Chuyên gia ngôn ngữ Tạ Quang Đông nhận định, khi tư duy của đa số chưa thay đổi thì bất kỳ cá nhân nào làm bộ trưởng cũng không tạo nên sự thay đổi căn bản ngành giáo dục. (Ảnh: Lê Lai) |
Thưa ông, từ thực tế hiện nay, có phải không ít đứa trẻ đang bị "nhồi nhét" kiến thức chẳng khác gì giáo dục đánh đồng học sinh?
Học hết những kiến thức được coi là "phổ thông" (vì là hàm lượng kiến thức được coi là chuẩn, dạy trong trường phổ thông), tôi không hiểu trẻ phải có mấy cái đầu, mấy bộ não.
Lượng kiến thức quá lớn, không hiểu các cháu lấy đâu ra thời gian để tiếp thu hết, mà nhiều học sinh giỏi đến vậy. Áp lực từ lượng chữ nghĩa đồ sộ và sự "vinh danh" với bảng thành tích điểm số cho nhà mình "bằng chị bằng em", chẳng có gì lạ khi nhiều đứa trẻ đang phải học hết cái nọ đến cái kia, học trước lớp 1.
Do đó, nếu một đứa trẻ "bị" điểm 7, điểm 8 - niềm ao ước của nhiều người thuộc các thế hệ trước - sẽ trở nên "khác lạ" với tập thể điểm 9, điểm 10, và thực trạng trẻ “ngồi nhầm lớp” vẫn diễn ra ở đâu đó.
Mọi người chắc đều biết trò chơi truyền hình "Ai là triệu phú". Có một điều là nhiều người đánh đồng các "game show" đó với việc kiểm tra độ giàu của tri thức. Vài năm trước, có một bạn, là kỹ sư, chơi "Ai là triệu phú", không trả lời được El Nino là gì, hay nấu canh cua thì dùng rau gì, liền bị nhiều người trong cộng đồng mạng chê cười.
Cá nhân tôi nghĩ, thời đại Google, nếu chúng ta không biết thì có thể tra cứu dễ dàng bằng các công cụ tìm kiếm. Sao cứ bắt buộc nữ nhân phải biết hết các món ăn? Khi họ đã tham gia hoạt động xã hội sẽ thật khó học hết nữ công gia chánh.
Và việc cô gái ấy không biết cũng chẳng có gì quá nghiêm trọng. Cứ đòi người ta phải cái gì cũng biết mới là giỏi giang là cách nghĩ, cách đánh giá cũ rồi.
Có người cho rằng chương trình học của trẻ có nhiều phần vô bổ, ý kiến của ông thế nào?
Khi ta coi những người cái gì cũng biết (biết cả những điều không thực sự cần biết) là vĩ đại, là giỏi giang, sẽ dẫn đến việc ngành giáo dục tiếp tục phải cố gắng cung cấp "núi kiến thức" to đùng và nhồi nhét cho trẻ.
Tôi đồng ý rằng nền học vấn hiện nay, chương trình học hiện nay có quá nhiều thứ nên cắt bỏ, tùy theo đối tượng và mục đích của học sinh. Cụ thể, nếu các em không theo ngành văn thì cần biết thông tin cá nhân của một tác giả, học nhiều tác phẩm đủ các thời kỳ làm gì?
Còn, các cháu không theo đuổi ước mơ toán học, có thiên hướng nghệ thuật, thì bắt các cháu học giải tích làm gì? Bắt các cháu học, các cháu thi trượt, trong khi để vào đại học ngành mỹ thuật… vẫn đòi hỏi phải tốt nghiệp trung học phổ thông, tự nhiên xã hội. Điều này có thể đánh mất những tài năng nghệ thuật.
Liệu việc đó có khiến nhiều người đã đánh mất đi mục tiêu học tập của mình ngay từ nhỏ, chỉ học vì điểm số, học theo đánh giá của xã hội?
Đúng vậy, học theo tư duy (mà thực ra là yêu cầu, vì chương trình học đòi hỏi) cái gì cũng biết. Suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường, các em phải cố nhồi nhét hết kiến thức trong sách giáo khoa phổ thông. Trong khi ra trường, công việc lại chả liên quan đến nhiều thứ các em đã học, hỏi có ích gì?
Trẻ có nhiều kênh để tìm kiếm, bổi bổ kiến thức, để dung nạp những thứ bổ ích ngoài sách vở. Vậy tại sao lại “hành” tuổi thơ của các em, bắt các em nhớ đủ thứ, để thỏa mãn tư duy rằng, biết đủ thứ mới là tài giỏi.
Vậy theo ông, cải cách giáo dục phải bắt đầu từ đâu?
Tôi không dám có những lời đao to búa lớn như vậy. Chỉ có điều, trong bối cảnh nước ta vừa có Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo mới, nhiều người nghĩ một cá nhân có thể thay đổi được nhiều với cả hệ thống giáo dục, vô hình trung gây áp lực với Bộ trưởng.
