Những bông hoa sen. (Nguồn: Getty Images) |
Nhớ lại năm 2000, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng nói đến “sen” khi đọc diễn văn ở Phủ Chủ tịch, ông trích dẫn câu Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa…”. Quả thật, sen cũng như tre, mang nhiều âm hưởng của hồn Việt.
Còn nhớ thuở bé, lên bảy tuổi, tôi đã đọc thuộc lòng trong sách mấy câu ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen… Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Bài học kèm theo minh họa và lời giải thích: “Bài này nói về cây sen mọc giữa bùn mà vẫn giữ được hương sắc. Cũng như người hiền, dẫu ở với người gian ác thế nào cũng không bỏ cái lòng ngay thẳng của mình. Hình ảnh cao đẹp ấy gieo vào tuổi trong trắng, hẳn tồn tại trong tiềm thức những thế hệ nay đã tuổi 70 đến trên 90…
Ví hoa sen như người hiền là theo tinh thần Khổng học. Sen còn có ý nghĩa Phật học nữa. Dù sao, Khổng và Phật đều có ảnh hưởng lớn trong tinh thần người Việt.
Thật ra, hoa sen đã sinh ra hai loại biểu tượng thanh cũng có, tục cũng có: về tín ngưỡng sinh dục, sen mang tính phồn thực; sen thanh cao thoát tục trong đạo Phật… đạo đức nhân phẩm theo Khổng học. Ở Ai Cập thời cổ đại, sen tượng trưng cho âm hộ mẫu gốc, từ đó xuất hiện ra sự sống trên Trái đất giữa vùng nước mênh mông. Theo Ấn Độ giáo, từ rốn thần Vishnu nảy ra hoa sen chứa đựng thần Brahma. Sen cánh trắng là dương (thịnh vượng), sen cánh xanh là âm. Theo đạo Phật, Đức Thích ca ngồi trên tòa sen, vì là bản thể của Đức Phật. Sen không vị vấn bùn lầy của samsara (luân hồi). Phật ngồi giữa đóa sen là trên trục của bánh xe luân hồi. Sen còn tượng trưng cho tam thế, vì cây sen có đủ quá khứ (ngó sen), hiện tại (hoa) và tương lai (hạt sen). Ấn Độ giáo và Phật giáo cho rằng trục vũ trụ là dương vật (linga). Kinh Anguttara ví Phật như hoa sen: “Như bông sen thuần khiết, tuyệt diệu, không bị nước đục vấy bẩn ta cũng không bị ô uế bởi bụi trần”. Phải chăng đạo Phật lúc đầu truyền thẳng từ Ấn Độ sang ta đã du nhập ý nghĩa này cho nhân dân ta - câu ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen”.
Từ Ai Cập qua Ấn Độ đến Đông Á, biểu tượng của sen có thể khác nhau. Văn chương diễm tình Trung Quốc dùng từ sen (liên) để chỉ âm hộ và sen vàng (kim liên) để chỉ gái đĩ thõa. Nhưng hình ảnh hoa sen thường gắn với thiếu nữ mới lớn. Trong Kiều, dùng sen ngó đào tơ để chỉ người con gái trẻ, gót sen chỉ gót chân người đẹp, sau này ở Hà Nội, từ “con sen” chỉ người con gái giúp việc.
Các chùa ở ta từ thời Lý phổ biến trang trí mô típ hoa sen. Chùa Một Cột là hình ảnh hoa sen mọc trong đầm, kết hợp tư tưởng Phật (1.000 cánh sen là giác ngộ cao) với tín ngưỡng phồn thực (cột đá truyền tải sinh lực xuống đất và nước). Cột đá trên nước cũng có thể là dáng dấp cột linga (dương vật), hồ nước là ioni (âm vật).
Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi nhỏ bé, xấu xí, không được vua Trần thích. Ông bèn viết bài Ngọc tỉnh liên phú, ví mình như hoa sen trong giếng ngọc, sau đó ông được trọng dụng.
