📞

Hiểu luật lao động để hành xử đúng luật và hưởng lợi

An Sinh 07:30 | 01/05/2021
Năm nay, hoạt động Tháng Công nhân năm 2021 và kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886-1/5/2021) được triển khai rộng rãi trên toàn quốc với rất nhiều chương trình ý nghĩa, để cả người lao động và chủ sử dụng lao động trong các doanh nghiệp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, chia sẻ kinh nghiệm và cả những câu chuyện cảm động...
Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí)

Thông điệp “Cảm ơn người lao động” đã được thể hiện thiết thực, các cấp công đoàn đến người sử dụng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá kết quả, thúc đẩy thực hiện tốt hơn, đúng quy định pháp luật các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Đồng thời, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người lao động được kêu gọi phối hợp tốt với chủ doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra, vừa tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vượt qua những thách thức mới trong hội nhập quốc tế sâu rộng, vừa phòng chống dịch bệnh tốt.

Tuy nhiên, ở đâu đó trong xã hội, tình trạng vi phạm pháp luật lao động vẫn đang diễn ra. Nhiều người lao động chưa chủ động quan tâm tìm hiểu pháp luật để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình, thường chỉ chú trọng đến những nhu cầu cơ bản như tiền lương, ngày công lao động, thu nhập tăng thêm…. Trong khi còn rất nhiều nội dung quan trọng về chế độ bảo hiểm, môi trường lao động, quyền lợi… thì không nắm rõ.

Ở chiều ngược lại, có những doanh nghiệp hoặc thiếu hiểu luật, hoặc cố tình làm sai, đã có hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi, chế độ, chính sách của người lao động.

Chủ doanh nghiệp đó có thể chưa quan tâm đúng mức đến việc nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động, nhưng tâm lý e ngại nếu người lao động biết nhiều sẽ đòi hỏi nhiều quyền lợi cũng có thể là một nguyên nhân...

Trên thực tế, người lao động nếu nắm rõ các quy định thì sẽ tự bảo vệ tốt nhất về quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình. Nhưng có am hiểu pháp luật lao động thì người lao động mới nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, có tác phong công nghiệp.

Còn người sử dụng lao động, nếu không nắm rõ luật sẽ dễ dàng gặp phải khiếu kiện, thậm chí vướng vào những vụ việc bồi thường thiệt hại lớn, làm ảnh hưởng tới quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trong cuộc sống xã hội, mâu thuẫn thường bắt đầu từ những việc nhỏ. Tuy nhiên, nếu không được giải quyết, xử lý kịp thời sẽ tích tụ, lớn dần đến mức con người ứng xử mất kiểm soát.

Trong một xã hội văn minh, điều quan trọng nhất là mọi người phải hành xử theo pháp luật. Tuân thủ pháp luật không chỉ là bắt buộc mà quan trọng hơn, nó phải chuyển biến thành ý thức tự giác của mỗi con người. Bởi luật pháp phải là nền tảng để điều chỉnh mọi quan hệ xã hội.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, các doanh nghiệp có chính sách đầu tư cho nguồn lực lao động chính là khoản đầu tư sinh lời, bởi khi được quan tâm, chăm sóc chu đáo, người lao động sẽ tận lực cống hiến.

Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập với thế giới, việc đầu tư lâu dài cho nhân lực và tôn vinh xứng đáng đối với những cống hiến của họ là cách doanh nghiệp nâng cao uy tín trên thương trường, thượng tôn pháp luật, đồng thời đáp ứng các yêu cầu từ đối tác trong chăm lo phúc lợi người lao động.