Hội nghị bốn bên tại Paris năm 1973. (Nguồn: Getty Images) |
Đó là cuộc giao lưu giữa những thành viên của hai đoàn đại biểu quân sự cách mạng trong Ban liên hợp quân sự bốn bên và hai bên Trung ương thi hành Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Paris) với các vị khách Mỹ.
Sự kiện Hiệp định Paris đã trôi qua cách đây nửa thế kỷ, nhưng đó là dấu ấn của một đời người nên chúng tôi rất phấn khởi, sẵn sàng cùng các bạn trao đổi thân tình những câu chuyện xảy ra trong quá khứ.
“Người đương thời”
Hôm đó, gió rét cứ rít lên, dù đã mặc nhiều quần áo mà tôi vẫn thấy rất lạnh, những ngày mùa Đông của Hà Nội là vậy. Cốc trà nóng của chủ nhà rót mời làm ấm lòng chúng tôi. Thượng tá Trịnh Thị Khuyến Lương - Phó Giám đốc Bảo tàng chiến thắng B52 Quân chủng Phòng không không quân niềm nở tiếp chúng tôi - những sĩ quan Quân giải phóng năm xưa, thành viên của đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Đoàn B) trong Ban liên hợp quân sự bốn bên và hai bên Trung ương từ 28/1/1973 đến 30/4/1975. Nhà báo Bảo Ngọc dẫn vào hội trường các vị khách và giới thiệu từng người.
Anh Amiad Horowitz là vị khách đầu tiên được giới thiệu, dáng cao gầy với bộ râu làm mọi người tưởng anh đã nhiều tuổi. Anh cởi mở thân thiện và nói chuyện bằng tiếng Việt rất sõi. Nhà báo Bảo Ngọc cho biết, anh là Đảng viên, ủy viên Ủy ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Mỹ mới nhận giải thưởng của cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái thù địch lần thứ hai năm 2022. Anh đoạt giải A với bài: “Về tầm quan trọng của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với phong trào cộng sản quốc tế và trách nhiệm đoàn kết của chúng ta. Quan điểm của một người Cộng sản Mỹ”.
Ông khách Mỹ nữa là Larry Lavin. Ông là nhà hoạt động tham gia các cuộc biểu tình chính trị ở Mỹ, cố vấn chính trị cho Jane Fonda và Tom Hayden chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/01/1973, Larry Lavin cùng mọi người tổ chức “Chiến dịch phản chiến thầm lặng”, góp phần vận động nhân dân Mỹ hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà chính phủ Mỹ gây ra, để cuối cùng do áp lực chống chiến tranh đó của hàng triệu người dân Mỹ trên khắp cả nước mà Quốc hội Mỹ phải cắt nguồn viện trợ cho ngụy quyền Sài Gòn.
Bảo Ngọc lại giới thiệu tiếp với chúng tôi về John F. Tergano. Ông là cựu binh Hải quân Mỹ những năm 1970 đến 1974, có hai lần tham chiến tại Việt Nam vào năm 1971 và 1972. Nhờ đó, ông thấy rõ cuộc chiến mà chính phủ Mỹ vẫn nói với người dân Mỹ rằng: “Phải chống lại nguy cơ cộng sản đang uy hiếp thế giới tự do”, đó là sự dối trá bẩn thỉu, ông cần phải nói cho chính nhân dân Mỹ biết rằng họ đã bị nhà cầm quyền lừa gạt họ.
John F. Tergano dẫn đầu đoàn cựu chiến binh Mỹ đầu tiên thăm lại chiến trường Việt Nam. Ông là người ủng hộ tích cực cho quá trình dỡ bỏ cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Việt Nam và tiến tới việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ông là người đồng sáng lập Hội cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, có quan hệ thường xuyên với Hội cựu chiến binh Việt Nam.
