Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều ngày 29/5. |
Dự kiến, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024;
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp;
Sau đó Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
* Về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, ngày 27/3 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo luật này với 102 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường.
Trong kỳ họp, Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp để rà soát, tiếp thu và chỉnh lý; đồng thời khảo sát và làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Với 7 chương và 73 điều, nội dung của dự án Luật đã thể hiện khá rõ 5 nhóm chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua trong quá trình đề xuất điều chỉnh bổ sung đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Cụ thể: (i) phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; (ii) hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; (iii) thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; (iv) huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; (v) bảo đảm hiệu quả hoạt động động viên công nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình, thống nhất cao với nhiều nội dung được bổ sung, chỉnh lý nhằm mở rộng phạm vi, đối tượng, lĩnh vực động viên công nghiệp. Trong đó, mở rộng huy động các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm động viên công nghiệp, sản xuất vật tư phục vụ quốc phòng, an ninh; mở rộng đối tượng sử dụng sản phẩm, mở rộng chuẩn bị động viên công nghiệp từ thời bình.
Hiện, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Phó Trưởng ban Thường trực để giúp Chính phủ triển khai chương trình, đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh.
Do đó, có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu, bổ sung điều khoản cụ thể, làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo quốc gia và thành phần tham gia, cơ quan đầu mối giúp việc Ban Chỉ đạo, làm cơ sở để Chính phủ quy định cụ thể, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
* Ngày 29/5, Quốc hội dành cả ngày làm việc ở hội trường thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2023 sau đánh giá bổ sung có nhiều thay đổi tích cực hơn so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, nhất là tốc độ tăng GDP, kiểm soát lạm phát, thu ngân sách nhà nước, xuất nhập khẩu, thu hút và giải ngân vốn FDI.
Tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực, được các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao.
Về việc triển giải pháp hỗ trợ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Triển khai giải pháp này, tổng quy mô hỗ trợ trong giai đoạn 2020-2023 khoảng 700.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT, nếu được thông qua thì quy mô giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng,…
Trường hợp thực hiện đầy đủ các chính sách về miễn, giảm thuế, trong năm 2024 tổng quy mô của các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền sử dụng đất khoảng 190.000 tỷ đồng, trong đó gia hạn là 92.000 tỷ đồng, miễn giảm là 98.000 tỷ đồng.
Về việc triển khai gói 40 tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận tín dụng. Phó Thủ tướng nêu rõ, gói này thực hiện không thành công. Chính phủ đã báo cáo đầy đủ trong báo cáo gửi Quốc hội.
Phó Thủ tướng cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện, nhận thấy hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% không cao, năm 2023 Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép sử dụng để thực hiện miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… nhờ đó tổng quy mô hỗ trợ đạt được gần 200.000 tỷ đồng.
Điều này khẳng định Chính phủ đã rất linh hoạt, quyết liệt, sử dụng hiệu quả nguồn lực Quốc hội cho phép để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội có gói 46.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD) dành cho công tác phòng chống dịch Covid-19 (trong đó nguồn để mua vaccine, thuốc và trang thiết bị y tế). Tuy nhiên với việc triển khai rất hiệu quả cuộc vận động vaccine, "chúng ta đã không tiêu số tiền này", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tiếp tục triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp về mở rộng thương mại, tăng cường xuất khẩu, đàm phán, ký kết các hiệp định FTA mới; triển khai các cuộc vận động để kích cầu thị trường trong nước,… gắn với việc triển khai hiệu quả các giải pháp về thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,…