Toàn cảnh buổi hội thảo. |
Sự kiện do Văn phòng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức.
Hội thảo có sự tham gia của Đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) Eric-Normand Thibeault, Giám đốc Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Katherine Muller-Marin và 10 Đại sứ Pháp ngữ, thành viên của Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và Tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam (GADIF): Armenia, Canada, Ai Cập, Pháp, Haiti, Morocco, Mexico, Qatar, Uruguay, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles.
Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham dự của hơn 100 khách mời, gồm các doanh nhân văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác và di sản (sân khấu, điện ảnh, văn học, múa, âm nhạc, kỹ thuật số), các nhà báo, nhà quản lý chương trình và nhà tổ chức sự kiện văn hóa, nhà ngoại giao, nhà giáo, nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, dịch giả, nhà ngôn ngữ học.
Hội thảo được chia làm hai phiên với các chủ đề “Ngoại ngữ: Biểu đạt của đa dạng văn hóa với tư cách là trung gian đối thoại giữa các nền văn hóa” và “Biểu đạt văn hóa: Hình thái mới trong giáo dục và quảng bá nghệ thuật”.
Ông Eric-Normand Thibeau - Đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF). |
“Trong nhiều năm qua, chúng ta đã hành động, đối thoại bất chấp sự khác biệt văn hóa. Tôi hy vọng rằng, sự hợp tác này không chỉ tiếp tục mà còn tăng cường và khăng khít hơn với tất cả các thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ”, ông Eric-Normand Thibeault bày tỏ.
Tại Hội thảo, Giám đốc Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, bà Katherine Muller-Marin đánh giá cao nỗ lực của các Phái đoàn Ngoại giao tại Việt Nam đã đem những biểu đạt văn hóa phong phú của đất nước mình đến đây và tạo nên một bức tranh đa dạng, nhiều màu sắc từ khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, bà cũng ghi nhận những đóng góp to lớn của Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO và Ban thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO (Bộ Ngoại giao Việt Nam) trong công cuộc thúc đẩy quá trình đối thoại và trao đổi quốc tế.
“UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, đặc biệt là thông qua Bản ghi nhớ hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam giai đoạn 2016-2020, dự kiến được kí kết vào ngày 1/12 sắp tới”, bà Katherine Muller-Marin khẳng định.
Hội thảo được đánh giá sẽ góp phần tăng cường quá trình tiếp cận với các nội dung văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa nhằm thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và đa ngôn ngữ thông qua việc đưa ra thực trạng, các thách thức và triển vọng đối với Việt Nam.
Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa đã được Đại hội đồng UNESCO thông qua vào ngày 20/10/2005. Các nhà nước và chính phủ thành viên của OIF đã tham gia vận động quyết liệt để công ước này được thông qua. 10 năm sau, Công ước vẫn đặt ra những vấn đề quan trọng đặc biệt liên quan đến quá trình triển khai cũng như bảo vệ đa dạng văn hóa và đa ngôn ngữ.
Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO là một công cụ pháp lý quốc tế mang tính ràng buộc, được đưa nhằm mục đích : - Khẳng định quyền của các Nhà nước và Chính phủ trong việc hoạch định và thực hiện các chính sách văn hóa; - Thừa nhận tính chất đặc thù của các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ văn hóa với tư cách là một chủ thể với bản sắc, giá trị và ý nghĩa riêng và không nên được coi như các sản phẩm có giá trị thương mại đơn thuần; - Khuyến khích hợp tác quốc tế nhằm bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Công ước bảo vệ lợi ích của các nghệ sĩ, các chuyên gia và nhà hoạt động văn hóa, tổ chức và doanh nghiệp văn hóa, của Nhà nước cũng như của tư nhân và của các công dân trên toàn cầu nói chung, thông qua việc đảm bảo khả năng sáng tạo, sản xuất, phổ biến và tiếp cận với các hàng hóa, dịch vụ và hoạt động văn hóa. |
Trang Trần
Ảnh: Minh Châu