TIN LIÊN QUAN | |
Hội Cựu giáo chức Việt Nam tham gia tích cực hơn vào đổi mới giáo dục. | |
Hàng Việt Nam sớm "tung chiêu" chiếm thị trường năm học mới |
Thưa GS, dư luận xôn xao, người bi quan, người phấn khỏi khi có hàng nghìn điểm 10 tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Ông suy nghĩ như thế nào về kết quả này?
Con số hơn 4.000 điểm 10, cao gấp 10 lần năm 2015, gấp 60 lần năm 2016. Thực tế, chất lượng giáo dục trong một, hai năm không thể có sự phát triển đột phá đến vậy. Một điều nữa, riêng số điểm 10 ở môn Hóa năm nay cao gấp 20 lần so với môn Lý, bảy lần so với môn Toán. Trong khi đó, tại các kỳ thi quốc tế, học sinh Việt Nam luôn đạt điểm Toán cao hơn những môn khác. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ.
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng. |
Bên cạnh điểm 10, kỳ thi vừa qua có số lượng lớn điểm dưới trung bình, trong đó môn Sử (61,9%), môn Anh văn (68,4%). Kết quả ấy cũng phản ánh trình độ dạy và học của ta có vấn đề.
Nhiều điểm 10 có phải là tín hiệu đáng mừng?
Theo dõi những kỳ thi gần đây, tôi thấy có hai cú sốc. Tại kỳ thi năm 2006-2007, có tới 12 địa phương có tỉ lệ thi đỗ THPT dưới 50. Năm nay là cú sốc số bài điểm 10. Kết quả này một mặt phản ánh tín hiệu đáng mừng vì có nhiều em giỏi. Nhưng đáng lo ở chỗ, cách ra đề thi năm nay không giống những năm trước, đặc biệt khâu coi thi và chấm thi phần lớn do địa phương chủ trì.
Đổi mới giáo dục là cả quá trình lâu dài. Trong khi đó, chúng ta còn đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề còn tồn tại như: chương trình chưa ổn định, quá tải, nội dung sách giáo khoa có những điểm không khoa học.
Tôi cho rằng nên trao quyền chủ động tuyển sinh cho các trường. Muốn đạt chất lượng cao ở đại học, đầu vào phải do trường chịu trách nhiệm.
Theo ông, đâu là lối thoát cho kỳ thi THPT quốc gia?
Giáo dục còn nhiều vấn đề cần đổi mới. Theo tôi, bằng ấy số điểm 10 chưa thể hiện đúng lắm chất lượng giáo dục. Phấn khởi nhưng chúng ta đừng quá lạc quan về số lượng điểm 10 đó.
Tôi nghĩ, ngành giáo dục cần phải làm thế nào để thực sự đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nội dung giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên.
Quan điểm của tôi là chất lượng giáo dục không được chênh lệch nhiều so với nước ngoài. Thứ nhất, trẻ em của ta không thua kém thông minh so với trẻ em nước ngoài. Thứ hai, số năm học của ta bằng số năm học ở nước ngoài nên không có lý do gì không đạt được tiêu chuẩn kiến thức của học sinh nước ngoài. Tất nhiên, không phải kiến thức hàn lâm mà phải gắn với thực tiễn của đất nước. Cùng với đó, chúng ta không chỉ dạy chữ mà rất cần dạy người.
Chúng ta đang ở thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0. Kiến thức rất nhiều trên mạng nhưng kỹ năng để hiểu mới là quan trọng. Chúng ta phải làm sao dạy cho học sinh kiến thức cơ bản và gắn với cuộc sống, đồng thời thích ứng với kỷ nguyên số.
Chất lượng giáo dục phổ thông muốn cao cần có hai điều kiện. Một là phải có lưu ban. Hai là phải có nhiều kỳ kiểm tra thường xuyên trong từng năm học.
Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, nếu lấy điểm đó làm đầu vào mọi trường đại học, sẽ không thể nâng cao chất lượng đại học. Thực tế hiện nay, nước ta hơi “lạm phát” đại học. Bằng chứng là hơn 200.000 em đang bị thất nghiệp. Đây là một sự lãng phí lớn của xã hội. Trong khi đó, chúng ta đang cần nhiều thanh niên lựa chọn theo hướng lao động trực tiếp, học nghề.
Thưa GS, mục đích cuối cùng của giáo dục phổ thông là gì?
Là đào tạo ra những con người có ích cho xã hội, con người có đủ năng lực để bước vào cuộc sống. Đồng thời, họ có thể tiếp nhận được trình độ giáo dục cao hơn theo con đường học tiếp hoặc tự học. Quan trọng là dạy cho các em đủ kiến thức cơ bản và trở thành người tử tế. Tuy nhiên, tôi thấy đáng buồn là điểm Anh văn quá thấp (68,4% dưới trung bình). Ngoại ngữ là tiêu chí đầu tiên để hội nhập.
Nội dung các môn học cũng phải thay đổi. Ví dụ môn Văn. Chúng ta đừng biến các em thành những nhà nghiên cứu văn học. Những tác phẩm có giá trị nhưng câu văn chưa hay thì dạy làm gì? Truyện Kiều là một tác phẩm vĩ đại nhưng chỉ học một trích đoạn ngắn. Có mấy em đọc hết truyện Kiều? Ở bậc phổ thông, theo tôi, phải gieo vào đầu các em hai thứ: yêu văn chương và phải viết đúng tiếng Việt.
Học chữ đồng thời học người, dạy chữ kết hợp dạy người. Cùng với đó, không thể tách rời Cách mạng Công nghiệp 4.0 - cuộc cách mạng thay đổi toàn diện thế giới này.
Chúng ta có thể học được gì từ các nước trên thế giới trong khâu thi cử, thưa GS?
Tôi nghĩ, phải rút kinh nghiệm về chuyện ra đề để đánh giá đúng học sinh, phải làm khảo sát với số lượng lớn hơn. Ta nên học cách thi ở Mỹ, nghĩa là thi tất cả các môn và thành nhiều đợt. Các em có thể xin thi lại nếu chưa ưng ý (tất nhiên phải nộp kinh phí).
Ngay ở Mỹ, cũng có những trường, sinh viên tốt nghiệp xin việc rất khó. Nhiều người sẽ làm việc khác chứ không đúng chuyên ngành được đào tạo. Chúng ta đừng nghĩ chỉ Việt Nam mới có hơn 200.000 em không có việc làm. Vì thế, nếu học không khá, các em hãy vào trường nghề. Còn ở Đức, vào đại học dễ nhưng nhiều bạn thích học nghề vì có sự liên thông. Một công nhân có thể trở thành kỹ sư, cũng có thể trở thành công trình sư nếu làm giỏi.
Theo tôi, điều cần suy nghĩ là chúng ta đang ở giai đoạn nào? Giai đoạn phát triển kinh tế, rất cần những công nhân lành nghề, đừng đặt chuyện phải vào đại học một cách quá nặng nề.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Trường học, trường đời chưa cùng một thước đo Cha mẹ nào chẳng mong con cái xếp thứ hạng cao, đứng tốp đầu về thành tích học tập. Nhưng thực tại cho thấy người ... |
Tự học tại nhà: Nguy cơ khôn lường Tại Việt Nam, mô hình Homeschooling – Tự học tại nhà đã xuất hiện vài năm trở lại đây, và đang gặp những khó khăn ... |
Hà Nội: Không còn cảnh “ăn chực, nằm chờ” tuyển sinh đầu cấp Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội tại buổi giao ban báo ... |