📞

Hoàn thiện khung pháp lý để vận hành thị trường lao động theo cam kết Hiệp định CPTPP

10:35 | 01/06/2019
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra cho người lao động Việt Nam nhiều cơ hội để hội nhập và phát triển, song, trước mắt, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là luật lao động để đáp ứng yêu cầu đặt ra của CPTPP.    
PTPP nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động, cũng như bảo vệ tính bền vững của môi trường, giúp người lao động và doanh nghiệp (DN) cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng. (Nguồn: TheLeader)

Quy định về lao động khi gia nhập CPTPP

Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công thương cho biết, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy định nội dung về lao động. Quyền về lao động là một trong những vấn đề chính trong vòng đàm phán cuối cùng của CPTPP trước khi ký kết. CPTPP nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động, cũng như bảo vệ tính bền vững của môi trường, giúp người lao động và doanh nghiệp (DN) cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.

Chương 19 về lao động của CPTTP được xây dựng dựa trên Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Chương này cũng quy định mối liên hệ giữa việc thực hiện Tuyên bố với các điều kiện về thương mại trong một khuôn khổ thời gian nhất định, thông qua văn kiện song phương bên lề. Tuy nhiên, hiệp định này không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO.

Cùng với Công ước số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền được tổ chức, Công ước số 98 cấu thành một phần không thể tách rời của Tuyên bố của ILO về Các nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động năm 1998. Tuyên bố này được đưa vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, là nền tảng nhằm đảm bảo toàn cầu hóa công bằng.

Cả Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) EU-Việt Nam và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên phải thông qua và duy trì những quyền được nêu trong Tuyên bố 1998 trong pháp luật, thiết chế và thực tiễn. Các quyền này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO, với nền tảng là:

1) Tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể (được quy định trong Công ước ILO số 87 và 98)

2) Loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc (Công ước ILO số 29 và 105)

3) Xoá bỏ lao động trẻ em (Công ước ILO số 138 và 182)

4) Xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (Công ước ILO số 100 và 111)

Theo đánh giá của Vụ Chính sách thương mại đa biên, trên thực tế Việt Nam đã và đang thực hiện các quy định của ILO theo kế hoạch chủ động của mình. Về những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động, cơ bản hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của hiệp định. Nước ta đã và đang triển khai một số chương trình hành động quốc gia để thực thi các tiêu chuẩn trên trong thực tiễn.

Hiện Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản (Công ước số 87, 98 và 105) liên quan đến tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và loại bỏ lao động cưỡng bức. Do đó, để thực hiện cam kết lao động khi gia nhập CPTPP đòi hỏi Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống quan hệ lao động, phục vụ nhu cầu của người lao động và DN.

Tiến tới phê chuẩn công ước về lao động của ILO

Trước yêu cầu đặt ra khi gia nhập CPTPP, ngày 29/5 vừa qua, tại kỳ họp Quốc hội khóa kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước và thuyết minh của Chính phủ về việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Để thực hiện cam kết lao động khi gia nhập CPTPP đòi hỏi Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống quan hệ lao động, phục vụ nhu cầu của người lao động và DN. (Nguồn: BCT)

Công ước 98 được ILO thông qua từ năm 1949, đến nay đã có 165/187 quốc gia là thành viên của ILO gia nhập Công ước này. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện CNH-HĐH đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, việc gia nhập Công ước 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý, kinh tế - xã hội.

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 sẽ tiếp tục khẳng định, cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không trái với quy định của Hiến pháp, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng hoặc de doạ dùng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.

Về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Công ước 98, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Về cơ bản, các quy định của pháp luật Việt Nam tương thích với các quy định của Công ước số 98. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ còn một số quy định của Bộ luật Lao động về một nội dung là bảo đảm tính tự nguyện trong thương lượng tập thể là chưa hoàn toàn tương thích với Công ước số 98, cần được sửa đổi, bổ sung khi gia nhập Công ước 98. Những nội dung có liên quan đến vấn đề này đều đã được đưa vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Đề cập đến tác động của Công ước 98, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác trong quan hệ lao động như làm thêm giờ, bữa ăn giữa ca và các chế độ phúc lợi khác… Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam.

Trên cơ sở đó, cơ quan thẩm tra kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước 98 nhằm thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, nội luật hóa bảo đảm tính tương thích, phù hợp giữa các nội dung Công ước số 98 với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

(tổng hợp)