📞

Hoa Thủy Tiên vàng

Hữu Ngọc 15:07 | 03/02/2022
Mỗi lần Xuân đưa Tết đến, bát Thủy Tiên trên bàn thờ tổ tiên lại khiến tôi hồ hởi nghĩ tới bài thơ tiếng Anh Hoa Thủy Tiên vàng (the Daffodils), học cách đây 80 năm ở Trường Bưởi - Hà Nội với thầy Lohéné vào thời Pháp thuộc (năm nay tôi đã tròn 103 tuổi).
Hoa Thủy Tiên vàng.

Năm 1936, tại Trường Bưởi không dạy chương trình Tú tài Bản xứ nữa, mà thay bằng chương trình Tú tài Tây như ở bên Pháp. Về phần ngoại ngữ thì dạy tiếng Anh thay chữ Nho.

Tôi được học tiếng Anh và có dịp gặp the Daffodils, tác giả là nhà thơ Anh William Wordsworth (1770-1850).

Wordsworth được coi như đứng đầu một nhóm nhà thơ mệnh danh là LAKIST (thi sĩ của hồ), vì họ ca ngợi cái đẹp của thiên nhiên, dĩ vãng cổ xưa, mang ít nhiều màu sắc thần bí, rung cảm, đặc biệt là núi rừng và hồ ở Lake District (Quận hồ) miền Bắc nước Anh, quê hương đẹp hoang dã của ông.

Bài Hoa Thủy Tiên vàng có bốn khổ, mỗi khổ sáu câu. Sau đây, xin trích dịch một số câu của bài thơ ấy:

Tôi lãng du một mình như áng mây

Bồng bềnh trên cao, qua núi đồi và thung lũng

Bỗng tôi thấy cả một đám đông

Hoa Thủy Tiên vàng óng

Bên hồ, dưới những lùm cây

Rung rinh và nhảy múa trong làn gió nhẹ.

----------------------

Nhiều khi tôi nằm trên giường

Trong tâm trạng lâng lâng hay ưu tư

Hoa lóe lên trong con mắt tâm hồn

Niềm hạnh phúc của sự cô đơn

Thế là lòng tôi tràn ngập niềm vui

Và nhảy múa cùng Thủy Tiên vàng.

Tôi không ngờ, Hoa Thủy Tiên vàng đã ảnh hưởng sâu sắc đến một số hoạt động văn hóa của mình.

Những năm đi dạy tiếng Anh, bao giờ tôi cũng dạy bài của Wordsworth, nhất là khi đi cắm trại với học sinh. Trong tập sách tiếng Anh về văn hóa Việt Nam của tôi (Wandering through Vietnamese Culture) được xuất bản nhiều lần, tôi đã lấy đoạn đầu bài thơ này thay cho Lời bạt.

Có ba sự kiện khiến tôi nhớ đến Hoa Thủy Tiên vàng:

Sự kiện thứ nhất là, Cách mạng tháng Tám xảy ra khi tôi 27 tuổi, đang dạy học ở Huế và được gặp anh Huy Cận (là nhà thơ) khi anh cùng đoàn đại diện Chính phủ Lâm thời vào Huế dự lễ thoái vị của Bảo Đại, anh gợi ý tôi nên ra Hà Nội ngay để phục vụ cách mạng, ngoài ấy đang thiếu người biết tiếng Anh. Thế là tôi, với giấy “công vụ cách mạng” của anh Huy Cận ký, ra quốc lộ 1 đón xe và lên được chiếc xe của một thương nhân Hoa kiều Chợ Lớn để về Hà Nội.

Năm 1946, Chính phủ Cách mạng mở cuộc thi tuyển “giáo sư” dạy tiếng Anh, vì suốt mãi đến hết thời là thuộc địa, Pháp mới cho dạy tiếng Anh ở một số trường lớn (cấp 3). Kỳ thi vấn đáp ở Hà Nội có bốn chục thí sinh đã có bằng Tú tài và cả Cử nhân. Tôi dự thi và tình cờ rút thăm đúng bài thơ tiếng Anh Hoa Thủy Tiên vàng và rồi may lại đứng đầu trong số bốn thí sinh đỗ. Còn nhớ, giám khảo là ông Phạm Duy Khiêm, lúc đó chưa vào Nam theo chính phủ Ngô Đình Diệm (sau làm đại sứ của Ngô Đình Diệm tại Mỹ).

Sự kiện thứ hai là, mấy năm đầu cuộc Kháng chiến chống Pháp, tại chiến khu 3 (đồng bằng Bắc Bộ), ta và địch ở thế trận “cài răng lược”. Với một chiếc xe cà tàng, tôi thường xuyên đạp qua lại giữa vùng Nam Định và Ninh Bình (Yên Mô) để vừa dạy học, vừa làm chủ bút tờ báo địch vận tiếng Pháp L’étincelle (Tia sáng) để bí mật tung vào những nơi quân Pháp chiếm đóng. Trên đường đạp xe, tôi thường lẩm bẩm đọc bài Hoa Thủy Tiên vàng cho đỡ mệt. Có lần, một sáng sớm qua đò lên bờ (không nhớ rõ có phải là ở huyện Giao Thủy không?) thì chạm trán một toán quân Pháp vừa đổ bộ, may mà đạp xe chạy thoát. Quên sao được bài thơ những khi đạp xe dọc ven hồ phủ đầy hoa sen hay bèo Nhật Bản.

Sự kiện thứ ba là, nhân dịp đi nghiên cứu văn hóa ở Mỹ, tôi đến thăm gia đình anh bạn Dan Duffy tại Massachusetts, mẹ anh là một phụ nữ duyên dáng, hay tiếp các đoàn khách đến du lịch Mỹ. Tôi ngạc nhiên thấy ở phòng khách có treo một bức tranh lụa vẽ phong cảnh và bài Hoa Thủy Tiên vàng chép tay do một nhóm sinh viên Nhật tặng bà. Khi về, bà mẹ tặng tôi một tuyển tập thơ trẻ em, trong đó có bài Hoa Thủy Tiên vàng. Đến nay, mỗi khi Tết đến, tôi lại lẩm bẩm bài thơ, nhớ lại những thời xa xưa ấy.

Biết bao kỷ niệm thân thương mà Hoa Thủy Tiên vàng đã mang lại cho tôi. Quả là thơ có sức mạnh rung cảm khiến cho các dân tộc gần nhau.