Một người lính Ukraine bắn vào một máy bay không người lái của Nga. (Nguồn: AP) |
Trang mạng The Interpreter của Viện chính sách Lowy (Australia) ngày 24/2 đăng bài viết của chuyên gia phân tích chiến lược Sam Roggeveen, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế, nêu ra 6 bài học quốc phòng rút ra từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukrainehiện nay.
Thời đại xung đột nhà nước chưa kết thúc
Ý tưởng cho rằng chiến tranh giữa các quốc gia đã trở thành quá khứ trong 40 năm qua có một số bằng chứng về mặt thống kê, nhưng giai đoạn hòa bình tương đối hậu Chiến tranh Lạnh cần phải được đặt trong bối cảnh hàng trăm năm đổ máu trước đó. Có lẽ thời điểm hiện tại của chúng ta không hoàn toàn yên bình như chúng ta nghĩ.
Nếu như có ai đó nghĩ rằng một quốc gia đưa xe tăng và quân đội qua biên giới của một quốc gia khác là chuyện trong quá khứ, thì bây giờ là lúc cần nghĩ lại: Đe dọa và bạo lực vẫn đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề quốc tế.
Quyền lực của nước Mỹ có giới hạn
Mỹ có lợi ích toàn cầu nhưng mặc dù có sức mạnh to lớn, họ không có đủ nguồn lực quân sự để thực thi ý chí của mình trên toàn cầu. Hành động của Nga ở Ukraine cho thấy những giới hạn này.
Thực tế là Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loại trừ việc sử dụng vũ lực cho thấy rằng, mặc dù Mỹ có lợi ích và mục tiêu ở Ukraine, nhưng những lợi ích và mục tiêu này chưa đủ quan trọng để chiến đấu và hy sinh, đặc biệt nếu điều đó có nghĩa là chống lại một cường quốc khác.
Các cường quốc đều có phạm vi ảnh hưởng
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với báo chí vừa qua: "Bạn không thể chỉ thay đổi biên giới của một quốc gia khác bằng vũ lực; bạn không thể quyết định lựa chọn của quốc gia khác, chính sách của quốc gia đó, hay quốc gia đó phải liên kết với ai; bạn không thể tạo ra một phạm vi ảnh hưởng để khuất phục những người hàng xóm của bạn theo ý muốn của bạn” chưa thực sự thuyết phục.
Trên thực tế, Mỹ đã thực hiện một phạm vi ảnh hưởng trên ở khu vực Mỹ Latinh kể từ những năm 1820. Theo truyền thống, Nga có phạm vi ảnh hưởng ở khu vực láng giềng ở châu Âu và hiện nước này đang cố gắng thiết lập lại vùng này.
Nếu theo xu hướng này, Trung Quốc cũng sẽ muốn có một phạm vi ảnh hưởng ở châu Á.
Khoảng cách là điểm mạnh quốc phòng lớn nhất của Australia
Quy mô và tính chất chính xác về phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn còn chưa thật rõ, nhưng Australia gần như chắc chắn sẽ nằm ngoài phạm vi đó.
Đôi khi, các chính trị gia và chuyên gia sẽ khẳng định một cách ngẫu nhiên rằng, bởi vì châu Á hiện là tâm điểm của sức mạnh kinh tế và chiến lược toàn cầu, Australia đã chuyển từ vùng ngoại vi của địa chính trị toàn cầu, như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sang trung tâm của địa chính trị toàn cầu.
Nhưng logic đó có một số giới hạn địa lý. Ví dụ, mặc dù Trung Quốc có nhiều tiến bộ trong công nghệ quân sự, nhưng vẫn khó khăn và tốn kém đối với bất kỳ quốc gia nào để dự phòng sức mạnh quân sự trên phạm vi hàng nghìn km.
Lý do khiến Ukraine dễ bị tổn thương là do nước này có đường biên giới dài trên bộ với Nga; khoảng cách giữa Ukraine và đối thủ cường quốc Nga là không có. Người Australia may mắn hơn: Sydney đến Bắc Kinh còn xa hơn Berlin đến Bắc Kinh.
Khi có "bạn" là cường quốc
Người Australia có thể tranh luận rằng sẽ không có quốc gia nào gây ra mối đe dọa đối với Australia như Nga đối với Ukraine bởi vì chúng ta có Mỹ ủng hộ.
Nhưng một lý do khiến Ukraine rơi vào tình trạng bất ổn như hiện nay là quốc gia này lâu nay không giấu giếm ý muốn tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và Mỹ cũng như các thành viên NATO khác đã công khai ủng hộ ý tưởng này.
Australia phải đối mặt với một vấn đề liên minh khác. Australia là một đồng minh hiện tại của Mỹ chứ không phải là một đồng minh tiềm năng, nhưng điều đó cũng đi kèm với những phức tạp, trong đó Mỹ có thể áp đặt các nghĩa vụ đối với Australia.
"Lối thoát" của các cường quốc tầm trung?
Vậy các cường quốc tầm trung phải làm gì để có thể ứng phó trước sự ép buộc từ các cường quốc, ngay cả khi không có đồng minh?
Hành động của Ukraine cho thấy một điều rằng nếu không có sự bảo vệ của một liên minh với một tập thể an ninh như NATO, thì Ukraine sẽ không thể đối phó với Nga. Điều đó đúng, nhưng chúng ta không nên áp dụng logic này một cách lý thuyết với Australia hay nhiều quốc gia khác.
Một quốc gia có nền kinh tế yếu kém không thể chịu được sự ép buộc về kinh tế và không thể bảo đảm một lực lượng quốc phòng mạnh.
Hành động quân sự của Nga phải trở thành động lực để Ukraine bắt tay vào việc cải cách kinh tế sâu rộng. Đây cũng là một lời nhắc nhở đối với chính phủ Australia rằng sức chống chịu của nền kinh tế là công cụ hiệu quả nhất của Australia trong việc ngăn chặn các chiến thuật cưỡng ép của cường quốc.