📞

Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học: Có phải 'thả gà ra để đuổi'?

Thạc sĩ Lê Đức Vĩnh 14:12 | 22/09/2020
TGVN. Sau thông tin Bộ GD&ĐT cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng các em sẽ sa đà vào mê trận thông tin trên mạng xã hội, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ từ người lớn dễ dẫn đến hậu quả khó lường. Báo TG&VN xin trích đăng quan điểm của một nhà giáo về vấn đề này.

Việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học khiến dư luận hoang mang, lo lắng. (Nguồn: TT)

Tôi là một nhà giáo gắn cả đời với việc dạy học trò. Tuy nay đã bỏ phấn bỏ bút nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi những quyết định liên quan đến việc dạy của thầy cô và việc học của trò. Việc Bộ GD&ĐT ra quyết định cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học theo tôi là một quyết định nông cạn, có thể ảnh hưởng không tốt đối với nền giáo dục nước nhà.

Ở nước ngoài, việc cấm hay cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động đều dựa trên những nghiên cứu khoa học bài bản, có so sánh đối chứng.

Nước Anh, năm 2007 có 50% số trường cấm sử dụng điện thoại, năm 2012 con số này là 98%. Ở Australia, kể từ năm 2020 chính phủ yêu cầu các trường công cấm học sinh sử dụng điện thoại di động. Nước Mỹ, mỗi bang có một quy định riêng, đôi khi phụ thuộc vào cách nghĩ của thống đốc bang. Chẳng hạn, tại New York từ 2006 tới 2015, dưới thời thị trưởng Michael Bloomberg học sinh phổ thông không được phép sử dụng điện thoại trong giờ học.

Tại Nhật, từ tháng 7/2020 học sinh từ cấp hai trở lên được phép mang điện thoại tới trường để phục vụ những việc khẩn cấp như thiên tai. Khi tới trường các em phải cất điện thoại vào tủ đựng đồ cá nhân.

Vào năm 2014, Hàn Quốc thí điểm một số nơi cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh nhưng có phần mềm giúp giáo viên quản lý việc dùng điện thoại của học sinh như cho phép trang mạng nào học sinh được vào, trang mạng nào không.

Tôi không hiểu dựa trên những nghiên cứu nghiêm túc nào mà Bộ lại ban hành quyết định này. Thời nay, các công cụ hỗ trợ cho việc dạy và việc học không thiếu, học sinh cần được khuyến khích sử dụng các công cụ này ở nhà chứ không phải trong giờ học tại trường.

Đến trường, ngoài việc lĩnh hội kiến thức mà thầy cô truyền thụ cho trò, lớp học còn là nơi giao lưu giữa thầy cô với trò, giữa trò với trò. Trong khi đó, thực tế đang tồn tại căn bệnh trong các gia đình thời nay khi ở nhà, vợ chồng con cái mỗi người đều dán mắt vào chiếc điện thoại của mình. Và chiếc điện thoại tưởng chừng “vô tri vô giác” đang phá vỡ nếp sinh hoạt gia đình truyền thống của nhiều gia đình. Giờ đây, nếu chiếc điện thoại thông minh được hợp thức hóa khác nào đưa căn bệnh nghiện điện thoại di động vào trường học, có khác nào "thả gà ra để đuổi"?

Biết rằng, quy định cho học sinh sử dụng điện thoại vào mục đích học tập nhưng ai giám sát các em? Giáo viên làm sao có thể giám sát vài chục học sinh sử dụng điện thoại làm gì, học tập hay lao vào những thú tiêu khiển cá nhân? Khi ấy ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thời nay, tính khai phóng cần được chú trọng hơn tính khai trí. Tuy nhiên, việc dạy và học theo kiểu thầy truyền thụ và giảng giải kiến thức trên lớp, học sinh tiếp thu nhanh hơn nhiều so với việc học online. Với những suy nghĩ như trên, tôi cho rằng, nên cân nhắc và có những đánh giá trước khi quyết định cho học sinh mang điện thoại vào lớp trong giờ học hay không.

Nói một cách trung thực, thời nay, học sinh từ bậc tiểu học tới đại học chưa thực sự tự giác trong việc học. Tại các lớp học ở bậc phổ thông, dạy đi đôi với dỗ, đấy là việc mà đa phần các giáo viên đang làm. Nếu cho học trò mang điện thoại thông minh vào lớp, tôi e rằng Internet sẽ "dỗ" học sinh đi chệch hướng.

