Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã tiên phong trong các nỗ lực quốc tế nhằm hối thúc các nước phối hợp để làm hài hòa các quy định trong lĩnh vực trên. Hiệp định này sẽ khiến các công ty đa quốc gia khó có thể lợi dụng các lỗ hổng pháp lý để chuyển lợi nhuận đến các "thiên đường" thuế bằng các thủ thuật kế toán tinh vi.
Pascal Saint-Amans, Giám đốc Trung tâm Quản trị và Chính sách thuế của OECD phát biểu tại Paris, Pháp, ngày 7/6. (Nguồn: AFP) |
Sáng kiến trên được thông qua trong bối cảnh dư luận ngày càng phẫn nộ khi một số tập đoàn đa quốc gia hầu như không trả một đồng thuế nào, trong khi người dân ở nhiều nước phải vật lộn với mức thuế tăng và chi tiêu hạn chế sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Một trong những mục đích chính của hiệp định trên là nhằm chấm dứt tình trạng các công ty đa quốc gia lợi dụng các hiệp ước thuế song phương giữa hai quốc gia để trốn thuế. Pascal Saint-Amans, Giám đốc Trung tâm Quản trị và Chính sách thuế của OECD, dẫn một nghiên cứu của Chính phủ Hà Lan ước tính rằng có từ 8.000 - 12.000 luật sư thuế chỉ hành nghề trong lĩnh vực liên quan đến các hiệp ước thuế song phương.
Để ngăn chặn hành vi nói trên, hiệp định thuế vừa được ký kết sẽ tự động thay đổi các điều khoản trong các hiệp ước thuế song phương giữa các bên ký kết, thay vì yêu cầu từng nước điều chỉnh mỗi một hiệp ước thuế của mình với các nước đối tác - một công việc phải mất nhiều năm mới hoàn thành. Vì vậy, giải pháp này, theo ông Saint-Amans là chưa từng có tiền lệ, có ưu điểm là nhanh và đơn giản.
Một trong những nước đứng ngoài hiệp định nói trên là Mỹ. Tuy nhiên, ông Saint-Amans nhận định, sự vắng mặt của Mỹ không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Quan chức này dự đoán nhiều nước khác sẽ ký hiệp định trên trước cuối năm nay, từ đó nâng số nước tham gia hiệp định lên 90.