tạo, đầu tư, quản lý và vận hành.

Theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cần phục hồi đúng nguyên bản thiết kế của cây cầu với 20 trụ cầu lớn và 19 nhịp cầu hình dáng như rồng lượn cho tương thích với danh xưng Thăng Long của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Ngoài ra, cần xây dựng cầu Long Biên thành cầu đi bộ, biến cầu thành một trung tâm văn hóa đêm của Hà Nội, kết hợp với khai thác bãi giữa sông Hồng, chắc chắn sẽ là điểm độc đáo của du lịch Hà Nội, Việt Nam và thế giới. Đây là một "mỏ vàng" của du lịch Hà Nội mà chúng ta chưa khai thác.

GS.TS.KTS. Doãn Minh Khôi, Viện Quy Hoạch và Kinh tế đô thị, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đưa ra giải pháp kết nối cầu Long Biên theo cả hai chiều. Chiều dọc vào các khu phố, chiều ngang xuống bãi giữa sông Hồng- nơi mà trong kế hoạch của thành phố sẽ hình thành một công viên đa chức năng hình thành từ khu vực bãi bồi, bãi giữa ven sông Hồng.

Theo đó, cầu Long Biên sẽ kết nối với công viên này thông qua tuyến đường dốc dẫn từ cầu xuống bãi giữa như một điểm đến trong chuỗi du lịch văn hóa.

Một hình ảnh thiết kế mới của cầu Long Biên. (Nguồn: Công ty Cổ phần Bảo tàng Cầu Long Biên)

Trong dự án bảo tồn, tôn tạo, phát triển cầu Long Biên và vùng phụ cận, Công ty Cổ phần Bảo tàng Cầu Long Biên đề xuất phát triển công trình này thành một hệ thống bảo tàng ký ức, bảo tàng nghệ thuật đương đại nằm trên dòng sông, có một không hai trên thế giới.

Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng tuyến xe điện bánh hơi với tiếng leng keng gợi nhớ hình ảnh các tuyến xe điện năm xưa, kết nối các tuyến du lịch phố cổ, hoàng thành Thăng Long, lăng Bác. Tuyến ca nô du lịch trên sông Hồng sẽ khơi thông nhánh sông chết, cải tạo môi trường xanh, sạch, cung cấp dịch vụ du lịch cho du khách bốn phương.

Để cây cầu viết tiếp giá trị lịch sử

Đề xuất những ý tưởng bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, TS.KTS. Phan Đăng Sơn cho rằng, bước đầu tiên cần tiến hành quy hoạch tổng thể vùng ven hai bờ sông Hồng một cách kỹ càng, trong đó xác định cầu Long Biên là một thông số nền tảng để tham chiếu quan trọng và tất yếu. Việc lập quy hoạch này phải tạo được cho cầu một vị trí xứng đáng trong bất kỳ phương án nào.

Về tổ chức cảnh quan và kiến trúc không gian đô thị khu vực cần tôn trọng tối đa quy họach chi tiết đã hình thành tại khu vực cầu từ thời Pháp thuộc. Cùng với việc nghiên cứu tổ hợp cầu vào điểm nhấn cảnh quan, kết hợp tạo không gian khu vực tương hỗ hài hòa.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, muốn giữ cầu Long Biên trước hết chính quyền Hà Nội cần lên tiếng đề xuất cầu Long Biên là một di sản, đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm làm tuyến đường sắt mới thay thế tuyến đường sắt đang chạy trên cầu.

Ông nhấn mạnh: "Công tác bảo tồn cây cầu là công việc khó và phức tạp, do đó cần xác định bước đi, quy trình thực hiện hợp lý, rõ ràng giữa nhà chuyên môn, nhà đầu tư và chính quyền".

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề cập kinh nghiệm quốc tế và trong nước trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản, cùng các cơ chế chính sách đặc thù nhằm sớm đưa ý tưởng dự án bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị cầu Long Biên theo quy hoạch đổi mới sáng tạo vào cuộc sống.

Vẻ đẹp cầu Long Biên. (Nguồn: tuoitrethudo)

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính tin rằng, việc chuyển đổi chức năng giao thông của cây cầu Long Biên sang chức năng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và du lịch, chắc chắn sẽ mang lại những giá trị kinh tế - xã hội cao hơn trong phát triển Thủ đô.

Khi đó cây cầu Long Biên lại viết tiếp giá trị lịch sử của nó và có vị trí xứng đáng trong cảnh quan một đô thị xanh, thông minh, hiện đại của thủ đô.

Ông Nguyễn Phú Bình – Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, hy vọng những góp ý quý báu của các đại biểu tại hội thảo sớm góp phần hiện thực hóa mong ước của mọi người đối với cây cầu huyền thoại, niềm tự hào của thủ đô Hà Nội và cả nước.