Trên mạng AFP, ông Abu Mohammed, hiện sống ở phía Đông thành phố Aleppo, cho biết: “Tôi không biết thỏa thuận ngừng bắn mà họ đang nói tới là gì. Ở đây không có thỏa thuận ngừng bắn nào cả. Pháo vẫn nổ và tên lửa vẫn được phóng đi. Mọi chuyện diễn ra như thể chúng tôi đang chìm trong đại chiến thế giới”.
“Chảo lửa” Aleppo
Hai tháng sau khi Nga và Mỹ làm trung gian xúc tiến lệnh ngừng bắn lịch sử nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 5 ở Syria, nhiều người cho rằng thỏa thuận dường như đã sụp đổ trên phần lớn lãnh thổ quốc gia Trung Đông này.
Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR), tính đến ngày 27/4, lệnh ngừng bắn chỉ được thực hiện ở khoảng 20% diện tích các khu vực được đề cập trong thỏa thuận. Người đứng đầu SOHR Rami Abdel Rahman cho biết nhiều vụ vi phạm thỏa thuận đã diễn ra quanh Thủ đô Damascus, Homs, Latakia và nhất là ở xung quanh thành phố Aleppo.
Một em bé được cứu sống từ đống đổ nát sau chiến sự ác liệt tại Aleppo. (Nguồn: Reuters) |
Aleppo, vốn được coi là trung tâm kinh tế nằm ở phía Bắc Syria, đã bị chia cắt nghiêm trọng suốt từ năm 2012 sau khi quân nổi dậy đánh chiếm phần phía Đông và Chính quyền Damascus kiểm soát vùng phía Tây thành phố. Sau một thời gian giao tranh tạm lắng kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn chính thức có hiệu lực từ ngày 27/2, đụng độ lại tiếp diễn với mức độ ngày càng tăng trong thời gian gần đây.
Ước tính từ ngày 25/4 đến nay đã có ít nhất hơn 250 người thiệt mạng trong các cuộc không kích, đấu súng và phóng tên lửa. Ông Mohammed Kaheel, người phụ trách cơ quan pháp y ở Đông Aleppo, đặt câu hỏi: “Những người bị sát hại là dân thường, đa số là phụ nữ và trẻ em, vậy thỏa thuận ngừng bắn này có ý nghĩa gì?”.
Trong khi đó, ở khu vực phía Tây thành phố Aleppo do Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát, người dân đang hết sức giận dữ khi phải hứng chịu nhiều đợt tấn công quyết liệt của phe nổi dậy trong những ngày gần đây. Anh Saad Aliya, tài xế taxi 27 tuổi, nói: “Thỏa thuận ngừng bắn đang là cụm từ gây phẫn nộ tới mức người dân không thể chịu nổi. Tôi không nghĩ rằng bất cứ một chiến binh nào ở Aleppo muốn một thỏa thuận ngừng bắn. Bọn họ đều là kẻ giết người và tất cả bọn họ đang giết chúng tôi”.
Áp lực từ bên ngoài
Có thể thấy, tình hình chiến sự khốc liệt tại Aleppo và nhiều nơi khác ở Syria đã khiến vòng hòa đàm được Liên hợp quốc bảo trợ giữa Chính quyền Tổng thống al-Assad và phe đối lập ở Syria khép lại hôm 27/4 mà không đạt được kết quả nào đáng kể. Các nhóm đối lập chính ở Syria đã đơn phương rút khỏi bàn đàm phán để phản đối tình trạng đụng độ leo thang và những hạn chế trong việc tiếp cận công tác cứu trợ nhân đạo.
Giới chuyên gia cho rằng, các cường quốc trên thế giới đều đang rất quan ngại về số phận của lệnh ngừng bắn, bởi đi cùng với đó là hy vọng về việc chấm dứt cuộc xung đột đã khiến 270.000 người thiệt mạng và buộc hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa. Trong bối cảnh đó, Washington đã sử dụng ảnh hưởng của mình với phe đối lập ở Syria, trong khi Moscow gây sức ép với chính quyền Tổng thống al-Assad để thuyết phục hai phe ngồi vào bàn đàm phán. Một xã luận trên báo New York Times cho rằng, các nỗ lực ngoại giao sẽ trở nên vô ích khi Moscow không thể buộc Chính quyền al-Assad ngưng các cuộc không kích nhằm vào phe đối lập.
Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR), tính đến ngày 27/4, lệnh ngừng bắn chỉ được thực hiện ở khoảng 20% diện tích các khu vực được đề cập trong thỏa thuận. |
Chuyên gia hàng đầu về Syria Thomas Pierret (Đại học Edinburgh - Anh) nhận định với AFP rằng “Nga và Mỹ đang cố gắng duy trì sự mong manh của thỏa thuận ngừng bắn”, tuy nhiên cả hai cường quốc đang “gặp vô vàn khó khăn trong việc bảo toàn tiến trình chính trị tại Syria”. Cũng theo ông Pierret, Washington “không muốn chấp nhận sự thật là thỏa thuận đang sụp đổ”.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng, Mỹ đang đẩy nhanh kế hoạch quân sự hóa Syria với cường độ cao và toàn diện hơn nhằm nhanh chóng thiết lập lại trật tự ở quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận, chỉ có giải pháp chính trị mới có thể đem lại hòa bình lâu dài cho Syria. Theo Tổng thống Obama, đối với Mỹ, hay các đồng minh phương Tây, việc triển khai một chiến dịch trên bộ tại Syria nhằm lật đổ Tổng thống al-Assad sẽ là sai lầm.
Dự kiến, các cuộc hòa đàm mới về Syria sẽ được nối lại vào ngày 10/5 tới tại Geneva, Thuỵ Sĩ. Tuy nhiên, đến nay, các bên vẫn bất đồng quan điểm về số phận của ông al-Assad, vốn là điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán.
Trong bối cảnh đó, nhiều người dân Syria hiện tỏ ra hoài nghi về thỏa thuận hoà bình, đồng thời cho rằng nhân tố duy nhất duy trì được lệnh ngừng bắn chính là áp lực từ bên ngoài. Nói như nhà phân tích chính trị Abu Mohammed (Đại học Damascus): “Nếu như thỏa thuận ngừng bắn được duy trì, thì nó là giữa Mỹ - Nga, chứ không phải giữa phe đối lập và Chính quyền Syria”.