Hội thảo do Tổng cục Môi trường và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức ngày 20/5 thu hút sự tham gia của đại diện các Bộ ngành, Viện trường nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia, hội viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam...
Quang cảnh buổi Hội thảo. (Ảnh A.B) |
Tại đây, Tiến sĩ Mai Thanh Dung - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên & Môi Trường) nhấn mạnh, đa dạng sinh học (ĐDSH) và các hệ sinh thái tự nhiên là nền tảng cho sự sống và phát triển của con người. Việt Nam đã có những quyết sách quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn ĐDSH bằng việc xây dựng và ban hành các Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Trong đó có thể kể đến Luật ĐDSH (2008), các văn bản hướng dẫn Luật và định hướng cho công tác bảo tồn ĐDSH của Việt Nam như: Chiến lược Quốc gia về ĐDSH đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030.
Phát biểu tại đây, Phó Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam Barkhodir Burkhanov đáng giá cao những tiến bộ của Việt Nam trong bảo vệ và nuôi dưỡng ĐDSH. Là nước tham gia Công ước về ĐDSH (CBD), Việt Nam đã xây dựng nhiều chính sách và hình thành khuôn khổ thể chế toàn diện cho bảo tồn ĐDSH và duy trì các môi trường sinh thái quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục hành động để có thể đi đúng con đường phát triển bền vững về sinh thái.
Ông Barkhodir Burkhanov cho biết, UNDP cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo tồn bền vững ĐDSH, phục vụ sinh kế cho cộng đồng. Cụ thể trong tương lai gần, UNDP sẽ hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát chính sách, thể chế và chi tiêu để giúp Việt Nam xây dựng một kế hoạch hành động toàn diện về tài chính bền vững cho đa dạng sinh học.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những vấn đề của quốc gia liên quan đến việc áp dụng một trong những công cụ sử dụng bền vững ĐDSH là tiếp cận nguồn gene và chia sẻ lợi ích. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu quan tâm đến vai trò của cộng đồng trong quản lý nguồn gene, việc bảo vệ, lưu giữ tri thức truyền thống và các giải pháp để phát triển sinh kế cộng đồng.
Tiến sĩ Phạm Anh Cường - Cục trưởng Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học cho biết, Việt Nam cũng được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới… Nhưng mấy năm qua, diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng tiếp tục tăng. Rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn suy giảm, ô nhiễm môi trường, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại… đã và đang gây ra những tác động không nhỏ tới việc suy giảm tài nguyên ĐDSH.
Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dư (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng có những chính sách cụ thể hơn nữa cho công việc bảo tồn ĐDSH và Bộ Tài nguyên và Môi trường nên phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế thiết lập các dự án bảo tồn tài nguyên rừng, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.