Nhỏ Bình thường Lớn

Hội nghị an ninh Munich: ‘Cùng thắng’ hay ‘cùng thua’?

Được mệnh danh là "Hội nghị Davos về an ninh", Hội nghị an ninh Munich là sự kiện có ảnh hưởng quan trọng tới xu thế chính sách chính trị - an ninh của thế giới. Năm nay, diễn đàn thu hút khoảng 60 nguyên thủ quốc gia, 85 quan chức cao cấp các nước tham dự.
Hội nghị an ninh Munich lần thứ 60 diễn ra từ ngày 16-18/2 tại Munich, Đức. (Nguồn: AFP)
Hội nghị an ninh Munich lần thứ 60 diễn ra từ ngày 16-18/2 tại Munich, Đức. (Nguồn: AFP)

Lần đầu tham dự Hội nghị, tôi cảm nhận được không khí vội vã, tấp nập ở đây, nơi mà nhiều quan chức quốc phòng, tình báo và cả ngàn đại biểu khác tranh thủ gặp nhau ngoài hành lang, bên lề, trong phòng riêng với những câu chuyện mà chỉ họ mới biết. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ví diễn đàn là nơi “hẹn hò chóng vánh” giữa các nhà ngoại giao.

Những thách thức đang nổi

Chủ đề Hội nghị năm nay là “thua - thua” (hay “cùng thua”), phản ánh lo ngại rằng thế giới đang rơi vào cạm bẫy cạnh tranh đối đầu khiến các động lực hợp tác và phát triển “cùng thắng” bị triệt thoái. Ai cũng tưởng mình đang thắng nhưng thực ra là “cùng thua”.

Năm nay, diễn đàn cho rằng sự thiếu vắng hợp tác chiến lược giữa các nước lớn, nhất là trong các lĩnh vực “sống còn” của nhân loại như an ninh hạt nhân, biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo mới là thách thức thực sự. Vì thiếu vắng hợp tác “cùng thắng”, thế giới dần nổi lên tư duy vụ lợi, thắng thua (zero-sum), giao dịch (transactional)… các quốc gia theo đuổi lợi ích vị kỷ, giành giật miếng bánh lớn hơn trong khi cái bánh chung đang nhỏ đi.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi xây dựng một trật tự toàn cầu mới, công bằng hơn. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo nước nào theo đuổi “phân tách” khỏi Trung Quốc sẽ phải hối hận vì sẽ là “sai lầm lịch sử”. Thế giới rõ ràng đang tồn tại nghịch lý, vừa có lực tác động gắn kết, vừa có xu thế phân tách, rào dậu kỹ hơn giữa các quốc gia.

Nội dung nổi bật nhất của diễn đàn năm nay là huy động sự ủng hộ cả vật chất và tinh thần cho Ukraine trong xung đột với Nga, trong đó ba thách thức chính nổi lên. Một là vai trò lãnh đạo và cam kết của Mỹ, nhất là trước triển vọng ông Donald Trump có khả năng được tái bầu cử làm Tổng thống. Hai là mức độ cam kết và khả năng chuyển cam kết thành hành động của các nước châu Âu. Ba là làm sao có ngay một nền công nghiệp quốc phòng của châu Âu phục vụ “tiền tuyến”.

Hội nghị chứng kiến tranh luận gay gắt về vai trò của Mỹ với an ninh châu Âu và vai trò của ông Trump nếu được tái bầu làm Tổng thống Mỹ. Nhiều nước châu Âu không giấu được lo ngại nếu ông Trump thắng cử và chủ trương “nước Mỹ trên hết”, theo đuổi chính sách can dự, thậm chí “thân Nga” khi tuyên bố “Nga thích làm gì thì làm với các thành viên NATO không chi đủ 2% GDP cho ngân sách quốc phòng”.

Nghị sĩ đảng Cộng hoà Mỹ J. D. Vance khẳng định, ông Trump là người duy nhất kiềm chế được ông Putin. Bằng chứng là, duy nhất trong bốn năm ông Trump cầm quyền, ông Putin đã không “động binh” với nước nào. Ông J. D. Vance cảnh báo châu Âu cần thức tỉnh và hiểu ra rằng ưu tiên của Mỹ giờ là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu cần phải tự bảo đảm an ninh của mình. Các nước châu Âu nhắc nhở Mỹ đừng quên rằng châu Âu là khu vực đầu tư lớn nhất và tạo việc làm nhiều nhất cho người Mỹ. Do vậy, Mỹ không thể bình yên nếu châu Âu không bình yên.

