📞

Họp Ngoại trưởng G20: ‘Phép thử’ ngoại giao đa phương của Nga

TS. Hoàng Anh Tuấn 19:00 | 07/07/2022
Không chỉ là bước chạy đà quan trọng cho Thượng đỉnh G20, Hội nghị Ngoại trưởng G20 còn có thể đóng góp tích cực giải quyết xung đột Nga-Ukraine.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng các nước G20 ngày 17-18/2 tại Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)

Từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra ngày 24/2, Mỹ và phương Tây đã liên tục xiết chặt “gọng kìm” đối ngoại, khiến uy tín và ảnh hưởng quốc tế của Nga bị giảm sút nghiêm trọng.

Cách đây hơn bốn tháng, hôm 1/3, các nhà ngoại giao hàng chục nước phương Tây và đồng minh “đua nhau” rời phòng họp, tỏ thái độ với Nga khi Ngoại trưởng Sergey Lavrov phát biểu tại Hội đồng nhân quyền và Hội nghị về giải trừ quân bị tại Geneva.

Tương tự, tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính các nước G20 vào tháng Tư tại Washington D.C, các Bộ trưởng Tài chính của Mỹ, Anh và Canada đã có hành động tương tự khi người đồng cấp Nga phát biểu.

Liệu thái độ của phương Tây tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 tại Bali (Indonesia) từ 7-8/7 có khác?

Thế khó của chủ nhà

Trong các tổ chức, diễn đàn kinh tế quốc tế hiện nay, G20 được xem là Nhóm hợp tác kinh tế và quản trị toàn cầu lớn và quan trọng nhất với GDP thành viên chiếm trên 80% tổng GDP toàn cầu. Các động thái, quyết định của G20 được các nhà hoạch định chính sách và giới tài chính toàn cầu theo dõi sát sao.

Là nước chủ nhà của Hội nghị G20 năm nay, Indonesia đã chọn chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn” với ba ưu tiên chính là: cấu trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng bền vững. Dễ thấy là chủ đề cũng như các ưu tiên của hội nghị năm nay không chỉ đáp ứng lợi ích và kỳ vọng của các thành viên, mà của toàn thế giới.

Theo Jakarta, cả ba ưu tiên này gắn kết chặt chẽ với nhau: sự phục hồi và phát triển của kinh tế thế giới thời gian tới sẽ gắn bó ngày càng chặt chẽ với tiến trình chuyển đổi số. Trong lĩnh vực năng lượng, việc thúc đẩy nghiên cứu, sử dụng năng lượng tái tạo là xu hướng không thể đảo ngược để đối phó với hiện tượng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nguồn năng lượng carbon dần cạn kiệt.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ hết sức khó khăn, phức tạp cả về mặt công nghệ, lẫn việc huy động nguồn vốn đầu tư khổng lồ và đòi hỏi sự hợp tác của các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong G20.

Song, hai ưu tiên quan trọng trên chỉ có thể được thực hiện nếu G20 và thế giới chung tay xây dựng một cấu trúc y tế toàn cầu mới, đủ sức đẩy lùi các đại dịch toàn cầu như Covid-19 đã để lại hệ quả nghiêm trọng toàn cầu hơn hai năm qua.

Điều trớ trêu là sự quan tâm và các ưu tiên hợp tác quan trọng trong G20 năm nay của chủ nhà có thể bị chệch hướng bởi xung đột Nga-Ukraine, hiện đang diễn ra khốc liệt cùng hệ lụy mang tính toàn cầu, đặc biệt với vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do đó, nhiệm vụ then chốt của Indonesia tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 tuần này tại Bali, cuộc họp quan trọng cuối cùng chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao của nhóm tháng 11 tới, là lôi kéo sự can dự của mọi thành viên, đặc biệt là Nga và phương Tây, để gác lại bất đồng và chung tay giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Cơ hội tìm kiếm giải pháp

Sau ngày 24/2, Mỹ và phương Tây đã tìm cách loại bỏ, giảm thiểu sự tham gia của Nga trong G20 và các thiết chế kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế.

Do đó, Mỹ và một số thành viên phương Tây trong G20 đã gây sức ép để Indonesia loại và không mời Tổng thống Nga Putin tham dự Cuộc họp cấp cao G20 tổ chức tại Bali từ 15-16/11 tới. Tuy nhiên, điều này đã vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác, bởi họ cho rằng G20 là một tổ chức kinh tế và Nga quá quan trọng với các vấn đề năng lượng, lương thực cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, nước này không thể bị loại khỏi G20.

Hơn nữa, Indonesia là nước có quan hệ khá tốt với Nga. Ở trong nước, các thăm dò dư luận gần đây cho thấy có tới 76,6% tức hơn 3/4 người dân Indonesia ủng hộ việc Nga tham dự G20. Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã đi nước cờ cân bằng khi mời cả Tổng thống Nga Putin lẫn Tổng thống Ukraine Zelensky tham dự cuộc họp thượng đỉnh G20, đồng thời tích cực đóng vai trò trung gian, hòa giải cuộc xung đột giữa hai nước. Dù thái độ của các bên liên quan còn khá căng, nhưng chúng ta thấy có ba tín hiệu tích cực:

Một là, tất cả Ngoại trưởng G20 đều đã cam kết dự Hội nghị Bali, và không còn động thái tẩy chay Nga như trước. Phương Tây cho rằng nếu “cố chấp” tẩy chay có thể sẽ “trao chiến thắng” cho Nga trên mặt trận truyền thông.

Hai là, tại Hội nghị Ngoại trưởng G20, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ lần đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với một số đối tác quan trọng và có dịp trình bày quan điểm về cuộc xung đột tại G20, cũng như cách thức xử lý khủng hoảng toàn cầu.

Ba là, động thái của Indonesia sẽ mở ra khả năng ông Putin tham dự cấp cao G20, cũng như góp mặt tại một hội nghị quốc tế đầu tiên có sự tham dự của người đồng cấp Ukraine Zelensky và các nhà lãnh đạo phương Tây kể từ sau ngày 24/2.

Điều này cũng mở ra hy vọng mới, tuy còn ít ỏi, về một giải pháp thông qua thương lượng để chấm dứt xung đột hao người, tốn của giữa Nga và Ukraine.