Hội thảo “Vai trò của Hòa bình trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người” do Ủy ban Hòa bình Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu quyền con người - Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các cơ quan, ban, ngành trung ương đã tập trung thảo luận về những nội dung chính: Giới thiệu và phân tích khái niệm về quyền hòa bình, ý nghĩa, vai trò, giá trị của hòa bình trong việc đảm bảo quyền con người và những mối đe dọa đến quyền hòa bình của con người; Chia sẻ thông tin về chính sách hội nhập quốc tế vì hòa bình và phát triển bền vững của Việt Nam, kinh nghiệm và thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người thông qua việc giữ gìn an ninh, hòa bình ổn định; Các vấn đề tôn giáo, sắc tộc ... với vấn đề hòa bình và quyền con người.
Hội thảo được tổ chức vào ngày 29/9 tại Hà Nội. (Ảnh: T.T) |
Ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam cho biết, Hiến pháp năm 2013 của nước ta đã ghi rõ: “ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
“Chúng ta đều biết hòa bình và quyền con người tương quan phát triển gắn bó mật thiết với nhau như mối quan hệ nhân quả. Hòa bình có ý nghĩa và vai trò đặc biệt trong việc thúc đất và bảo vệ quyền con người”, ông Uông Chu Lưu khẳng định.
Tại đây, các đại biểu còn tích cực tham gia thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực với những kiến nghị cụ thể để góp phần bảo vệ, giữ gìn môi trường hòa bình và tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề này. Nhiều ý kiến tâm huyết được đưa ra góp phần nâng cao ý nghĩa, giá trị và vai trò to lớn của hòa bình trong việc bảo đảm quyền con người trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững của đất nước.
Theo Ts. Ngô Đức Mạnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, lịch sử phát triển của đất nước Việt Nam trải qua hàng nghìn năm qua luôn tồn tại vấn đề chiến tranh và hòa bình.
“Hòa bình, hợp tác hữu nghị đã trở thành khát vọng của dân tộc Việt Nam, trở thành sức mạnh giúp chúng ta giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Hòa bình còn là đạo lý và phương châm xử thế trong mối quan hệ bang giao với các nước, kể cả với kẻ thù xâm lược. Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1945, tư tưởng hòa bình lại càng được thể hiện một cách cụ thể và đầy đủ trong các bản Hiến pháp của nước ta – trở thành kim chỉ nam cho đường lối, chính sách phát triển đất nước”, ông Ngô Đức Mạnh nói.