Dường như để trấn an châu Âu và gửi thông điệp tới cử tri trong nước, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho rằng, sẽ là điên rồ nếu nước Mỹ quay lại chủ nghĩa biệt lập, bỏ mặc đồng minh và đối tác, vị kỷ đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết. Bà khẳng định chính quyền Biden tiếp tục sát cánh với EU, với NATO và với Ukraine, hàm ý phê phán ứng cử viên Donald Trump có thể sẽ có chính sách khác.

Vấn đề học thuật được các chính khách tranh luận nhiều hơn cả là làm thế nào phòng tránh và ngăn chặn xung đột với đối thủ. Phải “răn đe” hay “ve vãn”, nếu răn đe thì bằng vũ khí hạt nhân hay vũ khí thông thường. Thêm vào đó, câu chuyện “đầu tiên” luôn là “tiền đâu”.

Tâm lý “bình chân”

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo nếu châu Âu tiếc tiền đầu tư cho an ninh bây giờ, chi phí khắc phục hậu quả sẽ lớn gấp nhiều lần sau này. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khẳng định, cần tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 2% GDP để phòng ngừa khủng hoảng ở châu Á, châu Phi… đồng thời quả quyết trong năm 2024 Đức sẽ cử tàu đến Biển Đông.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói trong ba tuần tới EU sẽ có một chiến lược công nghiệp quốc phòng liên kết với công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi châu Âu tiếp tục ủng hộ nước ông một cách mạnh mẽ. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định năm nay tất cả thành viên NATO sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên hoặc vượt 2% GDP.

Dù không nói trắng ra, dường như có một sự thừa nhận rằng Nga đã chuyển sang kinh tế thời chiến nhanh, hiệu quả, với nguồn lực dồi dào hơn, trong khi tâm thế và mức độ sẵn sàng của 27 thành viên EU cho một cuộc đối đầu kéo dài vẫn còn khác nhau. Đáng chú ý, nếu như năm 2023, Nga và xung đột hạt nhân là lo ngại hàng đầu tại diễn đàn thì năm nay, lo ngại đó đã giảm xuống, có thể là một phần nguyên nhân giải thích tâm lý còn “bình chân” của nhiều nước châu Âu.

Các nước châu Âu kỳ vọng Trung Quốc sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong các xung đột. Tại Hội nghị an ninh Munich năm 2023, Trung Quốc đưa ra kế hoạch hòa bình cho xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, năm nay không như kỳ vọng, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng, hiện chưa phải thời điểm chín muồi để đàm phán về hòa bình Nga-Ukraine. Ông khẳng định quan hệ Trung-Nga là quan hệ nước lớn kiểu mới, không nhằm vào nước thứ ba, dường như để giảm lo ngại về quan hệ “không giới hạn” giữa hai nước này.

Bàn về tương lai châu Âu, nhiều đề xuất đưa ra những cải tổ được cho là cần thiết với tổ chức này, nhất là thủ tục kết nạp thành viên mới trong bối cảnh hiện nay. Nhiều ý kiến phàn nàn châu Âu bị hành chính, thủ tục hoá cao độ, không phản ứng đủ nhanh, đủ nhạy với diễn biến tình hình (ví dụ, để kết nạp thành viên mới, có 144 “cửa ải” mà bất cứ nước thành viên nào cũng có thể veto). Dù vậy, Cao ủy đối ngoại và an ninh châu Âu, ông Josep Borrell khẳng định châu Âu vẫn đang hành động chậm nhưng chắc chắn và trong nhiều mặt vẫn là tổ chức có nhiều đóng góp lớn nhất.

Giải pháp chưa khả dĩ

Mô hình “đa liên kết”, quan hệ với tất cả các bên của Ấn Độ được quan tâm chú ý. Ngoại trưởng S Jaishankar khẳng định, với Ấn Độ các mối quan hệ đó không loại trừ lẫn nhau. Việc New Delhi cùng lúc “chơi” với nhiều bên là điều đáng khen chứ không đáng trách.

Đại diện tiếng nói từ Đông Nam Á, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen khẳng định châu Á phải phòng ngừa xung đột “bằng mọi giá”, thế giới không thể có cùng lúc ba cuộc xung đột ở ba khu vực! Muốn vậy, cần phải có cả đan xen lợi ích, trao đổi thương mại để các bên cùng có lợi.

