Lãnh đạo các nước G7 cam kết tăng cường hợp tác ứng phó với Covid-19. (Nguồn: AFP) |
Mối quan tâm hàng đầu của thế giới là phòng chống đại dịch Covid-19 và “rã đông nền kinh tế”. Đã có những tín hiệu khả quan, tiêm chủng vaccine bắt đầu triển khai ở một số nước, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm mạnh, nhất là ở 2 quốc gia dẫn đầu Mỹ và Ấn Độ. Người lạc quan tin tưởng đại dịch đã qua đỉnh.
Nhưng không ít chuyên gia vẫn cho rằng cộng đồng thế giới còn phải chung sống dài dài với các biến thể của virus SARS-CoV-2. Tranh luận về nguồn gốc lây lan virus SARS-CoV-2 chưa chấm dứt sau kết luận của nhóm chuyên gia WHO khảo sát tại Trung Quốc. “Ngoại giao Covid”, “cơn khát” vaccine tác động mạnh đến chiến dịch phòng ngừa đại dịch trên toàn cầu và quan hệ quốc tế. Bão tuyết phủ khắp bắc bán cầu, từ Hy Lạp đến Mỹ, người dân bang Texas sống trong giá rét kỷ lục và bóng tối. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu nổi lên là thách thức an ninh toàn cầu hàng đầu.
Bên cạnh đó, xung đột, chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Syria và một số khu vực khác. Trung Quốc ban hành luật mới cho phép hải cảnh nổ súng vào các thực thể nước ngoài mà Bắc Kinh cho là xâm phạm lãnh hải hoặc quyền tài phán ở những vùng biển nằm trong tuyên bố đường 9 đoạn.
Tranh thủ lúc thế giới lo chống dịch, Mỹ vướng bận tranh tụng hậu bầu cử, Trung Quốc xây mới các cấu trúc ở đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc gia tăng hoạt động xung quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư Đài. Binh biến ở Myanmar không chỉ làm mất ổn định nội bộ mà còn gây chia rẽ ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Phòng chống đại dịch và phục hồi kinh tế là mục tiêu kép của các quốc gia, đòi hỏi nguồn lực lớn và sự hợp tác toàn cầu. Dự báo “sự trở lại của chủ nghĩa đa phương”, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn đem lại hy vọng. Nhưng nhiều nước vẫn mở cửa ngập ngừng vì lo ngại đi kèm nguy cơ tái lây nhiễm dịch bệnh. Chủ nghĩa bảo hộ, ý đồ lợi dụng khó khăn để gia tăng ảnh hưởng, trục lợi; cạnh tranh kinh tế, thương mại giữa các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc làm phân tán nguồn lực, rối dòng cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Bối cảnh đó hướng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vào động thái của các nước lớn. Trong đó có 2 sự kiện diễn ra vào trung tuần tháng 2/2021.
Bộ tứ tái cam kết
Cuộc thảo luận trực tuyến hôm 18/2 giữa Ngoại trưởng 4 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia kéo dài 90 phút, “cực kỳ sâu” như lời Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi.
Các Ngoại trưởng đề cập nhiều vấn đề chiến lược quan trọng của khu vực, toàn cầu, bao gồm Biển Đông, Hoa Đông, Triều Tiên, binh biến ở Myanmar, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu…
Điểm nổi bật là Bộ tứ tái cam kết mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa, thúc đẩy một trật tự quốc tế tự do, rộng mở, bao gồm cả ủng hộ tự do hàng hải và toàn vẹn lãnh thổ; phản đối bất kỳ động thái nào của Trung Quốc muốn thay đổi hiện trạng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Biển Đông, Hoa Đông bằng vũ lực hoặc ép buộc. Bộ tứ tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và tiếp tục thúc đẩy hợp tác với ASEAN.
Các Ngoại trưởng Bộ tứ đánh giá 4 nước có chung chí hướng đóng vai trò nền tảng trong hoạch định chính sách ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đồng thời, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhận được sự ủng hộ quốc tế ngày càng tăng, bao gồm cả châu Âu.
Do đó, Bộ tứ thúc đẩy thể chế hóa bằng quyết định duy trì các cuộc họp thường niên cấp Ngoại trưởng và các cuộc họp thường xuyên cấp cao, cấp làm việc.
Thời gian ngắn và hình thức họp trực tuyến không cho phép giải quyết sâu nhiều vấn đề, mở ra các đột phá. Nhưng ngắn mà vẫn chất, đạt mục đích đề ra là tiếp tục kết nối khuôn khổ Bộ tứ, củng cố liên minh, tăng cường hợp tác, thúc đẩy những mục tiêu chung trong duy trì Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, đối phó với các thách thức từ Trung Quốc.
Kết quả của cuộc họp có yếu tố khách quan từ các thách thức của Trung Quốc đối với các thành viên Bộ tứ. Về chủ quan, mỗi nước thành viên tìm thấy lợi ích của mình trong thúc đẩy hợp tác Bộ tứ.
Nước Mỹ thời Tổng thống Joe Biden có sự thay đổi quan điểm về vai trò và cách tiếp cận trong quan hệ với các đồng minh. Một quan chức cấp cao Mỹ đánh giá: Bộ tứ là quan hệ quan trọng nhất mà chúng ta thành lập kể từ thời NATO.
