Nhỏ Bình thường Lớn

"Hình hài" nhà báo qua "lăng kính" các nhà làm phim

"Nghề báo chưa lột tả được tới tận cùng nghiệp làm báo". "Đèn vàng chỉ mới dừng lại ở... đèn vàng". "Phóng viên thử việc hay đạo diễn thử việc?"... Khán giả xem truyền hình có thể bắt gặp những bài viết với tiêu đề "chơi chữ" đại loại kiểu như thế trên cả loạt báo điện tử lẫn báo giấy, mỗi khi một tác phẩm làm về nghề báo, lấy nhà báo làm nhân vật trung tâm xuất hiện trên sóng.
Một cảnh trong phim "Phóng viên thử việc"

1. Phim về nghề báo hấp dẫn với mọi đối tượng khán giả

nghebao3.jpg
"Làng" báo là một môi trường rất hấp dẫn thì khái niệm nghề báo với những nét đặc thù không thể trộn lẫn xem ra vẫn rất... mông lung (Ảnh minh họa)

Cách đây dăm năm, người viết trong một lần lang thang gặp gỡ các sỹ tử khăn gói lên Hà Nội chuẩn bị cho lần "vượt Vũ Môn" vào Phân viện báo chí và tuyên truyền đã đưa ra một câu hỏi duy nhất, "tại sao bạn chọn nghề báo?'.

Câu trả lời của mười thí sinh, được lựa chọn ngẫu nhiên, cho tôi một kết quả bất ngờ. 7/10 nói, "em thấy nghề này rất oai. Lúc đi tác nghiệp, có đeo máy ảnh, tay lăm lăm máy ghi âm trông thật oách". 2/10 bảo, "nghề này giao tiếp rộng, được đi nhiều, sướng lắm". Chỉ có 1/10 khẳng định, "nghề báo đồng nghĩa với lòng dũng cảm, và em nghĩ mình có tố chất đó nên quyết định thử sức".

Kể lại câu chuyện ấy, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều, ngay cả với những người đã chọn báo chí làm con đường đi trong tương lai, đã thấy làng báo là một môi trường rất hấp dẫn thì khái niệm nghề báo với những nét đặc thù không thể trộn lẫn xem ra vẫn rất... mông lung.

Ai cũng thấy đó là một nghề cao quý, là miền đất ngập tràn bí ẩn mời gọi các bạn trẻ dấn thân khám phá. Ai cũng biết đó là một nghề đi đôi với sức mạnh, vì báo chí luôn được gọi bằng cái tên "quyền lực thứ tư" (nghĩa là chỉ sau lập pháp, tư pháp và hành pháp).

Và ai cũng biết, đó là nghề phải luôn song hành với những góc khuất của xã hội, phải đối mặt đương đầu với đủ loại thế lực hữu hình lẫn vô hình. Còn những bí mật ẩn chứa sau những câu chữ, những tựa bài, những tấm hình...; những câu chuyện hậu trường phía sau cánh cổng tòa soạn; những nỗi niềm trăn trở, những âu lo, dằn vặt của người làm báo thì mấy ai thấu tỏ.

nghebao7.jpg
nghebao1.jpg
nghebao2.jpg
Cảnh trong phim Nghề báo

Chính vì thế, phim về nghề báo, về nhà báo luôn hàm chứa sức hút rất lớn với công luận. Người làm báo tò mò đón đợi, "để xem hình hài mình trên phim tròn hay méo". Độc giả háo hức, "nghề này có nhiều chuyện hấp dẫn, nhiều kịch tính lắm nha".

Người coi báo chí là bạn đồng hành thì chờ đợi, "vai trò phản biện xã hội được họ thực hiện ra sao". Kẻ coi báo chí như một "lực lượng đáng ghét" cũng phải xem cho kỳ hết, "để coi cái tụi phóng viên hay thò mũi vào đủ mọi chuyện ấy moi móc và xử lý thông tin kiểu gì để còn biết đường... tránh".

2. Đa chiều nghề báo

Phim truyền hình dài tập, lấy nghề và người làm báo là tuyến trung tâm, tính đến nay mới có ba tác phẩm. TFS có Nghề báo (đạo diễn Phi Tiến Sơn), Đèn vàng (đạo diễn Mai Hồng Phong), Phóng viên thử việc (đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng). Còn trong phim có sự xuất hiện nhân vật nhà báo thì... hằng hà sa số, chịu, không thể đếm hết.