Hội nghị dành thời lượng lớn bàn về hòa bình Trung Đông, nhất là xung đột Israel-Hamas. Tranh luận chính là giữa quyền tự vệ chính đáng và nghĩa vụ bảo vệ dân thường, giữa việc chấm dứt xung đột ngay và bảo vệ hoà bình lâu dài ở Trung Đông. Phần lớn các quốc gia tại diễn đàn đều ủng hộ giải pháp hai nhà nước song song tồn tại, nhưng con đường đến đích mới là vấn đề chính.

Dường như, vấn đề “con gà, quả trứng” lại xuất hiện vì trong khi nhiều lập luận cho rằng, phải có hai nhà nước mới có thể có hoà bình bền vững thì có ý kiến lại nhận định cần có cam kết hoà bình và bảo đảm an ninh cho Israel trước thì nước này mới ủng hộ thành lập nhà nước Palestine.

Có quan điểm cho rằng, Hamas là một tổ chức, nhưng cũng là một tư tưởng. Israel có thể tiêu diệt được tổ chức, nhưng không thể tiêu diệt được tư tưởng nên cần có cách tiếp cận khác. Nhìn chung, diễn đàn không đưa ra được giải pháp nào khả dĩ cho xung đột Israel - Hamas, ngoài việc thống nhất rằng có quá nhiều dân thường vô tội ở cả hai phía đã và đang tiếp tục trở thành nạn nhân của xung đột này.

Khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác

Với khoảng 200 hoạt động bên lề, nhiều vấn đề và thách thức an ninh, phát triển khác đã được thảo luận tại Hội nghị như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, trí tuệ nhân tạo, công nghệ, thương mại quốc tế, luật nhân đạo quốc tế, an ninh mạng và chiến tranh thông tin. Ngày càng nhiều vấn đề của khu vực châu Á-Thái Bình Dương được quan tâm trao đổi trong các phiên thảo luận riêng, như về chủ đề chạy đua vũ trang ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; vấn đề Biển Đông, hay chính sách của các nước Đông Nam Á trong cạnh tranh giữa các nước lớn.

Có thể nói, trong ba ngày, diễn đàn đã thảo luận, nhiều lúc tranh luận rất gay gắt các vấn đề an ninh nóng bỏng của nhân loại. Các bên đều tỏ ra tôn trọng lẫn nhau, dùng lý lẽ để thuyết phục lẫn nhau và thuyết phục dư luận chứ không chỉ trích, phê phán. Đó cũng chính là thành công của Hội nghị an ninh Munich trong 60 năm qua với khẩu hiệu “thúc đẩy hoà bình qua đối thoại” và nguyên tắc vận hành số một là “tương tác với nhau, nhưng đừng lên lớp nhau”.

Trong bối cảnh thế giới được cho là bước vào giai đoạn bất định, bất ổn, những nỗ lực đối thoại chân thành, cởi mở, không định kiến, không loại trừ ai là điều thế giới rất cần để khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác “cùng thắng”.

Ngoại trưởng Nhật Bản-Hàn Quốc thảo luận 'thẳng thắn' về vấn đề lao động thời chiến

Ngoại trưởng Nhật Bản-Hàn Quốc thảo luận 'thẳng thắn' về vấn đề lao động thời chiến

Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin thảo luận đầy đủ với người đồng cấp Nhật Bản Hayashi Yoshimasa về 'những điểm tranh cãi chính' liên ...

Kết thúc Hội nghị An ninh Munich: Đức khẳng định 'sự đoàn kết mạnh mẽ'; châu Phi và Mỹ Latinh có những mối lo hơn cả Ukraine?

Kết thúc Hội nghị An ninh Munich: Đức khẳng định 'sự đoàn kết mạnh mẽ'; châu Phi và Mỹ Latinh có những mối lo hơn cả Ukraine?

Chiều ngày 19/2 (giờ địa phương), Hội nghị an ninh Munich - hội nghị an ninh quy mô nhất thế giới được tổ chức thường ...

Bất ngờ Mỹ-Trung tại Munich

Bất ngờ Mỹ-Trung tại Munich

Cuộc gặp của quan chức ngoại giao Mỹ-Trung bên lề Hội nghị An ninh Munich đã mang tới nhiều bất ngờ đáng chú ý.

Ngoại trưởng Trung Quốc chuẩn bị công du châu Âu

Ngoại trưởng Trung Quốc chuẩn bị công du châu Âu

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay (15/2) cho biết, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ thăm Đức, tham dự Hội nghị An ninh Munich, sau ...

Tổng thống Israel tìm kiếm gì ở Đức?

Tổng thống Israel tìm kiếm gì ở Đức?

Tổng thống Israel Isaac Herzog bắt đầu chuyến thăm Đức từ hôm nay (16/2).