Ông Bùi Phương Việt Anh nêu quan điểm, truyền thông cần làm cho người dân và hệ thống nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc học thật, thi thật và sản phẩm giáo dục thật. |
Ông Bùi Phương Việt Anh đã nói như vậy khi đề cập chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật trong giáo dục hiện nay.
Quan điểm của ông thế nào về chuyện học thật, thi thật để không trượt dài trong sự giả dối?
Nền giáo dục thực chất sẽ thúc đẩy nhu cầu học hỏi cao hơn, nhu cầu khuyến khích người tài cống hiến, đặc biệt sẽ tạo ra bình đẳng xã hội. Bởi lẽ, cùng với thực hiện tốt trách nhiệm công dân, người ta sẽ chỉ làm mọi thứ trong khả năng của họ mà không sinh ra căn bệnh ảo tưởng, háo danh.
Đặc biệt, với lãnh đạo, về chuyên môn không nhất thiết giỏi hơn nhân viên mà chỉ cần có tài biết dùng “đúng” người nên sẽ không còn khuyến khích chạy đua bằng cấp hình thức nữa mà sẽ đi vào thực chất. Trong bối cảnh chúng ta đang cải cách và đổi mới toàn diện hệ thống, thậm chí mục tiêu cũng cần nâng tầm thì nhiệm vụ của giáo dục đòi hỏi phải thực chất hơn, thích ứng hơn là yêu cầu vô cùng cấp bách với cách mạng nước nhà trong điều kiện hiện nay.
Việc học thật, thi thật trong nhà trường hiện nay "vấp" phải những rào cản nào?
Đúng vậy, các nhà tuyển dụng, nhà quản lý, nhà đào tạo cần phải ngồi với nhau bàn cho ra yêu cầu, mục tiêu của nhân lực và hệ thống giáo dục. Để từ đó thống nhất được hình thức và điều kiện giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động quản trị của bộ máy chính quyền cho đến các cơ sở giáo dục. Đây là khó khăn đầu tiên cũng là khó khăn quyết định mọi vấn đề giáo dục gặp phải hiện nay.
Thứ hai, việc cụ thể hoá triết lý giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục có vấn đề nên phương thức lựa chọn chiến lược sẽ khó thoả mãn. Cũng giống như việc đào tạo ra một người đi xe máy lên núi sẽ phải khác với người lái xe ở vùng biển. Câu chuyện này đã từng trở thành đề tài tranh cãi nhưng vì không xác định được rõ triết lý, bởi vậy sẽ mãi là câu chuyện "đẽo cày giữa đường".
Tiếp đến, khó khăn về nhận thức của chính các nhà giáo dục, mắc sai lầm trong quan điểm, triết lý khi đồng nhất việc học nghiêm túc với văn bằng. Mấu chốt là căn bệnh thành tích nên mới xảy ra nhiều vấn đề trong giáo dục như thời gian vừa qua.
Một thầy phó hiệu trưởng của một trường cấp 3 tại Vĩnh Phúc khi nói về phân luồng học sinh chỉ muốn tất cả học sinh học đại học để có thành tích cho trường. Điều này trái ngược với chính sách của Nhà nước ta về phân luồng giáo dục.
Cuối cùng, câu chuyện truyền thông của chúng ta chưa làm cho người dân và hệ thống nhận thức rõ về tầm quan trọng cũng như tác dụng của việc học thật, thi thật và giáo dục thật.
Nhưng căn bệnh thành tích, ngồi nhầm lớp, cách thi cử, cách đánh giá học sinh vẫn là bài toán khó?
Tôi cho rằng, việc học tốt, dạy tốt nếu đạt được đúng với năng lực của học sinh thì không có gì đáng bàn. Họ đi học vì cần kiến thức để làm việc, kiếm tiền chứ không chỉ vì cái bằng. Thế nên, thị trường lao động đã "giáng một đòn chí tử" vào hệ thống giáo dục khi nó phải thải lọc những “học sinh giỏi đầy thành tích mà không thể làm việc”.
Tôi biết có những bạn sinh viên năm 4 ở một đại học lớn tại Hà Nội không biết trả lời điện thoại ra sao vì điện thoại của họ chỉ lướt facebook, nhiều bạn tốt nghiệp đại học nhưng kỹ năng giao tiếp, ứng xử rất kém.