Nghề báo lấy nữ nhà báo Thúy Bình làm trung tâm. Cô là một cây viết có tên tuổi, đầy nhiệt huyết với nghề. Khi tệ nạn tham nhũng đã đến mức báo động, Thúy Bình đã xả thân điều tra để nỗ lực phanh phui ra những sự thật đang bị giấu kín.

Nhưng rồi, lòng nhiệt tình ấy đã bị lợi dụng. Rơi vào cái bẫy sắp đặt tinh vi của những kẻ mưu mô, thủ đoạn, những bài viết của cô đã đẩy cả một gia đình tới kết cục tan nát. Chồng vào tù, vợ lâm trọng bệnh, con trai nghiện ngập, con gái thành gái bao.

Bộ phim khai thác một góc khá lạ trong làng báo, chuyển tải lời cảnh tỉnh rất quý giá. Để trở thành một nhà báo chân chính, ngoài nghiệp vụ giỏi, tấm lòng trong sáng và nhiệt huyết với nghề còn phải có cái đầu tỉnh táo, biết sàng lọc mọi thông tin để không phải rơi vào những tình huống tréo ngoe, khi ngòi bút vô tình trở thành công cụ tiếp tay cho những thế lực xấu.

Đèn vàng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà báo kỳ cựu Trần Chiến - báo Hà Nội mới. Thông điệp "Đèn vàng, chuẩn bị dừng lại, đừng vượt qua ranh giới khi không được phép" đã được các nhà làm chuyển tải trung thành. Cảnh tỉnh và điều chỉnh xã hội được coi là trách nhiệm của người làm báo. Và Đèn vàng thì cảnh tỉnh chính họ.

Điểm mạnh của phim là đã chạm tới những vấn đề bức xúc nhất của đời sống xã hội, thông qua lăng kính của những nhà báo. Tiêu cực đất đai, rắc rối trong thủ tục hành chính, mối tơ vò giáo dục chẳng biết tháo gỡ từ đâu... một mảng thực tế không mấy sáng sủa đã được phim phản ảnh, qua đó chuyển tải những khao khát cải tạo đời sống xã hội của những người làm báo, cho một đất nước bớt dần những mặt tiêu cực để ngày càng tốt đẹp hơn.

Phóng viên thử việc đúc kết từ những trải nghiệm thực tế của chính biên kịch "tay ngang" Nguyễn Văn Vỹ. Có trẻ trung, có quyết liệt, có nhiệt tình... và có cả sự ngây ngô, thiếu kinh nghiệm của chính những người trẻ trong buổi đầu đặt chân vào môi trường làm báo.

nghebao6.jpg
Phim Đèn vàng

Câu chuyện của ba phóng viên thử việc, trên đường đua tự khẳng định mình để "chuyển ngạch" sang chính thức mang nhiều cung bậc bi hài của cảm xúc. Đi lên bằng sự năng nổ, nhiệt tình - có. Nỗ lực khẳng định mình bằng mọi giá, bất chấp hiểm nguy và dấn thân vào cả những tổ quỷ để có được những bài viết ngập tràn vốn sống có.

Cặp bồ với thư ký tòa soạn, dùng mánh mới thủ đoạn để giẫm đạp lên đồng nghiệp cũng có. Chỉ có những giá trị thật mới được khẳng định. Những gì là ảo sẽ bị triệt tiêu. Chặng đường trở thành một nhà báo đúng nghĩa còn dài. Và trên hành trình gian khổ ấy không có chỗ cho những người dùng mưu mô để thay thế năng lực.

3. Dở vẫn chiếm phần nhiều

Mỗi bộ phim là một góc nhỏ, trong bức tranh toàn cảnh rực rỡ những gam màu sống động của nghề báo. Bỏ thời gian thưởng thức từ đầu đến cuối, mỗi khán giả sẽ tự trang bị cho mình thêm một chút vốn hiểu biết về cái nghề hấp dẫn nhưng cũng rất... mông lung này.

Nhưng bên cạnh cái được đó, sự non yếu trong nhiều "bánh xe" (biên kịch, đạo diễn, diễn viên...), vốn hiểu biết về đặc thù nghề báo của các nhà làm phim còn mỏng, tất cả đã làm nên một "dây chuyền" hoạt động không đồng bộ và còn khá nhiều "trục trặc kỹ thuật".

