📞

Iceland - khi xứ băng tuyết cũng trở nên hấp dẫn

15:54 | 04/05/2017
​Chính phủ và người dân Iceland đã khôn khéo trong việc tận dụng những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ để phát triển ngành công nghiệp không khói của mình. 

Với dân số chỉ hơn 330.000 người, nhưng Iceland đã tiếp đón khoảng 1,7 triệu khách du lịch chỉ trong năm 2016 và dự kiến quốc gia này sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với những người yêu du lịch. Sự bùng nổ của ngành công nghiệp không khói đã tạo tiền đề phát triển cho quốc gia Bắc Âu này, nơi từng là một quốc gia nghèo nàn và vắng vẻ.

Dân số của Iceland là 330.000 người, nhưng đã đón 1,7 triệu khách du lịch trong năm 2016. (Nguồn: Getty Images)

Không chỉ có thế, ngành du lịch Iceland tăng trưởng mạnh tới mức cạnh tranh với ngành đánh bắt cá, một trong những nguồn thu lớn nhất của Iceland (chiếm từ 5 - 6% GDP), gấp đôi chỉ số tăng trưởng đạt được ở hầu hết các nước châu Âu.

Để đạt được những thành tựu như vậy, người dân và Chính phủ quốc gia vùng Scandinavia này đã có nhiều chính sách hợp lý để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp không khói.

Trỗi dậy sau khủng hoảng

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trị giá đồng tiền Corona của Iceland giảm đáng kể. Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm một số ngân hàng phá sản và đưa đất nước vào một quá trình bất ổn về chính trị và kinh tế.

Trong chương trình phục hồi kinh tế, Iceland đã có những nỗ lực lớn trong ngành dịch vụ để thu hút khách du lịch. Năm 2010, vụ núi lửa Eyjafjalla phun trào đã dẫn đến việc đình chỉ tạm thời nhiều chuyến bay trên khắp châu Âu.

Đầu tiên, để tăng cường sự hiện diện quốc tế, Iceland đã sẵn sang mời chào các chuyến bay giá rẻ đến từ Mỹ và châu Âu. Với động thái này, số lượng hành khách quá cảnh qua sân bay quốc tế của Iceland năm 2016 đã tăng lên tới 40%, từ 5 triệu đến gần 7 triệu người.

Không chỉ có thế, hãng hàng không Iceland cũng cung cấp chuyến dừng chân miễn phí cho các du khách bay qua Đại Tây Dương.

Tác động của du lịch đối với các điều kiện trong nước là điều hiển nhiên, đặc biệt ở thủ đô Reykjavik.

Bên cạnh đó, trong mỗi bộ phận của thành phố đều có cố gắng cao nhất để đáp ứng yêu cầu của khách du lịch. Chuỗi khách sạn Marriot sẽ mở thêm một khách sạn 5 sao vào năm 2018. Sân bay Keflavik cũng có biển thông báo sẽ mở rộng diện tích 7.000m2. Các địa điểm du lịch nổi tiếng như hồ nước nóng “Hồ xanh dương” cũng được mở rộng thêm.

Hồ Xanh dương là một địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Iceland, được làm nóng bởi một nhà máy địa nhiệt. (Nguồn: Getty Images)

Ngoài ra, các điểm tham quan cho du khách cũng ngày một tăng. Năm 2014, một tour du lịch mới được mở ra, trong đó du khách có thể đi bộ qua đường hầm băng nhân tạo dài nhất thế giới. Ngay trong năm 2015, đường hầm đã có 22.000 du khách tham quan, nhiều hơn 50% so với dự kiến.

Điều đó cũng giải thích tại sao Iceland, giờ đây đã trở thành một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách trên thế giới, với những hồ nước nóng có thể giữ nhiệt tới 38 độ C, ngay cả dưới thời tiết âm hàng chục độ.

Nhận xét về bước đi khôn ngoan của Iceland, David Goodger, nhà phân tích kinh tế thuộc Đại học Oxford nhận xét: “Mọi du khách muốn dừng chân vài ngày để thưởng thức cảnh đẹp và Iceland sẵn sàng phục vụ”.

Còn đó những khó khăn

Tuy nhiên, việc số lượng du khách tăng cũng làm tăng khối lượng thực phẩm và nơi khách cần đến để ăn. Vì vậy, một trong những thách thức lớn nhất của ngành công nghiệp thực phẩm địa phương là phát triển đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu ăn uống của du khách. Mục tiêu này không dễ dàng đạt được ở Iceland, nơi phần lớn các thực phẩm được nhập khẩu.

Bên cạnh đó, sự sụt giảm mạnh giá trị của đồng Corona năm 2008 khiến việc nhập khẩu thực phẩm tươi sống gần như không thực hiện được. Một trong những hậu quả là 3 nhà hàng McDonald đã phải đóng cửa vì giá nhập nguyên liệu quá cao.

Tuy nhiên, may mắn thay, việc giảm nhập khẩu thực phẩm đã khiến người dân địa phương và khách du lịch hướng tới những sản phẩm đặc trưng của hòn đảo như trái cây và rau trồng trong nhà kính sử dụng địa nhiệt.

(theo BBC)