Không chỉ vậy, bài toán học thật, giáo dục thật sẽ gặp vô vàn khó khăn vì chính cách dạy học trong nhà trường, cách cha mẹ các em kỳ vọng và cả văn hoá chúng ta giáo dục con trẻ nữa. Người làm giáo dục cũng góp phần làm hỏng chính sách giáo dục của chính họ. Thế nên, cần lắm một cuộc "đại phẫu thuật" cả về triết lý, thái độ, cấu trúc chất lượng của giáo dục để có được mục tiêu đề ra là giáo dục thật, học thật để cho ra sản phẩm thật.
Bài toán học thật, giáo dục thật sẽ gặp vô vàn khó khăn vì chính cách dạy học trong nhà trường, cách cha mẹ các em kỳ vọng và cả văn giáo dục con trẻ. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Theo ông, Bộ GD&ĐT cần có những giải pháp gì cho vấn đề "học thật, thi thật, nhân tài thật"?
Trên quan điểm của tôi, nếu chỉ một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo thôi sẽ không thể làm được. Bộ Giáo dục & Đào tạo là cơ quan thực thi chính sách, mục tiêu của Chính phủ đưa ra. Nên họ khó cải tổ được chính họ trừ khi chúng ta cho họ tự chủ và xã hội hoá giáo dục thực sự. Tôi xin nhấn mạnh, tự chủ thực sự chứ không phải hình thức, biến các cơ sở giáo dục thành doanh nghiệp sẽ là đại hoạ.
Đồng thời, không sa vào vũng lầy học thuật sao chép từ nước ngoài. Một bộ phận những người làm chính sách trong giáo dục chưa quan tâm nhiều đến lợi ích của người học thực sự.
Thế nên, việc đầu tiên là phải minh bạch chiến lược giáo dục và tự chủ các cơ sở giáo dục không phân biệt công hay tư, quy mô lớn hay nhỏ mà quan tâm hiệu quả nó đem lại. Thứ hai, cần phải thống nhất chương trình và tài liệu, phương án để các cấp cơ sở giáo dục hay giáo viên thực hiện hiệu quả.
Thứ ba, liên thông giáo dục hơn nữa và có cơ chế kiểm định cả người học và người làm giáo dục thay cho hình thức thi cử hình thức như hiện nay. Cuối cùng, phải truyền thông làm sao cho người học ý thức được nếu họ không học nghiêm túc, họ sẽ không thể kiếm sống được cho dù có văn bằng, họ sẽ bị xã hội đào thải.
Thực sự, đây là cuộc chiến về văn hoá và nhận thức, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ mới có thể giải quyết được mọi chuyện theo đúng quỹ đạo của nó.
Phụ huynh có trách nhiệm ra sao trong “cuộc chiến” chống gian dối, ngồi nhầm lớp, bệnh thành tích trong giáo dục?
Nếu coi giáo dục là dịch vụ thì phụ huynh và học sinh được coi là khách hàng, đương nhiên vai trò của họ rất quan trọng trong việc định hướng cho con cái học thế nào. Tuy nhiên, do nhiều lý do mà thời gian qua điều này đã biến thành cuộc thi đua xem con ai học giỏi mà họ cũng không quan tâm nhiều đến thực chất.
Bởi vậy, cha mẹ cần phải tôn trọng quyền quyết định và lựa chọn của con cái. Thêm vào đó, tránh gây áp lực, đe doạ bằng quyền làm cha làm mẹ để ép các con học một cách máy móc, chạy đua thành tích.
Xin cảm ơn ông!
Bùi Phương Việt Anh hiện là Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam, tác giả của Học thuyết Kinh tế tổng thể và Chuẩn nhân lực quốc tế (EAS IHHRM G23.0). Tốt nghiệp Thạc sỹ tại Đại học Victoria (Australia), nghiên cứu Tiến sĩ Quản trị chiến lược tại Đại học Horizons (Pháp), anh được biết đến như một nhà quản trị thực tế. Là chuyên gia tư vấn và đào tạo lãnh đạo cấp cao quốc tế, anh dẫn dắt giới trẻ Việt đến với giáo dục tiên tiến nhất thế giới ngay tại Việt Nam. |