📞

Hy vọng mới cho Palestine

Đại sứ Nguyễn Quang Khai 06:00 | 08/06/2024
Việc bốn nước châu Âu vốn là đồng minh của Israel công nhận Nhà nước Palestine cho thấy sự thay đổi căn bản trong quan điểm về cuộc xung đột Israel-Palestine của nhiều nước EU.
Từ trái qua: Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide và Ngoại trưởng Ireland Micheal Martin tại cuộc họp báo công bố quyết định công nhận Nhà nước Palestine ngày 28/5. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 28/5, Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha chính thức công nhận Nhà nước Palestine. Tiếp theo, ngày 30/5, Slovenia công bố quyết định tương tự, đưa số nước công nhận Nhà nước Palestine lên 147/193 nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ).

Nguyên nhân thúc đẩy

Cuộc xung đột Israel-Hamas tại Dải Gaza gây ra thảm họa nhân đạo chưa từng có đối với người dân Palestine. Theo cơ quan y tế Dải Gaza, đến nay đã có hơn 36 nghìn người Palestine thiệt mạng và hơn 80 nghìn người bị thương, phần lớn là trẻ em, phụ nữ và người già. Dải Gaza đang đứng trước nạn đói, thành phố hầu như bị phá huỷ hoàn toàn. Trong khi đó, Israel vẫn quyết tâm tấn công vào Rafah, nơi hiện có khoảng 1,5 triệu người Palestine đang sống tị nạn, gây ra thảm hoạ mới khủng khiếp hơn cho người Palestine.

Mới đây, Toà án Hình sự quốc tế (ICC) và Toà án công lý quốc tế (ICJ) đã lên án những hành động của Israel tại Dải Gaza. Tòa đồng thời yêu cầu Tel Aviv chấm dứt ngay lập tức tấn công vào Rafah và có các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn nạn diệt chủng ở Dải Gaza. Phong trào phản đối hành động của Israel và ủng hộ Palestine bùng nổ và lan rộng chưa từng có trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu. Đây là phong trào phản chiến lớn nhất kể từ sau chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Trước tình hình như vậy, Na Uy, Ireland, Tây Ban Nha và Slovenia tuyên bố công nhận Nhà nước Palestine, bày tỏ đoàn kết với nhân dân Palestine, gây sức ép với Israel chấm dứt cuộc chiến ở Gaza. Sự ủng hộ của bốn nước EU được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác mới, góp phần thúc đẩy các bên trở lại bàn đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.

Cơ sở pháp lý

Nhìn lại lịch sử, ngày 29/11/1947, sau khi kết thúc quyền uỷ trị của Anh, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết 181 phân chia vùng đất Palestine lịch sử thành hai quốc gia Arab và Do Thái, nơi lúc đó phần lớn cư dân là người Arab Palestine. Đây có thể là cơ sở pháp lý vững chắc nhất cho sự tồn tại của nhà nước Palestine độc lập.

Trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, Israel chiếm toàn bộ lãnh thổ dành cho việc thành lập Nhà nước Palestine gồm Bờ Tây và Dải Gaza. Ngày 22/11/1967, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết 242 và sau đó là nghị quyết 338 năm 1973, yêu cầu Israel rút khỏi tất cả các vùng đất Palestine bị chiếm đóng. Tuy nhiên, Israel đã không thực hiện các nghị quyết này và xây dựng nhiều khu định cư trên các vùng lãnh thổ Palestine.

Ngày 15/11/1988, Nhà nước Palestine tuyên bố thành lập, ngay sau đó đã được hơn 80 nước công nhận. Đến tháng 9/1993, Israel ký Hiệp định hoà bình Oslo với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Năm 1994, theo Hiệp định Oslo, chính quyền Dân tộc Palestine (PNA), thực tế là một chính phủ toàn diện đã được thành lập với thủ đô tạm thời ở Ramallah gồm các bộ, các ngành điều hành các công việc hàng ngày như một quốc gia.

Kể từ tháng 1/2013, các văn bản chính thức của Palestine đã sử dụng tên “Nhà nước Palestine” thay vì “Chính quyền dân tộc Palestine”, và người đứng đầu PNA được gọi là “Tổng thống Nhà nước Palestine”. Ngày 29/11/2012, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết 67/191, trao quy chế “nhà nước quan sát viên” cho Palestine tại LHQ và công nhận Nhà nước Palestine bên trong đường biên giới năm 1967.

Ngày 23/12/2016, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết 2334 coi việc Israel xây dựng các khu định cư trên các vùng đất Palestine bị chiếm đóng là “vi phạm” luật pháp quốc tế và “không có giá trị pháp lý”, đồng thời yêu cầu Israel chấm dứt các hoạt động như vậy. Ngày 10/5 mới đây, tại cuộc họp khẩn cấp đặc biệt bàn về tình hình Dải Gaza và tư cách thành viên của Palestine, Đại hội đồng LHQ thảo luận và bỏ phiếu thông qua nghị quyết với đa số áp đảo, theo đó đoàn đại biểu Palestine được trao thêm một số quyền tương tự các quốc gia thành viên LHQ và công nhận Nhà nước Palestine đủ tư cách trở thành thành viên chính thức của LHQ, đồng thời trình HĐBA xem xét ủng hộ tiến trình này.

Chất xúc tác mới

Na Uy, Ireland, Tây Ban Nha và Slovenia, những nước có vai trò lớn ở châu Âu công nhận Nhà nước Palestine sẽ tác động mạnh đến quan điểm của các nước châu Âu và các nước khác. Bỉ, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Malta, Hy Lạp, Slovakia, Italy, Australia và nhiều nước ủng hộ động thái này và đang xem xét công nhận Nhà nước Palestine. Anh và Pháp, hai nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an cũng đã bỏ phiếu ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ và cho rằng việc công nhận nhà nước Palestine là cần thiết.

Các nước công nhận là sự ủng hộ mạnh mẽ cho địa vị pháp lý của Palestine và nâng cao cơ hội để trở thành thành viên chính thức của LHQ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là quyền tự quyết của các dân tộc được ghi trong Hiến chương của Tổ chức này. Việc nhiều nước công nhận Nhà nước Palestine cũng sẽ củng cố mối quan hệ của Palestine với EU và gây thêm sức ép với Mỹ để mở đường cho tư cách thành viên đầy đủ của Palestine tại LHQ. Việc một số nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine sẽ tạo thêm áp lực buộc Tel Aviv phải xem xét lại chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. Bên cạnh đó, việc Israel chấp nhận kế hoạch ba giai đoạn của Tổng thống Mỹ J. Biden công bố ngày 31/5 mới đây nhằm chấm dứt cuộc xung đột Israel - Hamas là bước đầu tiên hướng tới giải pháp cho vấn đề giao tranh kéo dài hơn tám tháng nay ở Dải Gaza.

Nối lại đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine trên cơ sở giải pháp hai nhà nước và thành lập một nhà nước Palestine độc lập là biện pháp duy nhất để giải quyết cuộc xung đột kéo dài 76 năm nay giữa Palestine và Israel. Hoà bình bền vững và ổn định ở khu vực Trung Đông không thể được vãn hồi khi người Palestine chưa giành lại các quyền dân tộc cơ bản của mình, trong đó quan trọng nhất là quyền thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem.