Trong ngày 1/10, mùa Nobel 2018 sẽ được bắt đầu với việc công bố chủ nhân của giải Nobel Y sinh. Tiếp đó lần lượt là Nobel Vật lý (2/10), Hóa học (3/10), Hòa bình (5/10) và Kinh tế (8/10), trong khi chủ nhân giải Nobel Văn học 2018 dự kiến sẽ được hoãn công bố cho tới mùa Nobel 2019.
Mùa giải thưởng năm nay chắc chắn sẽ được nhắc đến nhiều và có thể sẽ còn tiếp tục gây ra nhiều xáo trộn cho công tác tổ chức giải ở những năm sau. Năm nay, lần đầu tiên trong 70 năm qua, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển quyết định không tiến hành trao giải Nobel Văn học, do những bê bối lạm dụng tình dục liên quan đến một nhiếp ảnh gia có mối liên hệ với viện này.
Hứa hẹn sẽ có nhiều bất ngờ trong mùa Nobel năm nay. (Nguồn: Wikipedia) |
Theo báo New York Times, ông Jean-Claude Arnault - chồng nhà thơ Katarina Frostenson, một thành viên chủ chốt trong Hội đồng Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển - đã bị cáo buộc tấn công tình dục nhiều phụ nữ trong các toà nhà sang trọng thuộc sở hữu của Viện Hàn lâm tại Stockholm (Thụy Điển) và Paris (Pháp) suốt 20 năm qua. Ngoài ra, ông còn làm rò rỉ các thông tin trao giải của Hội đồng tới 7 lần, kể từ năm 1996.
Vụ bê bối gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển. Bản thân người đứng đầu cơ quan này là bà Sara Danius đã từ chức do bị chỉ trích về cách thức xử lý vụ bê bối - chính bà sau này cũng thừa nhận mình là một trong số những phụ nữ bị ông Jean-Claude Arnault lạm dụng tình dục, trong khi nhiều thành viên trong Hội đồng chấm giải Nobel Văn học cũng "rũ áo ra đi".
Dư luận thậm chí cũng đang đồn đoán rằng Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển có thể bị tước quyền quyết định chủ nhân của giải Nobel Văn học danh giá, trọng trách mà họ đã đảm đương từ năm 1901.
Một hạng mục khác cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận thế giới - đó là giải Nobel Hòa bình. Có tổng cộng 329 ứng cử viên, bao gồm các tổ chức và cá nhân, được xem xét trao giải Nobel Hòa bình trong năm nay, nhưng danh tính của các ứng cử viên được giữ bí mật.
Trong số các nhân vật được dự báo có khả năng được trao giải Nobel Hòa bình có Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đã có những nỗ lực rất lớn và đáng khâm phục nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán liên Triều và Mỹ - Triều với mục tiêu đem lại nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong số các tổ chức được đề cử giải Nobel Hòa bình năm nay có Chương trình Lương thực Thế giới (WFP). Đây là một tổ chức nhân đạo phân phát hàng cứu trợ lương thực trong các tình huống khấn cấp và làm việc với các cộng đồng để cải thiện dinh dưỡng. Tổ chức này đặt mục tiêu cải thiện đời sống của người dân vào năm 2030 bằng cam kết chấm dứt nạn đói, thông qua các biện pháp đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy nông nghiệp bền vững.
Đối với giải Nobel Y sinh, đài phát thanh SR của Thụy Điển dự báo giải thưởng năm nay sẽ được trao cho 2 nhà khoa học nữ về kỹ thuật chỉnh sửa gien mang tên CRISPR- Cas 9. Đây là bước đột phá của kỹ thuật thao tác trên ADN bộ gien. Việc thao tác và biến đổi ADN bộ gien từ lâu đã là niềm khao khát của con người.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng còn quá sớm để trao giải Nobel cho công trình này vì một nghiên cứu mới đây cho thấy kỹ thuật này có thể phá hủy bộ gien ADN nhiều hơn giới khoa học dự đoán.
Về giải Nobel Vật lý, công trình về phát hiện hiệu ứng Hall trong chất bán dẫn hay phát hiện về phương pháp mới tính tuổi đời, kích thước và khoảng cách giữa các giải thiên hà cũng được đánh giá cao.