Biến đổi khí hậu góp phần khiến nhiều người dân các nước trong khu vực Sừng châu Phi phải di cư. (Nguồn: IOM) |
Theo IOM, các trường hợp khẩn cấp về khí hậu như hạn hán, lũ lụt và cháy rừng tăng cao ở Sừng châu Phi là nguyên nhân dẫn đến làn sóng di cư của người dân các nước trong khu vực.
Trong tuyên bố của IOM từ thủ đô Nairobi (Kenya), ước tính hơn 2 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa ở Djibouti, Ethiopia và Somalia trong bối cảnh hạn hán kéo dài.
Ông Justin McDermott, Phó Giám đốc IOM khu vực Đông Phi và Sừng châu Phi khẳng định, việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ giúp ích cho các nỗ lực ổn định hoạt động di cư của con người, thúc đẩy hòa bình và tăng trưởng sinh thái.
Theo đó, một phản ứng xuyên biên giới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng di cư ngày càng tăng và giảm thiểu tình trạng căng thẳng sắc tộc do biến đổi khí hậu gây ra ở khu vực này.
Việc chế ngự khủng hoảng khí hậu ở khu vực Sừng châu Phi là chìa khóa để tạo điều kiện cho việc di cư an toàn, trật tự và nhân đạo, bên cạnh việc đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.
Khu vực Sừng châu Phi, bao gồm Djibouti, Somalia, Sudan, Nam Sudan, Ethiopia, Uganda và Kenya, thường được mô tả là một điểm nóng về khí hậu, với hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất và cháy rừng thường xuyên xảy ra, khiến dân thường phải di dời quy mô lớn.
Thống kê của các cơ quan viện trợ cho thấy hơn 20 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh nghiêm trọng ở Ethiopia, Kenya và Somalia.