PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, "học thật, thi thật, nhân tài thật" được nhắc đi nhắc lại nhiều nhưng chưa có sự thay đổi rõ rệt. |
Ngành giáo dục cần giải quyết dứt điểm "ba tiêu chí thật"
Ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng, "học thật, thi thật, nhân tài thật" là câu chuyện đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay, thế nhưng cho đến nay thực tế đã chứng minh rằng, chưa có sự thay đổi nào quá rõ rệt.
Nay Thủ tướng nhắc đến "ba tiêu chí thật" cũng là ba khâu đột phá lớn mà Bộ GD&ĐT cần phải giải quyết một cách dứt điểm. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố con người là "nhân tài thật" - yếu tố quyết định cho sự thành bại của sự nghiệp giáo dục và sự phát triển của đất nước.
Ông Nhĩ cho biết, thực tế cho thấy, hiện tượng "đào tạo giả", con người với "kiến thức giả" không những đang tồn tại mà tồn tại rất nhiều trong xã hội hiện nay. Bởi ở Việt Nam đang có nhiều nơi, nhiều đơn vị bồi dưỡng cán bộ chỉ qua loa, không cho chất lượng gì.
Nguy hại hơn nữa là kiến thức của một số người là giả mà lại trở thành quan chức. Khi có quyền trong tay, mà không có trí tuệ, thì sẽ có những quyết định đem lại tác hại khôn lường trong xã hội.
"Để nhân dân hoàn toàn tin tưởng vào tài của các cán bộ thì rất mong nhà nước công khai tất cả các trường hợp có sử dụng bằng cấp không rõ ràng, xem xét thật kỹ nếu có trường hợp nào vi phạm thì nên kỷ luật ngay theo quy định.
Bên cạnh việc đào tạo chưa thật sự đúng chất lượng thì việc "con ông cháu cha thế chỗ nhân tài" cũng gây ra bức xúc cho dư luận từ rất nhiều năm nay. Thực tế cho thấy những người thực sự tài năng thường đạt được thành tích cao do những nỗ lực cá nhân của họ hoặc do môi trường giáo dục ở nước ngoài. Nhưng khi họ muốn cống hiến sức lực của mình cho đất nước thì lại gặp nhiều cản trở", ông Nhĩ cho hay.
Cần trọng dụng người tài một cách thỏa đáng
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, đối với Việt Nam, "chảy máu chất xám" là một vấn đề tồn đọng từ năm này qua năm khác. Nó được hiểu đơn giản là sự di chuyển của nguồn nhân lực có kiến thức, trình độ và tay nghề từ các nước chưa phát triển hoặc đang phát triển sang một quốc gia có tiềm lực và có điều kiện kinh tế tốt hơn.
Theo rà soát, những cán bộ mà có thực lực về cả trí tuệ lẫn tài chính thì đều cho con của mình đi học nước ngoài. Và khi đi học xong thì gần như họ chọn ở lại, phục vụ cho đất nước đó.
GS Phạm Tất Dong cho rằng, việc người ta định hướng đi không muốn trở lại thì cũng có nhiều lý do. Một trong những lý do cơ bản nhất đó là không kiếm được việc trong nước. Trong khi đó, có những người có quan hệ, nhờ bố nhờ mẹ thì được bố trí việc này việc khác. Và có khi học giỏi nhưng lương vẫn thấp, học không ra gì thì lương lại cao.
Cùng bàn về vấn đề này, PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, để đất nước có "nhân tài thật" như Thủ tướng mong muốn, ngành giáo dục cần phải thực hiện ngay những biện pháp cụ thể và đồng bộ. Trước hết, để có được "nhân tài thật" thì cần phải "học thật" và "thi thật". Sau đó là phải tinh tế phát hiện được những "hạt giống có giá trị" từ các cuộc thi chất lượng trong và ngoài nước để kịp thời bồi dưỡng, chăm lo và sử dụng; tránh tình trạng lãng phí, và mai một nhân tài.
Khi phát hiện kịp thời, Nhà nước cũng cần phải có một cơ chế đào tạo bài bản, chú trọng chất lượng. Nếu không sẽ xuất hiện việc đào tạo tràn lan, mà cuối cùng cũng không đem đến hiệu quả cụ thể nào.
"Đối với những người có tài và có đức thực sự thì Nhà Nước cần phải có một chính sách rõ ràng về lương bổng, khen thưởng, hỗ trợ,... chăm lo cho họ về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện cho họ được phát triển cũng là một cách hay để giữ họ ở lại với mình, cùng thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước", PGS Trần Xuân Nhĩ khuyến nghị.