Chủ tịch Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) Peter Maurer và Tổng Thư ký Ủy ban Công ước chống sa mạc hóa Ibrahim Thiaw đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp.
Chủ tịch ICRC Peter Maurer cho rằng, người dân sinh sống tại các khu vực xung đột, ngoài chịu hậu quả nhân đạo do xung đột trực tiếp gây ra, còn chịu các cú sốc về khí hậu, suy thoái môi trường. Khu vực Hồ Chad và Sahel là những nơi khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất, hơn một triệu người Mali, Niger, Burkina Faso phải rời khỏi nơi ở trong một năm qua, nhiều nơi nằm ngoài phạm vi kiểm soát của chính phủ. Ông Maurer kêu gọi Hội đồng Bảo an cần hành động khẩn cấp để khắc phục khủng hoảng nhân đạo tại khu vực.
Tổng Thư ký Ibrahim Thiaw cho rằng mối liên hệ giữa suy thoái môi trường và hòa bình, an ninh xuất phát từ nhiều lý do, trong đó, có nhu cầu tài nguyên thiên nhiên của con người tăng lên; việc quản lý yếu kém; tình trạng hạn hán kéo dài, nghiêm trọng; tài nguyên phân bổ không đồng đều, từ đó làm tăng tính dễ tổn thương, dẫn đến cạnh tranh tài nguyên, nguy cơ xung đột.
Ông Thiaw đề nghị cần có giải pháp toàn diện điều chỉnh hệ thống kinh tế - xã hội, tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý xung đột.
Hội đồng Bảo an thảo luận về các tác động đến vấn đề nhân đạo của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường |
Phát biểu tại cuộc họp, các nước thành viên Hội đồng Bảo an cho rằng hậu quả của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, đặc biệt trong bối cảnh xung đột, dẫn đến người dân bị buộc phải rời khỏi nơi ở; mất an ninh lương thực, y tế; mất cân bằng kinh tế, dân số, xã hội, tiêu biểu là tại khu vực Sahel, Tây Phi.
Nhiều ý kiến cho rằng cần lồng ghép tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường vào các giải pháp hòa bình, an ninh như về ngăn ngừa xung đột, giải quyết xung đột, các chiến lược cứu trợ nhân đạo, cần tăng cường thực hiện luật nhân đạo, trong đó có nghĩa vụ về bảo vệ môi trường trong xung đột
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, khẳng định cần giải quyết toàn diện các tác động nhân đạo, an ninh của vấn đề biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.
Đại sứ kêu gọi tăng cường tuân thủ luật nhân đạo, bao gồm nghĩa vụ liên quan đến bảo vệ môi trường, tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng hỗ trợ các nước xung đột, hậu xung đột, các nước kém phát triển, các nước đảo nhỏ đang phát triển, tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng của người dân trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Đại sứ cho rằng cần lồng ghép vấn đề khí hậu, môi trường vào các chiến lược nhân đạo, ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình và tái thiết hậu xung đột, đồng thời Hội đồng Bảo an cần được tiếp tục thông tin về tác động của suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu đến hòa bình, an ninh quốc tế.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ phát biểu tại cuộc họp |
Cuộc họp là một trong 4 sự kiện dấu ấn của Niger trong tháng Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an, bên cạnh các chủ đề về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Tổ chức pháp ngữ, Bảo vệ trẻ em và xung đột vũ trang, Quản trị Toàn cầu hậu đại dịch Covid-19. Đây là cuộc họp chính thức thứ hai của Hội đồng Bảo an trong năm 2020 về chủ đề Biến đổi khí hậu, sau cuộc Thảo luận mở về An ninh khí hậu do Đức tổ chức tháng 7/2020. |