PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, học nghề hay học đại học cũng hãy hướng tới thành một người lao động trình độ cao. (Ảnh: NVCC) |
Cơ hội từ chuyển đổi số
Chuyển đổi số sẽ mở ra nhiều cơ hội cho việc học tập và hướng nghiệp vì người học có thể tiếp cận được những ngành học và với các chương trình giảng dạy phong phú từ khắp nơi trên thế giới, được học tập từ các chuyên gia hàng đầu. Ngoài ra, họ còn được tham dự các khóa học trực tuyến của các trường đại học danh tiếng với mức kinh phí phải chăng.
Chuyển đổi số sẽ tạo ra nền tảng học tập linh hoạt, giúp người học tự điều chỉnh thời gian không gian học tập theo hướng cá nhân hóa, giúp chúng ta học tập ở mọi nơi chỉ với một thiết bị thông minh kết nối Internet.
Quá trình này cũng sẽ tạo ra các xu hướng nghề nghiệp mới mà trước đây chưa từng tồn tại như sáng tạo nội dung số, chuyên gia phân tích dữ liệu số, marketing số, thương mại điện tử, bảo mật và an ninh mạng...
Bên cạnh đó, phát triển ứng dụng di động, phân tích trải nghiệm người dùng những hình thức nghề nghiệp mới như làm việc từ xa, làm việc ở nhà và cũng làm biến mất những nghề nghiệp truyền thống chỉ dựa vào kỹ năng đơn giản lặp lại như lắp ráp trong dây chuyền, nhập liệu…
Có thể nói, sự phát triển không ngừng của công nghệ và Internet đã làm cho tốc độ lỗi thời của những kiến thức và kỹ năng diễn ra nhanh hơn, đặc biệt là những năng lực thao tác chân tay khéo léo và năng lực tư duy bậc thấp. Ngay cả với kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin phục vụ ngành nghề của một cử nhân mới tốt nghiệp cũng chỉ có giá trị trong vòng 5 năm với tốc độ phát triển như hiện nay.
Có nghĩa, nếu không được làm việc trong lĩnh vực được đào tạo sau 5 năm thì giá trị những kiến thức, kỹ năng và năng lực công nghệ phục vụ ngành nghề sẽ chỉ còn khoảng 30 – 40% giá trị. Còn nếu được đào tạo nhưng không làm trong lĩnh vực của mình khoảng 10 năm trong bối cảnh hiện nay thì có lẽ bạn cần học lại từ đầu.
Vì vậy, để phát triển nghề nghiệp bền vững, để chúng ta không bị hết hạn sử dụng trước khi hết tuổi lao động mỗi cá nhân phải luôn bổ sung cho mình những kỹ năng tư duy bậc cao, các năng lực cảm xúc xã hội đặc trưng của con người. Cập nhật các kỹ năng công nghệ thông tin để có thể thích ứng linh hoạt với mọi sự biến đổi của bối cảnh xã hội và thị trường lao động.
Mỗi cá nhân nên tự đánh giá những kỹ năng của bản thân sau từ 2-3 năm và xác định xu hướng khoảng cách của chúng ta với những xu hướng của xã hội và thị yêu cầu của thị trường việc làm. Xác định mục tiêu học tập cụ thể, tham gia vào các khóa học nhỏ có cấp chứng chỉ bên ngoài chương trình chính khóa và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện để học hỏi từ bạn bè và những người đi trước trong lĩnh vực. Cũng đừng ngại thử sức mình trong những dự án nghiên cứu khác nhau liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp của bản thân. Vì tất cả đều đang giúp bạn hình thành năng lực học tập suốt đời.
Hợp tác giữa 3 "nhà"
Một trong những nội dung quan trọng trong Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới (Chỉ thị 24) được Thủ tướng Chính phủ mới ban hành là tăng cường gắn kết chặt chẽ ba “nhà”: Đó là Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, vai trò của Nhà nước sẽ là bên đặt hàng, tạo ra nhu cầu lao động, tạo ra cơ chế, chính sách thúc đẩy các cơ sở đào tạo phải nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tạo điều kiện hợp tác giữa 3 nhà.
Nhà trường nhận đặt hàng từ xã hội, Nhà nước và các doanh nghiệp nên phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo. Cập nhật nội dung các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số. Đồng thời, phải đảm bảo đội ngũ giảng viên giảng dạy có đủ năng lực trình độ chuyên môn, phải kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hành thực tế cho người học. Qua đó, để người học nắm vững bối cảnh môi trường và kỹ năng làm việc và hội nhập nhanh vào bối cảnh thực tế doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sẽ vừa là bên đưa ra những yêu cầu về năng lực phẩm chất người lao động cho nhà trường, vừa là người cung cấp thông tin phản hồi về chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường có đáp ứng với yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất hay không. Bản thân doanh nghiệp cũng sẽ trở thành những người thầy hỗ trợ đào tạo qua việc hướng dẫn người học thực hành thực tập tại doanh nghiệp.