Sen gắn bó với đời sống hàng ngày của người Việt. Khi sinh ra, có khi con trai mang tên Liên (sen) với nghĩa thanh cao, con gái với nghĩa xinh đẹp, trong trắng. Hoa sen dùng khi tang lễ hoặc bầy trên bàn thờ cúng giỗ. Chữ Liên cũng dùng làm tên nhiều chùa ở khắp nơi: Kim Liên, Liên Trì (ao sen), Liên Phái. Ở Trung Quốc, có những phái võ thuật, tu tiên luyện đan, có dùng chữ Liên (sen). Hồ sen là cảnh đẹp thiên nhiên làng nào cũng có. Trước đình chùa thường có ao sen. Nhiều cuộc tình duyên xóm làng bắt đầu bằng: “Đêm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áp trên cành hoa sen”.
Ở Hà Nội, trước đây có sen ở hồ Hoàn Kiếm, nay chỉ còn ở Hồ Tây. Tôi nhớ mãi một cuộc dạo chơi trên Hồ Tây cách đây mấy chục năm. Dưới ánh trăng, bốn chiếc thuyền nan bồng bềnh trong gió mát đượm hương sen, hai chục khách là văn nghệ sĩ lim dim mắt lắng nghe tiếng hò sông Hương của cô ca sĩ Huế. Đêm khuya, chủ nhà ở làng Yên Phụ sát hồ mời khách lên nhà ăn cháo gà và ngâm thơ. Hồ sen Tịnh Tâm ở Huế nổi tiếng là đẹp và là nơi thanh thản cho tâm hồn. Hồi kháng chiến, đạp xe trên đê sông Đáy, tôi có dịp thưởng ngoạn hoa sen trong những hồ dài chạy theo chân đê hàng vài trăm thước.
Hoa sen thấp thoáng trong thi ca bình dân và bác học, trong Kiều hoặc là thơ của Tản Đà, lúc là đùa giỡn tình dục, lúc là cảm thụ lãng mạn... Sen còn gây cảm hứng cho thủ công mỹ nghệ dân gian, đồ gỗ, đồ sứ, họa phẩm, điêu khắc, kiến trúc…
Màu cánh sen đậm tính dân tộc cũng như màu nâu cánh gián, màu mực đen, màu đỏ son, màu vàng nghệ. Cái ăn uống, thuốc dân gian đều mang dấu ấn sen. Hạt sen để chế biến các món đặc sản: chim, gà hầm, chè (có khi lồng long nhãn). Ở Huế có bánh hột sen tròn như hòn bi nhưng làm bằng bột đậu xanh. Hạt sen và tâm sen chữa mất ngủ. Hạt sen hồ Tĩnh Tâm ngon có tiếng, nhất là loại sen cánh gián xưa để tiến vua. Ngó sen hầm sườn, gà, vịt và làm thuốc cầm máu. Nhị hoa sen ướp trà, tua nhị sen làm thuốc đen tóc, bổ máu. Gương sen già và lá sen làm thuốc cầm máu. Cốm vòng phải bọc lá sen mới giữ được hương vị. Ngày nay, các bà bán xôi Hà Nội hay gói nilon thay lá sen, một truyền thống đang mất.
Cái thiện và cái ác Người ta sinh ra là Thiện, theo thuyết của Mạnh Tử hay Rousseau. Còn theo thuyết của Tuân Tử hay Rochefoucault thì người ta sinh ... |
Nhớ lại một bài thơ Anh Tiếng Đức có từ Wanderlust nghĩa là: khát vọng lãng du, thèm đi... Trong số thi phẩm trên thế giới ca ngợi cái thú lang thang, ... |
Quốc hoa: không nên là hoa sen! Sau khi đọc thông tin trên một số báo, trong đó có TG&VN về kết quả bầu chọn Quốc hoa của Việt Nam, bạn Nguyễn ... |