Quan hệ Mỹ - Iran vẫn leo thang căng thẳng. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cảnh báo Iran không được thực hiện bất cứ hành động khiêu khích nào hay tấn công các lợi ích của Mỹ trong khu vực. Đáp lại, Iran cũng tuyên bố sẽ đánh bại Mỹ trong bất cứ cuộc chiến nào cả hiện tại và tương lai.
Kênh truyền thông đối ngoại
Thời gian qua, Mỹ đã triển khai tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln và một đội đặc nhiệm máy bay ném bom đến Vịnh Ba Tư để đối phó với các dấu hiệu đe doạ đáng lo ngại từ phía Iran. Quan hệ Mỹ - Iran vốn đã xấu đi từ năm ngoái khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên “Kế hoạch hành động chung toàn diện”, được ký giữa Iran và các cường quốc trên thế giới vào năm 2015 dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, nhưng căng thẳng thực sự chỉ được thổi bùng lên từ tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Điều khác lạ là, chính mạng xã hội Instagram đã khởi nguồn cho những “cơn gió mang tên xung đột” đó.
Nhớ lại cái “cớ” Mỹ tấn công Iraq năm 2003, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell giơ một chiếc lọ mà ông nói có khả năng mang bệnh than khi trình bày tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về bằng chứng cáo buộc Iraq tiến hành chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt. Lần này, Mỹ không tốn công đến như vậy, Chính quyền Tổng thống Trump “truy tố” Iran trước “tòa dư luận” Instagram trong một tài khoản mạng xã hội của Bộ Ngoại giao Mỹ. Những tháng qua, các hình ảnh trực quan trên Instagram về Iran được Chính phủ Mỹ cung cấp dựa trên một số chủ đề nhất định, giúp Washington tranh thủ dư luận để công kích Tehran.
Trong một bài đăng trên Instagram, thông qua các bức hình sinh động, Bộ Ngoại giao Mỹ đã vạch ra mạng lưới tài chính phạm vi toàn cầu được Iran sử dụng để bán dầu cho Chính phủ Assad ở Syria và tài trợ cho những phần từ khủng bố Hezbollah ở Lebanon. Cũng có rất nhiều bài đăng chỉ trích việc Iran ủng hộ phiến quân Houthi ở Yemen và lực lượng khủng bố ở Palestine. Các bài đăng tải đều hướng tới mô tả Iran là mối đe dọa trực tiếp tới lợi ích của Mỹ ở Trung Đông và tác động tiêu cực tới sự ổn định của khu vực. Do đó, những hành động của Mỹ sẽ được coi như là nỗ lực nhằm thể hiện cam kết đối với an ninh và ổn định toàn cầu. Trong một bài viết gần đây nhất trên Instagram, Chính phủ Mỹ đã đăng một hình ảnh mang thông điệp rất lớn đối với Iran, đó là một chiếc đồng hồ đếm ngược màu đỏ kèm biểu ngữ thể hiện yêu cầu của Mỹ đối với Iran: “Iran phải chấm dứt hỗ trợ quân sự đối với lực lượng Houthi và hướng tới ổn định chính trị tại Yemen”.
Trang Instagram của Chính phủ Mỹ cũng hướng dư luận tới các nhà lãnh đạo Iran. Những bài viết mô tả chân dung của những quan chức Iran tham nhũng và lạm dụng người dân để trục lợi. Như vậy, thay vì phải diễn thuyết dài dòng, những hình ảnh trực quan mà trang Instagram chính thống của Chính phủ Mỹ đăng tải đã phần nào là lời đáp cho câu hỏi tại sao Washington thời gian qua lại tỏ ra rất gay gắt đối với Tehran và có những chính sách “bên miệng hố chiến tranh” đối với quốc gia này.
“Bộc bạch” những dòng Twitter
Không có một mạng xã hội “phản pháo” Mỹ một cách bài bản nhưng các nhà lãnh đạo Iran cũng khá chuộng Twitter nhằm nhắn gửi tới Tổng thống Trump những thông điệp của riêng mình. Tổng thống Hassan Rouhani đã từng dùng Twitter để kêu gọi Mỹ không “chơi với sư tử” và cho thấy “một cuộc chiến tranh với Iran là mẹ của tất cả các cuộc chiến tranh”.
“Ông Trump! Chúng tôi là những người đàn ông trung thực có lịch sử đảm bảo sự an toàn thông suốt các tuyến đường thủy của khu vực này. Đừng chơi với sư tử, nó sẽ mang lại sự hối tiếc”, ông Rouhani nói và đề cập tới eo biển Hormuz - một lối ra hẹp từ Vịnh Ba Tư, nơi các nhà sản xuất dầu trong khu vực, kể cả Arab Saudi sử dụng để lưu thông tàu thuyền chở dầu ra khắp thế giới.
Gần đây, Mỹ đã đưa ra các lệnh cấm vận nhằm vào chính Ngoại trưởng Iran Javad Zarif. “Mỹ trừng phạt tôi vì họ coi tôi là ‘người phát ngôn chính cho Iran trên cộng đồng quốc tế’. Sự thật đau đớn đến thế ư? Lệnh trừng phạt không ảnh hưởng tới tôi hoặc gia đình tôi, vì tôi không có tài sản hoặc lợi ích bên ngoài Iran. Cảm ơn các bạn vì đã coi tôi như một mối đe dọa lớn với chính sách của Washington”, ông Zarif viết một cách hài hước trên Twitter.
Hành động này của Mỹ đã làm dấy lên một làn sóng dư luận trên mạng xã hội Twitter nhằm phản đối quyết định của Mỹ. Dư luận Iran cho rằng Washington đã đóng cánh cửa ngoại giao về thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Đồng thời, cấm vận một ngoại trưởng đồng nghĩa với thất bại trong đối thoại. Dư luận Iran dành sự ủng hộ lớn cho Ngoại trưởng Zarif và coi ông là một nhà ngoại giao bậc nhất của Tehran.
“Kể cả những đối thủ mưu trí cũng cảm nhận được trí tuệ, kỹ năng và năng lực hiếm có của Ngoại trưởng Zarif trong các cuộc đàm phán. Ông luôn biết tạo ra cơ hội và tránh được xung đột cũng như nguy cơ của chiến tranh”, Phó Tổng thống Es’haq Jahangiri đăng trên tài khoản Twitter của mình.
Tuy nhiên, dường như chính quyền Washington vẫn không quá để tâm đến những lập luận này từ phía dư luận Iran. Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nói với Reuters rằng Mỹ không coi ông Zarif là người đóng vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán hạt nhân với Tehran. Thay vào đó, Washington muốn “đối thoại với một người có khả năng đưa ra những quyết định then chốt”.