📞

Hướng tới cộng đồng APEC năng động, hài hòa, phát triển bền vững

13:31 | 13/05/2017
Quản lý môi trường bền vững, kết nối giáo dục và khởi nghiệp cũng như thúc đẩy di chuyển lao động là những mục tiêu APEC hướng tới nhằm xây dựng một cộng đồng APEC năng động, hài hòa, phát triển bền vững.

Ngày 13/5, các cuộc họp liên quan trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM 2) APEC 2017 tiếp tục diễn ra tại Hà Nội.

Quản lý môi trường bền vững

Hội thảo về việc xây dựng phương pháp đo đạc và nhận thức tính bền vững của các thành phố trong khu vực APEC do Hiệp hội Bạn của Chủ tịch (FotC) chủ trì với mục tiêu trợ giúp các thành phố giải quyết vấn đề môi trường do phát triển kinh tế và đô thị hoá gây ra ở các nước khu vực APEC.   

Hội thảo về việc xây dựng phương pháp đo đạc và nhận thức tính bền vững của các thành phố trong khu vực APEC. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu mở đầu phiên họp, ông Hideyuki Umade, Phó Giám đốc, Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật (METI) đã có bài thuyết trình về những thách thức của đô thị hoá. Trong đó, ông nêu ra nhiều nỗ lực của Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, cụ thể như vụ xả chất thải trái phép ở đảo Teshima từ năm 1978 đã gây tổn thất 56 tỉ Yen của Chính phủ Nhật để xử lý khoảng 0,51 triệu m3 chất thải trái phép và nỗ lực quản lý rác thải ở thành phố Yokohama.

Ông Umade cũng nêu ra những cơ hội và thách thức của ngành tái chế nguyên liệu quốc tế. Việc tái chế giúp tận dụng tối đa nguyên liệu, giảm xả thải ra môi trường bằng cách chuyển nhượng tài nguyên từ những nước thiếu công nghệ và hệ thống quản lý tái chế đến những nước có đủ khả năng xử lý; đảm bảo chất lượng rác thải bằng cách thu thập từ nhiều nước và có thể tạo ra cơ hội kinh doanh liên quan đến tái chế/tái sản xuất. Bên cạnh đó, ngành tái chế vẫn còn tồn tại nhiều thách thức như khác biệt trong hệ thống xử lý và tái chế rác thải giữa các quốc gia, hạn chế trong quản lý ô nhiễm môi trường, giảm tiêu thụ năng lượng trong quá trình di chuyển nguồn nguyên liệu.    

Bên cạnh đó, ông Umade METI cũng nhấn mạnh tăng cường hợp tác trong tương lai giữa các nền kinh tế APEC như đẩy mạnh các hoạt động do doanh nghiệp thực hiện trong sử dụng nguồn nguyên liệu hiệu quả, giảm năng lượng cho phương tiện giao thông và thiết lập hệ thống tái chế thích hợp với các nền kinh tế đang phát triển.

Hội thảo cũng hướng tới việc hướng dẫn phát triển các thành phố bền vững trong quản lý rác thải và vòng lưu chuyển tài nguyên với mục đích giúp các thành phố hiểu rõ về tình trạng của mình cũng như giới thiệu giải pháp giải quyết các vấn đề môi trường.

Kết nối giáo dục và khởi nghiệp cho thanh niên, vận động viên

Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực trong sáng nay đã tổ chức Hội thảo về “Kết nối Giáo dục và Khởi nghiệp: Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên” và cuộc Họp Chuẩn bị cho Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn Nhân lực trong kỷ nguyên số.

Tại hội thảo, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, APEC được thành lập nhằm mục tiêu xây dựng cộng đồng APEC năng động, hài hòa, phát triển bền vững. Hiện nay, APEC đã tập trung vào chính sách kết nối giáo dục và khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ và các vận động viên, đặc biệt là cho các nữ vận động viên, những người cần nhiều quan tâm từ cộng đồng.

Hội thảo về “Kết nối Giáo dục và Khởi nghiệp: Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên”. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bà Lê Thị Hoàng Yến đánh giá cao những ý tưởng đến từ các nền kinh tế thành viên APEC trong việc thúc đẩy và hỗ trợ nữ vận động viên đã hết tuổi nghề phát triển đi lên trong cuộc sống. Điều này cũng đóng góp vào sự phát triển chung của các nền kinh tế thành viên APEC.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận các chính sách quan trọng của Chính phủ trong việc tăng cường giáo dục toàn diện đối với các vận động viên, đặc biệt là các nữ vận động viên; chia sẻ những bài học về thanh niên khởi nghiệp trong các nền kinh tế thành viên APEC; thảo luận bàn tròn về những nội dung sẽ được Mạng lưới chính sách thể thao APEC công bố vào các tháng 4, 7, 10/2018.

Di chuyển nguồn nhân lực

Trong ngày hôm nay, Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu của Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (ASCC) đã bước sang ngày làm việc cuối cùng với hai phiên thảo luận chính: “Phát triển khung chương trình di chuyển nguồn lực APEC” và “Nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa -MSMEs”.

Hội nghị mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC). (Ảnh: Tuấn Anh)

Chủ trì phiên thảo luận “Phát triển khung chương trình di chuyển nguồn lực APEC”, TS. Trần Việt Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu APEC Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc di chuyển nguồn nhân lực trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Theo ông, việc xây dựng khung chương trình là một điều cần thiết để đảm bảo các nền kinh tế đều được hưởng lợi.

Mở đầu phiên thảo luận, Tiến sỹ Jabulane Matsebula, Đại diện Bộ Lao động Chính phủ Australia đã nói về “Tiến độ của Phát triển khung chương trình di chuyển nguồn lực APEC”. Trước câu hỏi liệu APEC có thể đối mặt với các thách thức hiện nay không, ông Matsebula nhấn mạnh sự quan trọng của việc hỗ trợ các lao động quốc tế đang có ý định làm việc tại nước khác mà không bị phân biệt bởi trình độ chuyên môn.

Nhóm đại biểu từ trường Đại học De la Salle của Philippines đã thuyết trình về sự bất bình đẳng thu nhập tại Philippines. Qua đó, nhóm đại biểu nhấn mạnh bất bình đẳng thu nhập là một trong thách thức cần phải được giải quyết trong những nền kinh tế lao động. Họ đã nhận thấy rằng, giáo dục, giới tính và khu vực sinh sống là những yếu tố chính tạo nên bất bình đẳng thu nhập. Tuy nhiên, đã có một sự thay đổi rõ rệt khi mức thu nhập giữa nam và nữ đã được thu hẹp trong giai đoạn 2007 – 2014. Yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi này là sự cải thiện trong giáo dục, việc có bằng cấp đại học hoặc sau đại học góp phần giảm sự chênh lệch về thu nhập.

Phiên thảo luận về “Nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp MSMEs”, được chủ trì bởi Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, đã thảo luận về những chủ đề như sau: “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp SMEs trong khu vực APEC: Định hướng mới cho hợp tác công nghệ”; “Vai trò của các doanh nghiệp SMEs trong hội nhập khu vực – Những bài học dành cho ASEAN”; “Vai trò trong nâng cao tính cạnh tranh của MSMEs”; “Nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu của doanh nghiệp MSMEs thông qua chia sẻ và kết nối với nhóm MBA Alumni của khu vực APEC”; “Yếu tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp thực phẩm vừa và nhỏ ở Philippines”.