Một nữ phóng viên tập sự trẻ măng nhưng có cung cách tác nghiệp như cảnh sát phòng chống tội phạm chuyên nghiệp. Một tổng biên tập già dặn về nghề nhưng lại quá nông nổi, quá dễ tin người.

Một cây bút điều tra ''cứng", chuyên khám phá và phơi bày những góc khuất tối tăm của xã hội nhưng lại có cách hành xử rất ngờ ngệch.

nghebao4.jpg
Cảnh trong phim Phóng viên thử việc

Một cây viết nội chính có tên tuổi nhưng cách tác nghiệp lại rất a-ma-tơ. Một nhà báo chủ lực của tòa soạn cứ quẩn quanh với tình yêu lãng đãng, "chân không chạm đất, cật chẳng tới trời"... Có muôn vàn lời phàn nàn từ phía khán giả, sau khi xem phim. Rất may (hay rất tiếc?!!) họ không hề sai.

Nhân vật cứ nhờn nhợt, thiếu sức sống. Quá trình diễn biến tâm lý sáo mòn, khuôn mẫu và sơ sài, cứng nhắc nên thiếu độ thuyết phục. Tất cả dẫn đến những bức tranh chân dung các nhà báo thường nhợt nhạt cả hình khối lẫn sắc màu.

Đó là chưa kể, nhiều nhân vật đã trở thành con rối (dùng để chuyển tải những ý tưởng mang tính áp đặt), những chú hề (với các tác nghiệp, hành xử khá lố bịch) trong bàn tay nhào nặn tùy thích của người làm phim.

Nhà báo lúc tung hoành điều tra như một thám tử lừng danh (chẳng biết có họ rồi thì công an, cảnh sát còn việc gì mà làm?), khi thì nghênh ngang giữa đời như được nắm giữ trong tay một thứ quyền lực tối thượng của kẻ anh chị trong chốn giang hồ (đi tới đâu cũng được đón tiếp rinh rang, cũng được lãnh đạo các đơn vị xun xoe, khúm núm).

Nhưng có một điều lạ, cũng là một điểm cộng cần ghi nhận cho thật công bằng. Trong khi ê-kíp làm phim luôn rất vất vả để tạo nên một hình ảnh lung linh cho những nhà báo chính diện mà kết quả thường đa phần... thất bại thì những cây viết phản diện lại được họ khắc họa rất tài tình.

Nữ phóng viên đổi tình lấy bài viết tên Điệp trong Phóng viên thử việc, nhà báo Quang Sinh với quyền sinh quyền sát như một tay anh chị xã hội đen trong Nghề báo, ông tổng biên tập biến chất trong Chạy án 1 & 2... là những ví dụ sinh động cho thành công đó.

Khán giả xem, và luôn thấy ghét cay ghét đắng. Kết cục ác giả ác báo mà nhân vật phải gánh chịu cuối phim, luôn thu được sự đồng thuận rất cao. Điều này cũng góp phần khẳng định một quy luật "bất thành văn" trong phim truyền hình của ta hiện nay, rằng nhân vật phản diện luôn thành công và có sức sống trường tồn trong trí nhớ người xem hơn những cá nhân chính trực.

Cũng có đôi ba ý kiến, rằng "người làm phim ngại đụng chạm tới nghề báo", rằng "nhà báo có trong tay ngòi bút, có trong tay diễn đàn đầy quyền lực".

Để phim về nghề báo có thể đạt tới mong muốn mà đạo diễn Phi Tiến Sơn từng chia sẻ: "Trong nhiều phim của chúng ta, nhân vật nhà báo thường được dựng lên như một đại diện công lý mà phàm là những sứ giả công lý thì thường dễ bị áp đặt, khô cứng. Tôi muốn xây dựng nhà báo như những người tạo ra dư luận, nói lên tiếng nói của công luận".

Để khán giả có những bộ phim hấp dẫn, thuyết phục về những cây viết mà mình yêu mến, mà mình đặt lòng tin, con đường đi còn dài lắm. Chỉ dám mong trong những tác phẩm đang, và sẽ được thai nghén sắp tới, lời đánh giá sẽ thật ngắn gọn, "trong phim, phần dở rất nhỏ so với phần hay".

Theo Điện Ảnh Kịch Trường