Diễn đàn hợp tác thương mại Việt Nam-Campuchia, ngày 6/12/2019 tại Phnom Penh. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Các chuyến thăm cấp Nhà nước của lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian qua, đặc biệt là chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 21-22/12/2021 đã tạo động lực quan trọng để hai bên trao đổi các định hướng, biện pháp lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới.
Đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu
Theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), Việt Nam là một trong những đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của Campuchia. Giai đoạn 2016-2020, thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia đạt mức tăng trưởng trung bình 17%/năm, từ 2,92 tỷ USD năm 2015 lên 5,32 tỷ USD năm 2020.
Năm 2021, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, kim ngạch thương mại song phương ước đạt gần 10 tỷ USD, tăng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu sang Campuchia, bao gồm: sắt thép các loại; sản phẩm hóa chất; sản phẩm nhựa; máy móc, thiết bị điện; thực phẩm chế biến, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc. Các mặt hàng nhập khẩu: cao su, hạt điều, nông sản.
Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Số liệu thống kê cho thấy 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt 8,632 tỷ USD, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số đó, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia đạt 4,35 tỷ USD, tăng 17% và hàng Campuchia xuất sang Việt Nam đạt 4,282 tỷ USD, tăng 337% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng lưu ý, 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang Campuchia 68 triệu USD. Năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước đạt 9,54 tỷ USD. Cũng trong thời gian này, có 24/29 nhóm mặt hàng đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái gồm mặt hàng rau, củ, quả; thức ăn gia súc và nguyên liệu; xăng dầu; phân bón... Về hàng hóa Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam, có 9/11 nhóm hàng có mức tăng trưởng dương như hàng rau, củ, quả, hạt điều, cao su, hàng hóa khác…
Về đầu tư, trong năm 2021 có thêm bốn dự án mới của Việt Nam đầu tư sang Campuchia với vốn đăng ký 88,936 triệu USD, đưa tổng số dự án đầu tư của Việt Nam còn hiệu lực tại Campuchia lên 188 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 2,88 tỷ USD, qua đó duy trì vị trí là một trong năm quốc gia, lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Campuchia.
Đầu tư của Việt Nam vào Campuchia chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp (chiếm gần 70% tổng vốn đăng ký); tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông. Các dự án còn lại nằm trong các lĩnh vực hàng không, khoáng sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, y tế, xây dựng, du lịch - khách sạn, bất động sản và các dịch vụ khác.
Việt Nam là một trong những quốc gia nhập khẩu nhiều hạt điều nhất từ Campuchia. (Nguồn: VnEconomy) |
Hiện thực hóa tiềm năng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, mặc dù quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Campuchia đã có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm qua nhưng tiềm năng, dư địa phát triển còn rất lớn. Việt Nam và Campuchia đều là những nước phát triển năng động trong khu vực, đặt ra nhiều cơ hội cho việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế.
Ngoài ra, Việt Nam và Campuchia có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, nhu cầu thị trường, thói quen tiêu dùng. Đây là những yếu tố hết sức thuận lợi để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam được đón nhận tại thị trường này.
Không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường của nhau lớn hơn, những thỏa thuận, hiệp định song phương và trong khu vực sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư của hai nước tận dụng để mở rộng các hoạt động đầu tư kinh doanh phát triển sản phẩm, phát triển các chuỗi giá trị khu vực để xuất khẩu sang các nước ASEAN, các thị trường khác trên thế giới có hiệp định thương mại tự do (FTA).
“Doanh nghiệp Việt Nam đã có sự hiện diện khá lâu và đông đảo tại Campuchia. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để đưa sản phẩm hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu, rộng tại thị trường Campuchia. Việt Nam và Campuchia cũng còn nhiều tiềm năng để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực cụ thể như sản xuất hàng tiêu dùng, năng lượng, điện lực, khai thác khoáng sản, chế biến và nuôi trồng nông, lâm thủy, sản...”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề xuất.
Để tiếp tục phát huy những tiềm năng phát triển kinh tế, thương mại trong hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần đẩy mạnh các giải pháp: tiếp tục duy trì và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn nữa; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước; tăng cường triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại như đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư và xuất nhập khẩu, ưu đãi thuế quan...
Hai nước cũng cần phát huy hơn nữa cơ chế hợp tác song phương thông qua Ủy ban liên Chính phủ, các nhóm công tác, làm việc giữa các cơ quan Chính phủ để rà soát, đánh giá và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của Việt Nam - Campuchia thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội thảo kết nối giao thương và các đoàn doanh nghiệp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý, thời gian tới doanh nghiệp cần hết sức lưu tâm đến việc xây dựng hệ thống phân phối tại Campuchia để ngoài mở rộng thị trường còn ứng phó với những biến động tại thị trường được kịp thời. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của cộng đồng Việt kiều, doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, coi đây là những kênh quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Campuchia.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sang Campuchia từ 21-22/12/2021, Việt Nam và Campuchia đã nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc duy trì, cải tiến mô hình thông quan phòng dịch tại cửa khẩu; theo dõi sát tình hình thương mại biên giới, đặc biệt là việc lưu thông hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để xử lý, đảm bảo luồng lưu thông hàng hóa được ổn định, thông suốt. Hai bên tạo thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác, kết nối để phát triển các chuỗi cung ứng, khai thác các cơ hội từ các hiệp định hợp tác kinh tế, hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, nỗ lực và phối hợp trong việc ngăn chặn hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Hai bên cũng trao đổi kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia về kết nối và phát triển hạ tầng thương mại biên giới và chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao liên quan đến hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới. |
| Thủ tướng Campuchia Hun Sen: Giúp đỡ nhau từ lúc khó khăn, khi đó đã biết ai là bạn tốt Trước khi sang Việt Nam để thực hiện hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ... |
| Gỡ 'vướng' cho thương mại biên giới, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Campuchia Ngày 22/6, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Campuchia tổ chức Phiên tư vấn ... |