Cuộc gặp gỡ giữa thường trực Ban liên lạc Trại Davis với các bạn Mỹ tại Bảo tàng Chiến thắng B52. (Ảnh: TGCC) |
Cuộc gặp mặt thật chân tình và cởi mở. Đồng chí Đại tá Đào Chí Công - Trưởng Ban liên lạc Ban liên hợp quân sự - Trại Davis (khu vực phía Bắc) thay mặt chúng tôi giới thiệu thành phần dự buổi giao lưu và những công việc của từng người đảm nhiệm trong thời gian công tác thi hành Hiệp định Paris ở giữa sào huyệt kẻ thù và những thủ đoạn phá hoại của đối phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ...
Đồng chí Đào Hoài Phúc kể lại với mọi người giờ phút đầu tiên Hiệp định Paris có hiệu lực 8h sáng ngày 28/1/1973 tại sân bay Thiện Ngôn, Tây Ninh, Việt Nam. Nhờ tinh thần cảnh giác nên ta đã tránh được tổn thất khi máy bay của Mỹ ngụy đến ném bom xuống điểm hẹn đón đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Trung tướng Trần Văn Trà dẫn đầu vào làm việc tại Sài Gòn. Đồng chí Phúc là nhân chứng của việc đối phương vi phạm phá hoại bản Hiệp định đó.
Đồng chí Nguyễn Hùng Trí say sưa kể về những văn bản pháp lý của chúng ta gửi cho bốn đoàn trong Ủy ban Quốc tế kiểm soát, giám sát việc thi hành Hiệp định Paris ở Việt Nam, đặc biệt các văn bản chúng ta tố cáo phía đối phương vi phạm các điều khoản của Hiệp định và những bài phát biểu chính thống của các đồng chí lãnh đạo đoàn ta.
Đồng chí Phan Đức Thắng ôn lại những ngày cuối cùng của hơn ba trăm cán bộ, chiến sĩ còn ở lại Trại Davis, tranh thủ từng giờ, từng phút bằng những dụng cụ thô sơ để đào đắp hệ thống hầm hào từ nhà nọ sang nhà kia, có nắp che đề phòng bom pháo và cơ động cho chiến đấu... Trong hệ thống liên hoàn hầm hào chiến đấu ấy có hầm chỉ huy, hậu cần, quân y... Chúng tôi đã sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”.
Đại diện Thường trực Ban liên lạc Cựu chiến binh Ban liên hợp quân sự trại Davis và anh Amiad Horowitz, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Mỹ. (Ảnh: TGCC) |
Khát vọng hòa bình
Bên ấm trà, các vị khách sôi nổi kể về quãng thời gian ấy từ nước Mỹ với phong trào phản chiến, đấu tranh đòi chấm dứt mọi sự dính líu của chính phủ Mỹ đối với cuộc chiến đẫm máu ở Việt Nam và không được hỗ trợ tiền bạc, vũ khí, trang bị quân sự cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn...
Buổi gặp mặt giao lưu giữa các thành viên của hai đoàn ta trực tiếp tham gia đấu tranh thi hành Hiệp định Paris với các vị khách Mỹ đã có quá trình tìm hiểu, vận động nhân dân Mỹ chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa mà nhà cầm quyền đã lừa dối họ để tiến tới việc phải rút hết quân Mỹ, quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam và chấm dứt mọi dính líu ủng hộ, hỗ trợ cho ngụy quyền Sài Gòn chống lại sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam là độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước.
Chúng tôi đều có suy nghĩ thật đơn giản, đó là hòa bình cho nhân dân Việt Nam, cho nhân dân Mỹ và tất cả các dân tộc trên thế giới. Đó là khát vọng cháy bỏng của mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da.
Để có được sự đồng cảm của buổi gặp mặt đó, chúng tôi đều là những người yêu chuộng hòa bình, chiến đấu trên mọi lĩnh vực để giành lấy hòa bình, không chỉ cho riêng mình mà cho tất cả. Vì vậy, chúng tôi đã thật sự hiểu nhau, thông cảm với nhau và cùng chung một khát vọng cao cả - Khát vọng hòa bình!
* Thường trực Ban liên lạc Cựu chiến binh Ban liên hợp quân sự trại Davis