Các phần tử IS tại Bangladesh cầm lá cờ của tổ chức khủng bố này. (Nguồn: India.com) |
Sau khi tiến hành một số cuộc tấn công khủng bố nhỏ lẻ tại Bangldesh, chi nhánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại quốc gia Nam Á này được cho là đang âm mưu tiến hành các vụ tấn công quy mô lớn hơn để tăng cường thanh thế và cạnh tranh với các nhóm Hồi giáo cực đoan địa phương.
Trong một đoạn video hôm 13/4 vừa qua, Sheikh Abu Ibrahim al-Hanif – thủ lĩnh IS tại Bangladesh - đã liệt kê hàng loạt các mục tiêu tiềm năng mà nhóm này có ý định tấn công như các nhà truyền giáo đạo Thiên chúa, các nhân vật người Hindu, Shiite và những người nước ngoài. Bên cạnh đó, các mục tiêu được IS nhắm tới còn bao gồm cả lực lượng quân đội và các nhóm sắc tộc khác.
Để củng cố cho những tuyên bố của al-Hanif, chi nhánh IS tại Bangladesh đã nhận trách nhiệm trong vụ giết hại dã man giáo sư người Anh Rezaul Karim Siddique hôm 23/4 vừa qua tại bến xe buýt ở vùng Tây Bắc Bangladesh. Đây được cho là vụ tấn công khủng bố đầu tiên của IS tại Nam Á kể từ khi chi nhánh này được thành lập. Tuy nhiên, nếu tính từ tháng 9/2015, nhóm này đã nhận trách nhiệm 8 vụ tấn công.
Những vụ tấn công của IS ở Bangladesh chủ yếu được thực hiện bằng dao, các vũ khí nhỏ hoặc các thiết bị nổ thô sơ. Chi nhánh IS ở Bangladesh được đánh giá là chưa có khả năng tự chế bom nhưng rất có thể điều này sẽ thay đổi bởi hiện có ít nhất 30 công dân Bangladesh đang tham gia lực lượng IS ở Syria và Iraq. Chỉ cần một vài tay súng này quay trở lại Bangladesh, chúng có thể áp dụng những gì đã được học. Khi đó các vụ tấn công khủng bố của IS tại quốc gia Nam Á này sẽ gây ra những hậu quả khó lường.
Ngoài ra, các cá nhân nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển chủ nghĩa khủng bố tại Bangladesh. Công dân Anh Touhidur Rahman đã bị bắt tại Bangladesh năm 2015 và bị buộc tội tài trợ cho các hoạt động ám sát các blogger thế tục. Trước đó, vào năm 2008, David Headley, công dân Mỹ gốc Pakistan cũng bị tình nghi đã hỗ trợ cho cuộc tấn công khủng bố tại Mumbai (Ấn Độ), khiến gần 170 người bị thiệt mạng.
Al-Hanif từng tiết lộ, IS chọn Bangladesh là nơi hình thành và phát triển chi nhánh vì nhiều lý do. Trước hết, đây là địa điểm thuận lợi để IS có thể phát triển sang phía Đông Ấn Độ và Myanmar. Khu vực Tây Nam bang Rakhine (Myanmar) - nơi có người thiểu số Hồi giáo Rohingya sinh sống - đang xảy ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo và các nhóm thánh chiến cực đoan vẫn chưa khai thác vấn đề này để phát triển lực lượng. Bên cạnh đó, đối với IS, quốc gia đông dân Bangladesh còn là nơi thuận lợi để tuyển mộ nhân lực. Tuy nhiên, sự hiện diện của các nhóm phiến quân địa phương cũng tạo ra những thách thức nhất định cho IS bởi giữa chúng có sự khác nhau về lý tưởng và các mục tiêu tấn công, chưa kể đến việc phải cạnh tranh để tồn tại và phát triển.
Mặc dù sẽ rất khó khăn để IS trở thành nhóm thánh chiến số 1 tại Bangladesh nhưng điều đó không có nghĩa là không thể. Chi nhánh IS tại Bangladesh hoàn toàn có thể lặp lại con đường phát triển mà tổ chức này thực hiện ở Tây Phi, Indonesia và Philippines. Hơn nữa, chi nhánh này cũng có thể hợp tác với các nhóm cực đoan khác để cùng phát triển.
Hiện nay, đối thủ lớn nhất của IS ở Bangladesh là chi nhánh al-Qaeda tại tiểu lục địa Ấn Độ và các chân rết của chúng. IS và al-Qaeda đã cạnh tranh nhau tại Iraq và Syria để giành vị trí lãnh đạo thế giới Hồi giáo cực đoan và dường như IS đã nắm được ưu thế nhất định. Tuy nhiên, tại Bangladesh, al-Qaeda là tổ chức được hình thành sớm hơn (từ năm 2014) và thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri đã tập trung phát triển lực lượng tại đây. Rõ ràng, Nam Á đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho cả IS và al-Qaeda.