Theo Politico, Saudi Arabia nhìn nhận cuộc họp tại Jeddah về Ukraine là cơ hội để thể hiện mình là nhà môi giới hòa bình. (Nguồn: AP) |
Các quan chức cấp cao từ khoảng 40 quốc gia đã tham dự cuộc họp kéo dài hai ngày cuối tuần tại Saudi Arabia. Theo Reuters, cuộc họp là một phần trong nỗ lực của Ukraine nhằm xây dựng sự ủng hộ từ những quốc gia vẫn còn do dự chọn bên trong cuộc xung đột. Nga không được mời tham dự sự kiện này.
Sau khi cuộc đàm phán ở Jeddah kết thúc, các nhà ngoại giao cho biết có sự chấp nhận rộng rãi rằng các nguyên tắc trọng tâm của luật pháp quốc tế, như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nên là trọng tâm của các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai giữa Ukraine và Nga. Wall Street Journal đánh giá cuộc gặp đã thu hẹp khoảng cách giữa Ukraine và các nước đang phát triển lớn về các điều kiện để chấm dứt xung đột kéo dài hơn một năm qua.
Sự tham gia của Trung Quốc
Tiếp nối các cuộc đàm phán ở Copenhagen (Đan Mạch) hồi tháng Sáu, cuộc họp ở Jeddah được thiết kế theo định dạng không chính thức và không đưa ra tuyên bố chính thức.
Sự khác biệt lớn nhất giữa các cuộc họp ở Copenhagen và Jeddah là số người tham dự - với lần mới nhất này nhiều hơn gấp đôi số quốc gia hiện diện tại cuộc đàm phán trước.
Đáng chú ý, sự tham gia của đại diện Trung Quốc - đặc phái viên về các vấn đề Á-Âu Li Hui được báo Guardian đánh giá là "một phần thưởng ngoại giao lớn". Bắc Kinh được mời tham dự cuộc đàm phán ở Copenhagen nhưng đã không tham dự.
Một nguồn tin của EU cho biết, Trung Quốc “đã tham gia tích cực và tích cực về ý tưởng tổ chức cuộc họp thứ ba ở cấp độ này”.
Reuters trích dẫn chia sẻ của ông Li Hui trước cuộc gặp, “chúng tôi có nhiều bất đồng và chúng tôi đã nghe các quan điểm khác nhau, nhưng điều quan trọng là các nguyên tắc của chúng tôi được chia sẻ”.
Giới quan sát nhìn nhận, Trung Quốc - đối tác quan trọng nhất của Nga được coi là có vai trò đặc biệt trong việc xây dựng động lực cho cuộc đàm phán và qua đó cũng có thể đưa vào các cuộc thảo luận một số quan ngại và "giới hạn đỏ" của Moscow. Lãnh đạo cao nhất của Saudi Arabia và Ukraine đã vận động tích cực để Bắc Kinh tham dự.
Chia sẻ với South China Morning Post, ông Wang Yiwei, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, đánh giá sự tham dự của ông Li Hui, người đã thực hiện sứ mệnh hòa bình tới châu Âu hồi tháng 5, cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cũng như khả năng "phanh" sự kiện này không trở thành "một hội nghị đa phương chống Nga và do phương Tây dẫn đầu nhằm cô lập Moscow".
Theo chuyên gia Wang Yiwei, Bắc Kinh "có thể đóng vai trò là cầu nối để truyền đạt quan điểm của cả hai bên", đồng thời có thể tìm kiếm điểm chung với các quốc gia khác và hợp tác với Nga để đồng ý ngừng bắn sớm.
Quan điểm trái ngược giữa Ukraine và Nga
Trong bài phát biểu ngày 5/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ca ngợi cuộc gặp tại Jeddah là sự ủng hộ đối với công thức 10 điểm của ông về một nền hòa bình trong tương lai.
Điểm mấu chốt trong "công thức hòa bình" của Tổng thống Zelensky là việc quân đội Nga rút khỏi Ukraine và khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Đông Âu này.
Theo trang NTV, nhà lãnh đạo Ukraine thừa nhận tuy có sự khác biệt giữa các quốc gia tham dự, song trật tự quốc tế dựa trên luật lệ cần phải được khôi phục. Ông Zelensky nhấn mạnh: "Các châu lục khác nhau có cách tiếp cận chính trị khác nhau đối với các vấn đề thế giới, song tất cả đều chia sẻ tính ưu việt của luật pháp quốc tế".
Trước đó trong tuần, ông Zelensky bày tỏ hy vọng sáng kiến trên sẽ dẫn đến một hội nghị thượng đỉnh hòa bình của các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới vào mùa Thu này để thông qua các nguyên tắc của một giải pháp dựa trên công thức 10 điểm mà ông đưa ra.
Là "người ngoại đạo' trong cuộc gặp ở Jeddah, Nga thể hiện sự không hài lòng đối với sự kiện có sự tham dự của 4/5 thành viên nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Hãng TASS ngày 6/8 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã miêu tả cuộc họp là "sự phản ánh mưu đồ của phương Tây tiếp tục thực hiện những nỗ lực vô ích, tất sẽ thất bại hòng vận động cộng đồng quốc tế, và chính xác hơn là khu vực Nam Bán cầu ủng hộ của cái gọi là công thức Zelensky".
Tham dự cuộc gặp tại Jeddah, Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Shri Ajit Doval nhắc lại quan điểm của New Delhi về cuộc xung đột Ukraine, nhấn mạnh cách tiếp cận của nước này “đã và sẽ luôn là thúc đẩy đối thoại và ngoại giao” - con đường duy nhất hướng tới hòa bình. Ấn Độ vẫn là một đối tác tích cực, sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp toàn diện, lâu dài cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Giống như Trung Quốc, Ấn Độ duy trì quan hệ thân thiết với Nga và từ chối lên án Moscow liên quan chiến dịch quân sự tại Ukraine. |