Từ trái qua phải: Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan gặp nhau tại Brussels (Bỉ) ngày 14/5. (Nguồn: Trend) |
Ông Michel cho biết, cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đạt tiến triển và cho rằng, "động lực này cần được duy trì" nhằm hướng đến thỏa thuận hòa bình cuối cùng.
Trước đó, ông Michel cũng đã có các cuộc thảo luận riêng rẽ với Thủ tướng Pashinyan vào ngày 13/5 và Tổng thống Aliyev vào sáng 14/5.
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, hai bên đã đạt được "tiến bộ rõ ràng" trong các cuộc thảo luận nhằm dỡ bỏ rào cản đối với các liên kết kinh tế và giao thông trong khu vực.
Về các vấn đề biên giới, ông Michel cho hay: "Chúng tôi đã xem xét tiến độ và các bước biếp theo liên quan việc phân định biên giới và trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo đã nhất trí nối lại các cuộc gặp song phương".
Hai nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan cũng đã có "sự đồng thuận" rằng, sẽ trả tự do cho nhiều người bị giam giữ trong những tuần tới.
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết, vào cuối cuộc đàm phán, hai nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã "chia sẻ thiện chí chung vì hòa bình của khu vực phía Nam Kavkaz", mô tả cuộc đàm phán giữa hai bên là "thẳng thắn, cởi mở và hướng đến kết quả".
Trong khi đó, cả hai nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan không đưa ra bình luận gì sau cuộc gặp.
Trước đó, Thủ tướng Armenia Pashinyan cho rằng có "rất ít" cơ hội ký kết hiệp ước hòa bình với Tổng thống Azerbaijan Aliyev trong cuộc gặp tại Brussels.
Đây là cuộc gặp thứ 5 giữa hai nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan dưới sự trung gian của EU. Cuộc gặp diễn ra sau khi xảy ra các cuộc đụng độ mới ở khu vực biên giới giữa hai nước vùng Kavkaz này.
Cuộc gặp tiếp theo giữa hai nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan được lên kế hoạch vào ngày 1/6 tới tại Moldova, trong đó có sự tham gia của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Trong một tin khác liên quan Armenia, cũng trong ngày 14/5, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Armenia Armen Grigoryan đã bày tỏ lo ngại về tình hình cung cấp vũ khí từ Nga.
Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Grigoryan khẳng định, Yerevan không nhận được vũ khí vốn đã đặt hàng và thanh toán cho Moscow, vì vậy, tình trạng hiện nay gây nguy hiểm cho an ninh đất nước.
Ông nhấn mạnh: “Các cơ chế vốn có để đảm bảo an ninh cho Armenia không còn hoạt động trong khi chưa có cơ chế mới, đặt chúng ta trước nhu cầu phải tìm ra những con đường và các nguồn cung vũ khí mới, bởi chúng ta không nhận được những gì mà chúng ta đã đặt hàng và thanh toán cho Nga”.
Theo quan chức Armenia, đó là một số hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD, song không cho biết rõ loại vũ khí được quy định trong các hợp đồng này và lý do chúng không được chuyển giao, nhưng nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Bình luận trên của ông Grigoryan làm dấy lên lo ngại về năng lực phòng thủ hiện tại của Armenia. Tuy nhiên, vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về vấn đề này.
Nga hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin của quan chức an ninh Armenia.