Có sự kết hợp chặt chẽ giữa 3 nhà, người học sẽ có định hướng tốt hơn và không bị rơi vào tình huống “ngã ba đường” kể cả sau khi đã lựa chọn được một chương trình đào tạo.
Bất kể học đại học hay học nghề, chúng ta cần có động lực và năng lực để tự học, tự phát triển nghề nghiệp. (Nguồn: Nhân dân) |
Tạo ra thế hệ học sinh tự tin hội nhập
Thực tế cho thấy, nhiều nhà tuyển dụng hiện nay không còn quá coi trọng tấm bằng đại học. Đơn giản trước đây tỉ lệ người đỗ vào đại học chỉ khoảng 15% thì việc một người trượt đại học không bị coi là áp lực và những người có bằng đại học trở thành nhóm tinh hoa được các nhà sử dụng lao động săn đón. Nhưng hiện nay, trong nền giáo dục đại chúng, tỉ lệ người đỗ đại học lớn hơn 50% nên trượt đại học trở thành một thất bại khó chấp nhận và ưu thế của tấm bằng đại học trong con mắt doanh nghiệp không còn nữa.
Đấy là chưa kể có nhiều sinh viên học “đại học” kiểu “học đại”, nhiều chương trình đào tạo không thực sự có chất lượng cao, không đáp ứng thực tiễn thị trường lao động. Doanh nghiệp muốn tuyển người về cơ bản phải đào tạo lại. Vì vậy, họ không còn quá coi trọng tấm bằng đại học.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn rất coi trọng bằng đại học của các trường đại học trong nước có uy tín và bằng của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới có tên trong bảng xếp hạng các Trường đại học tốt nhất trên thế giới.
Còn về tư duy, nên học nghề hay học đại học? Hãy nhớ rằng, chọn học nghề hay học đại học chỉ là con đường phải lựa chọn cho phù hợp với bản thân. Còn kết quả, người học phải đạt được là trở thành nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Nếu học nghề thì cũng phải đạt đến trình độ nghề nghiệp bậc cao như nghệ nhân. Nếu học đại học cũng phải biến mình trở thành một nhân lực trình độ cao có khả năng nghiên cứu và sáng tạo cũng như ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào công việc chuyên môn của mình.
Thực tế, dù vẫn có sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp nhưng trong các báo cáo thống kê, những người có trình độ học vấn cao hơn vẫn có tỉ lệ thất nghiệp ít hơn.
Mục tiêu của hệ thống giáo dục quốc dân là để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, trang bị cho họ những năng lực đáp ứng với sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế chứ không phải là đáp ứng yêu cầu của các nhà trường.
Trên thực tế, rất nhiều chương trình đào tạo đại học không thực sự dựa trên khảo sát các năng lực, phẩm chất cần có của người lao động từ yêu cầu của người sử dụng lao động, xu hướng thị trường và đối sánh với năng lực lao động của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Thị trường lao động thay đổi nhanh chóng và đòi hỏi thêm nhiều năng lực mới nhưng việc cập nhật các chương trình đào tạo thường quá chậm chạp. Nhiều khi chỉ thay đổi cái vỏ tên gọi nhưng nội dung cũ do vẫn là giảng viên cũ dạy với những phương pháp cũ, trọng lý thuyết hơn là thực hành. Các trường cũng thiếu liên kết với các doanh nghiệp, không nhận được thông tin phản hồi kịp thời từ doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình một cách phù hợp.
Xu hướng nghề nghiệp có thể thay đổi rất nhanh trong thời đại hiện tại, việc chạy theo những nghề hot và lương cao không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt cho tương lai. Vấn đề chính là chúng ta cần xác định mục tiêu nghề nghiệp cuộc đời và con đường đi phù hợp từ sớm. Cân nhắc các lựa chọn học tập (học đại học hay học nghề). Hãy tập trung vào phát triển những kỹ năng mềm, tích lũy các kinh nghiệm thực chiến vì đó là những yếu tố quan trọng mà những nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Bất kể học đại học hay học nghề, chúng ta cần có động lực và năng lực để tự học, tự phát triển nghề nghiệp. Trong bối cảnh chuyển đổi số, các nguồn tài nguyên trực tuyến rất phong phú để bạn có thể tự học và cập nhật những kỹ năng mới thích ứng với xu hướng ngành nghề.
Dù lựa chọn là gì, học nghề hay học đại học thì hãy biến mình thành một người lao động trình độ cao. Mục tiêu của các bạn phải trở thành một nghệ nhân hoặc một nhà khoa học, một nhà sáng tạo hay một doanh nhân không sợ hãi và lùi bước trước sự thay đổi.