Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. |
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Joko Widodo điểm lại các sự kiện của Hội nghị này 60 năm trước và chỉ rõ những thách thức mà các các quốc gia Á – Phi đang phải đối mặt. Với chủ đề "Tăng cường hợp tác Nam-Nam để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới", Tổng thống Joko Widodo đã thu hút sự chú ý vào tình hình Palestine, thông qua đó làm nổi bật yêu cầu cần thiết về một cơ cấu kinh tế mới, hỗ trợ cuộc đấu tranh vì sự ổn định và bình đẳng của cả hai châu lục. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ đối tác và thảo luận về các chiến lược để vượt qua những thách thức chung, thúc đẩy phát triển kinh tế ở cả hai châu lục thông qua thúc đẩy hợp tác Nam -Nam.
Phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất của Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Hội nghị Bangdung năm 1955 đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ để nhân dân các nước Á-Phi đứng lên giành độc lập dân tộc và vươn lên phát triển về mọi mặt; ngày nay, vị trí, vai trò của hai châu lục Á-Phi ngày càng tăng trên trường quốc tế.
Chủ tịch nước cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà nhiều nước Á-Phi đang phải đối mặt, đặc biệt là khủng bố, xung đột vũ trang, bất ổn, tranh chấp chủ quyền, đe doạ sử dụng vũ lực, nghèo đói, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực và nguồn nước, sự bất bình đẳng của hệ thống kinh tế, tài chính, thương mại toàn cầu...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, là một trong 29 quốc gia tham gia Hội nghị Bangdung 1955, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ đề của Hội nghị Cấp cao lần này là “Tăng cường hợp tác Nam-Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”; kêu gọi trước tiên hai châu lục cần tăng cường hợp tác bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh - điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững. Chủ tịch nước nhấn mạnh các nước cần tuân thủ 10 nguyên tắc Bangdung mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, “không xâm lược, đe doạ xâm lược và sử dụng vũ lực”, “giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương LHQ”. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu bật thông điệp của Việt Nam là “Tăng cường kết nối Á-Phi vì hòa bình, thịnh vượng thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Chủ tịch nước cũng đề nghị cần ưu tiên tăng cường liên kết bền vững Á-Phi dựa trên các luật lệ và chuẩn mực chung, nhất là kết nối về kinh tế, thông qua các sáng kiến hợp tác Nam-Nam về thương mại, đầu tư, nông nghiệp, viễn thông, lao động, y tế, giáo dục... ở cấp độ khu vực, tiểu khu vực và hợp tác song phương; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy kết nối về hàng hải, hàng không, gắn kết Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong môi trường an ninh, hòa bình và ổn định.
Về Đông Nam Á, Chủ tịch nước chia sẻ Việt Nam cùng các nước ASEAN đang hoàn tất xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay; nhấn mạnh các nước ASEAN đang nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông, con đường huyết mạch kết nối ASEAN với các nước và khu vực khác, trong đó có châu Phi; khẳng định Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam chủ trương tăng cường tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm vào các cơ chế hoạch định chính sách, góp phần phát huy tiếng nói chung của các nước đang phát triển; thông báo Việt Nam đã tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình LHQ ở Nam Sudan, Cộng hoà Trung Phi và sẽ tăng cường tham gia các hoạt động này, đặc biệt tại châu Phi trong thời gian tới.
Trong dịp này, một loạt các sự kiện Kỷ niệm Hội nghị Á-Phi đã diễn ra bao gồm Hội nghị quan chức cấp cao Á – Phi (AASOM) vào 19/4, tiếp theo là Hội nghị Bộ trưởng Á – Phi (AAMM) vào 20/4 và Hội nghị Thượng đỉnh Á - Phi 21/4/2015. Vào ngày 24/4, các nhà lãnh đạo Á – Phi và các đại biểu sẽ tham gia cuộc diễu hành lịch sử gợi lại tinh thần Hội nghị Bangdung 60 năm trước.
Năm 2015 cũng đánh dấu 10 năm quan hệ đối tác chiến lược mới Á - Phi (NAASP), 10 năm cũng là quãng thời gian đầy thách thức đối với những biến động của thế giới, với vai trò mới của các quốc gia Á – Phi trong đời sống chính trị quốc tế. NAASP có thể sẽ mở ra một chương mới trong đó ba yếu tố đoàn kết chính trị, hợp tác kinh tế và văn hóa xã hội sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng. NAASP sẽ vẫn còn là một diễn đàn quan trọng cho sự hợp tác giữa các nước trong hai châu lục để giải quyết các vấn đề đương đại.
Hội nghị Cấp cao Á - Phi năm nay dự kiến sẽ thông qua ba văn kiện: Thông điệp Bangdung, Tuyên bố Cấp cao về quan hệ Đối tác Chiến lược Á- Phi mới (NASSP) và cam kết từ các nước Á – Phi nhằm hỗ trợ cho Palestine. |
Thanh Trúc (từ Jakatar, Indonesia)