Khi tư duy của đa số chưa thay đổi thì bất kỳ cá nhân nào làm bộ trưởng cũng không thể tạo nên thay đổi căn bản được. Đa số còn trọng vọng những người "biết tuốt" thì còn cảnh trẻ phải nhồi nhét cái gọi là "kiến thức", mà đa phần sau này chả dùng đến, hết sức tốn kém nguồn lực của gia đình và xã hội.
Nguy hiểm hơn, nó dẫn đến sự băng hoại đạo đức, khi có những dối trá ngay cả trong nhà trường - "ngôi đền thiêng" góp phần tạo dựng nhân cách.
Không đủ thời gian học, chính xác hơn là nhồi nhét, học sinh tiến hành quay cóp. "Bắt" chặt thì học sinh trượt, không có tấm bằng trung học phổ thông, thậm chí trung học cơ sở, để ra đời kiếm sống không phải bằng lao động phổ thông, nên thầy cô giáo ngậm ngùi làm ngơ, chứ không phải nhiều vị muốn tiếp tay cho sự dối trá.
Cá nhân tôi cho rằng, cần mạnh tay cắt giảm mạnh nội dung, khối lượng chương trình giáo dục phổ thông, cho trẻ em có nhiều thời gian tăng cường kỹ năng mềm, hiểu biết xã hội, luyện tập thể thao, tham quan các thiết chế, cơ sở văn hóa - nghệ thuật…
Một vấn nạn cả xã hội nói mãi vẫn không giảm được, đó là việc dạy thêm không vì mục đích nâng cao kiến thức, mà là ép buộc trẻ phải học để nâng cao thu nhập cho người dạy.
Nếu cắt giảm mạnh lượng "kiến thức" (mà ra đời không dùng đến), các em sẽ dễ dàng đáp ứng yêu cầu bài kiểm tra hơn. Việc dạy thêm không chính đáng sẽ giảm mạnh, giải quyết căn bản một điều nhức nhối bậc nhất của giáo dục Việt Nam nhiều năm qua.
Khi trẻ học lên đến trung học phổ thông, có định hướng nghề nghiệp thì rất nên phân ban, để các em đỡ phải học những thứ sẽ không dùng đến trong nghề nghiệp sau này.
Đừng lo các em "học lệch", vì các em ban A muốn bổ sung thêm hiểu biết về ngày sinh tháng đẻ của danh nhân này, nhà văn nọ, đã có "con chuột". Các em ban D muốn biết bom hạt nhân sản xuất từ urani hay các-bon, đã có ngón tay cái bấm điện thoại thông minh.
Xin cảm ơn ông!
Cần tư duy mở "Dịp nghỉ hè cách đây vài năm, tôi về quê vợ ở Hà Tĩnh. Tôi và cậu cháu rể nói chuyện về giá trị ở đời. Loanh quanh sang chuyện đánh giá con người, cháu cho biết bạn bè đồng trang lứa có nhiều ngã rẽ khác nhau sau khi tốt nghiệp phổ thông. Cháu nào thấy mình không có "cơ" đỗ đại học là chuyển sang hướng khác, học nghề, mở cơ sở làm ăn, về sau cũng thành công, có của ăn của để, và được trân trọng chả kém gì các cháu học đại học mà thành công. Rồi một lần đi Nghệ An, tình cờ được một lãnh đạo cấp Sở tâm sự rằng ở xứ Nghệ cũng tương tự vậy. Các cháu không thấy mình "phát" về đường khoa cử, thì thường chọn học nghề, và lãnh đạo đang tìm thêm đường học nghề cho các cháu, bằng việc liên hệ với các trường nghề của Australia… Thật đáng mừng khi những nơi có tiếng là đất học như vùng Nghệ - Tĩnh cũng đã có ngày càng nhiều người, nhiều cháu có tư duy mở, hiện đại như vậy. Nếu bám vào kiểu học không phục vụ nhu cầu thực tế, sẽ cực kỳ lãng phí, vì ra đời chả dùng đến. Cần hướng đến sự học để làm nghề, có thu nhập tốt. Quan trọng là, các cháu như thế vẫn được trân trọng, khuyến khích, tạo điều kiện. Có cách nghĩ đổi mới như thế, sẽ dễ bề phát triển. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí đó không phải là kiến thức sách vở". (Chuyên gia ngôn ngữ Tạ Quang Đông) |
Ông Tạ Quang Đông là chuyên gia ngôn ngữ, dịch giả nổi tiếng. Là một người có uy tín trong cộng đồng với những ý kiến nhằm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đồng thời, ông Đông còn có uy tín trên mạng xã hội vì những ý kiến đóng góp với báo chí, cộng đồng. |