Tiến sĩ Trần Công Trục trả lời báo chí bên lề Hội nghị tổng kết 25 năm ký Hiệp ước biên giới và 15 năm ký ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc tại Hà Nội ngày 2/8. (Ảnh: PH) |
Năm 2024 đánh dấu 25 năm Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc (Nghị định thư phân giới cắm mốc; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới; Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu).
Sau 15 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý nêu trên, tình hình biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc cơ bản ổn định; an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đường biên giới hòa bình, ổn định đã góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác, phát triển.
Hiệp ước có ý nghĩa lịch sử
Với mục tiêu xác lập đường biên giới rõ ràng giữa hai nước, từ năm 1974 đến 1979, Việt Nam và Trung Quốc đã ba lần đàm phán biên giới lãnh thổ, nhưng không đạt được kết quả do hai bên có lập trường, quan điểm khác xa nhau.
Sau khi bình thường hóa quan hệ, từ tháng 10/1992, hai bên đàm phán lần thứ tư về biên giới lãnh thổ. Tháng 10/1993, hai bên đạt được Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam-Trung Quốc, đồng ý lấy các Công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895 cùng các văn kiện, bản đồ hoạch định, cắm mốc biên giới kèm theo làm căn cứ để xác định lại đường biên giới Việt-Trung; các khu dân cư hai bên đã sinh sống lâu đời thì duy trì cuộc sống ổn định của dân cư; đối với những đoạn biên giới sông suối thì giải quyết theo nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Ngày 30/12/1999 tại Hà Nội, sau 8 năm kiên trì đàm phán trong bối cảnh biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc (gọi tắt là Hiệp ước 1999) được ký kết, đặt nền tảng quan trọng cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định lâu dài giữa hai nước.
Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên đất liền tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. Sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc, để hợp tác bảo vệ, quản lý biên giới và mốc quốc giới, năm 2009, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đại diện Chính phủ hai nước đã ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc.
Chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị tổng kết 25 năm ký Hiệp ước biên giới và 15 năm ký ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc tại Hà Nội ngày 2/8, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ khẳng định Hiệp ước có ý nghĩa lịch sử. Bởi đây là lần đầu tiên hai nước có đường biên giới thông suốt từ Tây sang Đông dài hơn 1.400km với 1.970 cột mốc, được thể hiện trong Hiệp ước với bản đồ kèm theo.
“Để đạt được kết quả như vậy, hai bên đã trải qua đàm phán trên 30 năm, vượt qua nhiều trở ngại khó khăn nhưng với quyết tâm chính trị, sự hợp tác chân thành đã giải quyết được vấn đề biên giới”, Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao cũng nhận định: Việc hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc không phải là kết quả của sự nôn nóng, vội vã mà thành quả này có được là do khả năng nắm bắt thời cơ để kết thúc có lợi và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp cao hai nước, những nỗ lực không mệt mỏi của hai đoàn đàm phán cấp Chính phủ cũng như các chuyên gia, đại diện ngành hữu quan các tỉnh có chung biên giới... Kết quả này là sự thể hiện sinh động của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, đóng góp tích cực đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực”.
Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng việc giải quyết xong vấn đề biên giới là một dấu ấn lịch sử trong quan hệ hai nước và là một “thành tựu được xây đắp bằng quyết tâm chính trị, bằng trí tuệ, máu, nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là trong thời đại mới dưới sự lãnh đạo của hai Đảng Cộng sản”.
Một hoạt động tuần tra biên giới Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: TT) |
Đóng góp vào kho tàng Công pháp quốc tế
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Trần Công Trục, Hiệp ước là nền tảng pháp lý, chính trị cho hợp tác, phát triển. Hiện nay trên toàn tuyến biên giới Việt-Trung, hai bên đã mở 7 cửa khẩu quốc tế, 8 cửa khẩu chính, 7 lối thông quan đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa, 11 khu kinh tế cửa khẩu và một số lối mở.
Một ý nghĩa quan trọng khác mà Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh đó là Hiệp ước đã đóng góp quan trọng vào kho tàng Công pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ giữa các quốc gia.
“Tranh chấp biên giới đất liền giữa các quốc gia là một loại tranh chấp quốc tế phổ biến thường được ưu tiên giải quyết sau khi quan hệ ngoại giao đã được thiết lập. Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ thông qua đàm phán hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế, trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế”, Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh.
Sau khi ký kết được các thỏa thuận về việc phối hợp tuần tra bảo vệ, quản lý mốc giới, biên giới; việc qua lại các cửa khẩu biên giới, sử dụng nước và các tài nguyên trên các sông suối biên giới, hợp tác khai thác cảnh quan khu vực biên giới. Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, đây là căn cứ để lực lượng, cơ quan quản lý, bảo vệ của các bên liên quan hợp tác cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, ổn định lâu dài.
| Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam hiện thực hóa các nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân đến Trung Quốc, ngày 20/8 ... |
| Những văn kiện mở đường cho thương mại biên mậu Biên giới có hai chức năng, vừa là “phên dậu” bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, vừa là cửa ngõ giao lưu kinh ... |
| Chuyên gia Trung Quốc: Mối liên kết lịch sử, hiện tại và tương lai qua chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc vừa qua của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được đánh giá là dấu ấn ... |
| Quảng Tây tập trung phát triển '6 hơn', cùng nhau kế thừa tốt, bảo vệ tốt và phát huy tốt tình hữu nghị Việt -Trung Chuyến thăm Việt Nam của Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc Lưu Ninh theo lời mời của ... |
| Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc Lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc diễn ra trong không khí trang trọng, ấm áp, hữu nghị. |