Mỹ chủ động xử lý những tồn tại trước đó với 3 thành viên, nhằm củng cố, phát huy vai trò Bộ tứ. Nhà Trắng cam kết tăng cường quan hệ với Nhật Bản, thỏa thuận chia sẻ chi phí cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.
Tổng thống Mỹ chủ trương đưa quan hệ Mỹ - Ấn Độ trở thành “2 quốc gia thân cận nhất trên thế giới”, đẩy mạnh đối thoại chiến lược, thương mại, ưu tiên hợp tác quốc phòng.
Sự trở lại của chủ nghĩa đa phương
Thực chất, cuộc gặp trực tuyến các nhà lãnh đạo G7 ngày 19/2 là hội nghị mang tính khởi động sau một thời gian dài ngưng trệ do đại dịch, bàn thảo chương trình, nội dung chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh chính thức, trực tiếp vào tháng 6/2021. Anh, nước chủ tịch G7 năm 2021, muốn thúc đẩy để gia tăng vai trò trong giai đoạn hậu Brexit.
Đây cũng là cơ hội để Tổng thống Joe Biden “trình làng” thông điệp chính thức về tái gắn kết với cộng đồng quốc tế và các tổ chức toàn cầu, sau những chia rẽ do chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
Lãnh đạo các nước G7 đưa ra tuyên bố của mình, trao đổi về đối phó với đại dịch, phục hồi kinh tế, đối phó với thách thức từ Trung Quốc và các vấn đề an ninh khác.
Thông cáo sau hội nghị đưa ra thông điệp “sự trở lại của chủ nghĩa đa phương”; phối hợp cùng nhau để biến năm 2021 thành bước ngoặt cho chủ nghĩa đa phương, đồng thời định hình cho sự phục hồi nhằm thúc đẩy sức khỏe cùng sự thịnh vượng cho con người và cả hành tinh.
G7 đề ra chủ trương phòng ngừa đại dịch mạnh mẽ bằng biện pháp xây dựng hiệp ước y tế toàn cầu; cam kết chi thêm 4 tỷ USD cho Quỹ Tăng tốc tiếp cận công cụ Covid-19 (ACT-A) và Chương trình tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu (COVAX), nâng tổng số hỗ trợ của G7 lên 7,5 tỷ USD.
Giải quyết việc làm và thúc đẩy tăng trưởng là biện pháp chủ yếu để phục hồi kinh tế. Các nước G7 thống nhất hoạt động trên cơ sở hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc hiện đại, tự do và công bằng hơn.
Thực thi tuyên bố “nước Mỹ trở lại”, Tổng thống Joe Biden cam kết tài trợ tiền cho chương trình phân phối vaccine của WHO, tái tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa ra gói kích cầu 2 ngàn tỷ USD không chỉ tác động tới kinh tế Mỹ mà cả toàn cầu...
Trước đó, Mỹ muốn các nước G7 tập hợp lực lượng đối phó với thách thức lạm dụng kinh tế và đi ngược lại các giá trị chung về kinh tế thị trường của Trung Quốc. EU hoan nghênh cam kết khôi phục quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhưng muốn tự chủ, quan hệ cân bằng hơn, ít đối đầu trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác kinh tế, đầu tư, thương mại hàng đầu của EU. Với GDP cao, nhân tố chủ chốt của dòng cung ứng hàng hóa, Trung Quốc là động lực không thể thiếu để phục hồi kinh tế toàn cầu.
Do đó, vấn đề Trung Quốc chỉ nêu 1 lần trong thông cáo chung. G7 thống nhất tham khảo ý kiến của nhau về cách tiếp cận tập thể nhằm giải quyết các chính sách và thực tiễn phi thị trường của Trung Quốc.
Kết nối 2 sự kiện
Hai cuộc họp trực tuyến, khác nhau về khuôn khổ, phạm vi, nhưng có sự kết nối với nhau. Xuyên suốt là chủ trương kết nối, liên kết đối phó với các thách thức từ Trung Quốc và các thách thức an ninh khác. Ấn Độ, Australia, 2 trong 4 thành viên Bộ tứ được Anh mời tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào giữa tháng 6.
Mỹ có những thay đổi trong quan điểm coi trọng quan hệ hợp tác với đồng minh và có những cam kết mang tính đa phương. Nhưng mục đích cuối cùng và thực chất của tuyên bố “nước Mỹ trở lại” vẫn là khôi phục vai trò, vị trí lãnh đạo của Mỹ.
G7, Bộ tứ đưa ra nhiều chủ trương, cam kết hấp dẫn, nhưng hiện thực đến đâu còn ở thì tương lai. Giữa các thành viên G7, Bộ tứ cũng có những vấn đề, lợi ích, toan tính khác nhau, nhất là quan hệ với Trung Quốc và Nga. Trung Quốc, đối trọng lớn nhất nhiều lần cảnh báo, gây áp lực và có đủ sức mạnh buộc Pháp, Đức, các nước EU và Ấn Độ phải cân nhắc. Hãy chờ xem.