TIN LIÊN QUAN | |
Cơ hội nào cho các bạn trẻ trong cuộc cách mạng số? | |
Chàng trai 9x chia sẻ bí quyết tự học IELTS hiệu quả |
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng. |
Báo TG&VN đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng - ảnh trên) để hiểu thêm về mô hình này.
Vài năm gần đây, thay vì cho con đến trường, một số người chọn giải pháp để con tự học ở nhà. TS. có cho rằng đây là phương pháp hay?
Phương pháp tự học mà không đến trường đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu nhưng họ có quy chế rõ ràng, chặt chẽ. Đồng thời, phụ huynh phải có phương án sử dụng thời gian hợp lý để giúp đỡ con cái chứ không phải đóng cửa, dạy con trong bốn bức tường.
Ở Việt Nam, đến nay, chúng ta chưa có quy định nào về việc này cho học sinh khối phổ thông nhưng một số người vẫn áp dụng theo chương trình của nước ngoài.
Trước đây, việc dạy và học chỉ diễn ra ở nhà trường nhưng hiện nay các hình thức dạy-học được mở ra nhiều hơn. Nếu nghiên cứu thấy phù hợp, tôi nghĩ, vẫn nên mở rộng mô hình này.
Nguyên nhân nào khiến cho các bậc phụ huynh lựa chọn phương pháp tự học ở nhà?
Nhiều bậc phụ huynh thực sự chưa tin vào chất lượng giáo dục của nhà trường. Một số người cho rằng chương trình học ở nhà trường cồng kềnh, lãng phí, mất thời gian, không hợp lý, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của con em họ. Tóm lại, rào cản đầu tiên chính là niềm tin vào chất lượng giáo dục. Thứ hai, có thể một số gia đình có hoàn cảnh riêng như bố mẹ phải di chuyển công tác, con cái không theo học được một chỗ, buộc phải chọn phương án chủ động thực hiện,...
Áp dụng việc tự dạy-học ở nhà không đúng sẽ rất nguy hại cho tương lai của trẻ. |
Có quan niệm học tại nhà sẽ giúp học sinh chủ động về thời gian, thậm chí học vượt lớp nếu có khả năng. Trẻ cũng có thể giảm bớt áp lực học hành, được chơi nhiều hơn. Ông nhìn nhận ra sao về điều này?
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là căn cứ vào khả năng, sở trường của trẻ, tối đa hóa thời gian tự học, giúp các em hoàn toàn chủ động. Tuy nhiên, phương pháp này phải được thực hiện theo đúng quy trình, kết hợp với các hoạt động khác chứ không chỉ đơn thuần ngồi đọc sách. Việc này đã góp phần dẫn tới xu hướng một số trung tâm dạy kỹ năng mềm ra đời để đáp ứng nhu cầu trên.
Về nhược điểm, người muốn áp dụng hiệu quả phương pháp này buộc phải đáp ứng đầy đủ, theo sát các yêu cầu chương trình giáo dục của các nước chứ không thể tự ý “đi tắt đón đầu”.
Vậy phương pháp này có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?
Nếu chúng ta thực hiện đúng yêu cầu của chương trình sẽ không ảnh hưởng gì đến chất lượng giáo dục. Phụ huynh phải thực hiện đúng quy chế, khảo sát đánh giá, hướng dẫn, tránh tình trạng “thả nổi”, thích làm gì thì làm.
Những trẻ học theo chương trình của trường nước ngoài ngay ở nhà thì phải có phụ trách trường đó hướng dẫn tỉ mỉ; có những bài kiểm tra nghiêm túc. Đồng thời, phụ huynh phải chứng minh được rằng con được học, đào tạo bài bản chứ không phải đến ngày nhận giấy chứng nhận, chứng chỉ là xong.
Phương pháp này có làm mất đi quyền lợi học tập cùng cộng đồng của các em, làm giảm khả năng hội nhập của trẻ?
Không phải! Tôi nghĩ, phương pháp tự học ở nhà chỉ hạn chế một phần việc hòa nhập chứ không tước đi quyền cộng đồng. Bởi muốn đảm bảo chương trình tự học, phụ huynh cũng phải giúp con thực hiện được những yêu cầu về hoạt động theo quy định. Tuy nhiên, phải nói rằng đây thực sự là một thách thức.
Mô hình này đã được triển khai ở nhiều nước như Mỹ, Canada. Hàng tuần, những gia đình áp dụng phương pháp này phải tập trung lại, cùng chia sẻ kinh nghiệm, để trẻ được tham gia vào các hoạt động đầy đủ chứ không phải nhà nào biết nhà nấy. Tôi được biết cả ba năm THPT ở Canada, học sinh được yêu cầu phải có ít nhất 80 giờ để làm thiện nguyện và tham gia các hoạt động xã hội.
Áp dụng kiểu học này ở Việt Nam thường gặp những thách thức gì, thưa ông?
Thứ nhất, Việt Nam chưa có quy chế, định chế của Nhà nước về việc này nên chưa thể áp dụng được.
Thứ hai, các ông bố, bà mẹ vừa phải có trình độ, vừa phải có thời gian, đầu tư công sức dạy con. Mỗi gia đình phải tự đảm nhận đủ điều kiện để trẻ có thể tự học ở nhà, theo chương trình rõ ràng, khoa học.
Thứ ba, đây là hình thức học không phổ biến được. Ngay ở Mỹ cũng chỉ có vài phần trăm trẻ áp dụng hình thức học này vì rất tốn kém. Trong những trường hợp trẻ có sức khỏe yếu, không đi lại được mới phải chấp nhận cách học ấy.
Trong tương lai, nếu Việt Nam muốn áp dụng mô hình này thành công cần có những quy chế cũng như điều kiện cụ thể với các bậc cha mẹ về nội dung thực hiện, cách đánh giá, kiểm tra và phải có sự kết nối giữa gia đình, nhà trường và trẻ cũng như với trẻ em khác. Không phải phụ huynh nào cũng được phép để con ở nhà tự dạy dỗ, bởi làm không đúng sẽ rất nguy hại cho tương lai của trẻ.
Xin cảm ơn ông!
Hàng chục Sở GD-ĐT đã chấm xong bài thi THPT Quốc gia năm 2017 Năm nay, các Sở GD-ĐT được chủ động công bố điểm thi THPT Quốc gia năm 2017. Kết quả bài thi có thể được công ... |
Hà Nội: Không còn cảnh “ăn chực, nằm chờ” tuyển sinh đầu cấp Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội tại buổi giao ban báo ... |
Phê duyệt chương trình Giáo dục nghề nghiệp Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng ... |