Những trang mạng đen không phù hợp với thuần phong mĩ tục của người Việt có sức hấp dẫn rất ghê gớm, nhất là với lứa tuổi mới lớn ưa khám phá, tò mò. Lớp học đông, liệu các thầy các cô có đủ sức ngăn trò vào những trang mạng đen như bạo lực hay khiêu dâm được không? Cha mẹ thời nay chỉ có một hoặc hai con mà nhiều gia đình còn không quản được con vào các trang mạng này thì thầy cô làm cách nào quản được mấy chục học trò?

Thực ra, tại các thành phố lớn điện thoại thông minh đã chen chân vào nhiều gia đình chứ không phải chỉ đến khi Bộ GD&ĐT cho phép học trò mang điện thoại vào lớp học mới có vấn đề nan giải này. Việc thả gà ra rồi đuổi bắt cũng đã có rồi, nhiều nước cũng nhận ra mặt trái của việc học trò sử dụng điện thoại thông minh, nên mỗi nước đều có quy định cụ thể việc cho phép hay không cho phép sử dụng điện thoại tại trường.

Biết rằng, sợ thả gà ra bắt mà không dám quyết những việc làm hay, tiến bộ phục vụ cho mục đích giáo dục là không có bản lĩnh. Nhưng việc ban hành những quyết định không có cơ sở khoa học, không cân đong đo đếm cẩn thận sẽ có tác hại khôn lường.

Các phương tiện truyền thông chỉ là công cụ hỗ trợ cho việc dạy của thầy và việc học của trò chứ không thể thay thế cho các trường dạy theo phương pháp truyền thống. Tuy là giáo viên nhưng tôi đã từng phải đi học thêm những kiến thức mới, hôm nào vì lý do không đến lớp nghe bài giảng của thầy, tôi phải dành thời gian gấp 5 lần thời gian nghe giảng trực tiếp trên lớp để đọc tài liệu mới nắm được vấn đề.

Thực tế, cho đến thời điểm hiện nay, chưa có quốc gia nào đóng cửa trường truyền thống để thay bằng hình thức dạy online. Hơn nữa, trong một lớp học có từ "hai người thầy" trở lên trình bày một vấn đề, học sinh có tiếp thu dễ hơn không? Sẽ thế nào khi cùng một lúc vừa đọc tài liệu vừa nghe thầy cô giảng, liệu khả năng tiếp thu của các em có tăng lên?

Những quyết định của ngành giáo dục đều liên quan tới hàng chục triệu học sinh, liên quan tới mọi thành phần trong xã hội. Bởi vậy, trước khi ban hành những quy định mới cần phải cân đong đo đếm thận trọng.

Theo tôi, trước khi đưa ra quyết định cho phép học sinh được dùng điện thoại thông minh trong giờ học cần chọn ngẫu nhiên khoảng 126 lớp ở 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh 2 lớp cùng bậc học. Trong hai lớp của mỗi tỉnh, một lớp cho sử dụng điện thoại, một lớp không. Sau một tháng được dạy cùng một chương trình, nếu lớp cho dùng điện thoại có kết quả kiểm tra cao hơn lớp không, khi đó, quyết định cho học sinh sử dụng điện thoại mới có sức thuyết phục về khoa học.

Đồng thời, nên tiến hành thăm dò trên diện rộng các bậc phụ huynh với đầy đủ các thành phần xem ai tán thành chủ trương cho học sinh sử dụng điện thoại, ai không. Nếu số phụ huynh tán thành chủ trương cho học sinh dùng điện thoại tại trường áp đảo số phụ huynh nói không, khi đó quyết định của Bộ mới thực sự được người dân tán thành.

Người Việt ta thông minh và có khả năng học hỏi. Thế nhưng nếu định hướng sai vì kém hiểu biết hay chỉ vì lợi ích của một nhóm người nào đó thì "lợi bất cập hại". Hãy xem các quy định về việc cho hay không cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh của một số nước sẽ thấy việc Bộ GD&ĐT cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học là đúng hay sai, có phù hợp hay không.

“Tôi nghĩ việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại với mục đích để các em khai thác tài liệu học tập trong giờ học khi có sự đồng ý của giáo viên về mặt lý thuyết là đúng. Nhưng thực tế rất khó kiểm soát được việc sử dụng có thực sự đúng mục đích hay không? Vì số học sinh có ý thức, tự giác cũng không nhiều. Số còn lại sẽ lợi dụng việc hợp thức hóa chiếc điện thoại trong lớp học với mục đích khác, trong đó rất có thể đưa các em đến những thông tin xấu. Giáo viên sẽ rất khó quản lý”. (cô Lê Thị Hồng, TP. Thanh Hóa)
(Nguyên giảng viên trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội)